Điển hình như liên quan đến vụ Vũ “nhôm”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật với Thượng tướng Trần Việt Tân - nguyên Thứ trưởng Bộ Công an và Trung tướng Bùi Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an.
Vụ AVG, vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng…, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII đã cho thấy không có vùng cấm trong xử lý cán bộ vi phạm.
Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh: “Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang thực sự hoạt động theo phương châm "nói ít, làm nhiều", thận trọng, chắc chắn”.
Ông Ngô Văn Sửu trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Đỗ Thơm |
Ông Sửu chia sẻ, kiểm tra đảng là kiểm tra nội bộ, kiểm tra đồng chí của mình, kiểm tra tổ chức, thậm chí là cả cấp trên của mình. Nó thực sự đòi hỏi sự công tâm, bản lĩnh.
Từng có nhiều năm ở vị trí này, ông Sửu nói rằng, trước đây, việc xử lý kỷ luật đến diện cán bộ Trung ương quản lý thực sự rất dè dặt.
Nhưng đến khóa này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có nhiều kết luận quan trọng, đánh vào các nhóm lợi ích tiêu cực liên quan đến các cá nhân có vị trí rất cao như Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng…
Các kết luận liên quan đến ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Xuân Anh, vụ AVG…minh chứng cho điều đó.
Nó cho thấy, việc phòng chống tham nhũng đang được triển khai rất mạnh mẽ.
“Đặc biệt năm 2018, nhiều vụ trọng án được phanh phui, xử lý mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương có vai trò rất quan trọng.
Nó minh chứng cho công tác phòng chống tham nhũng, chúng ta đã dám làm đến công tác cán bộ.
Điển hình như năm vừa qua, nhiều vụ việc vi phạm trong ngành công an cũng được Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra kết luận.
Những chuyển biến đó rất đáng mừng.
Nói cho cùng việc có được những kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy Đảng làm mạnh.
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong các phát biểu là không có vùng cấm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Sửu phân tích.
“Bây giờ, vị nào có dấu hiệu sai phạm thì dù là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương cũng phải xem xét. Trong quá trình xem xét, sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó.
Xử lý bây giờ không chỉ ở trong Đảng mà còn bị xử lý về mặt pháp luật.
Nhiều vị bị khởi tố, xét xử và chịu một mức án thích đáng với vi phạm của họ.
Nó có tác dụng làm gương cho các cán bộ khác rất lớn”, vị nguyên Vụ trưởng Vụ 1- Ủy Ban Kiểm tra Trung ương Sửu đánh giá.
Trong khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang cho thấy sự quyết liệt mạnh mẽ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý các cán bộ vi phạm thì Ủy ban Kiểm tra các cấp ở nhiều nơi chưa thể hiện được vai trò rõ ràng. Chính vì thế đã tồn đọng nhiều vụ việc qua thời gian dài.
Cùng với đó, vai trò của chi bộ các cấp trong công tác phòng chống tham nhũng cũng phải có những đánh giá.
Theo ông Ngô Văn Sửu, một trong những chức năng của chi bộ là phải tiến hành phê bình và tự phê bình và kiểm tra giám sát đảng viên.
Đảng viên lãnh đạo là thủ trưởng của mình nhưng trong sinh hoạt đảng thì bí thư chi bộ là người có trách nhiệm lớn nhất ở chi bộ, phải xem lại thực chất có thực hiện được các chức năng không khi mà các tiêu cực thường không được tổ chức đảng tự phát hiện.
Thời gian qua, nhiều nhận định cho thấy, phát hiện tiêu cực tham nhũng hầu như không phải tổ chức đảng đứng ra mà là của cá nhân đảng viên, của báo chí, công luận và nhân dân.
Đó là một điều đáng buồn và nguy hiểm.
Các tổ chức đảng phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, phê bình và tự phê bình một cách thật sự chứ không phải vuốt ve nhau.
“Vì thế, tôi càng đánh giá cao vai trò tiên phong của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Công tác của Đảng mà không có kiểm tra thì rất khó đi đến nơi đến chốn. Ủy ban Kiểm tra Trung ương mà không làm quyết liệt thì Ủy ban Kiểm tra cấp dưới cũng sẽ càng không làm.
Họ sẽ “án binh bất động”, ông Sửu nhấn mạnh.
Ông Ngô Văn Sửu cũng chia sẻ thêm, hiện nay, Ủy ban Kiểm tra các cấp là do cấp ủy bầu. Cơ chế này tạo ra nhiều hạn chế.
"Đứng về nguyên lý xây dựng Đảng là chưa hợp lý. Ủy ban Kiểm tra phải do Đại hội bầu, phải ngang với cấp ủy. Lúc đó, họ mới có thể kiểm tra cấp ủy được.
Nếu như Ủy ban Kiểm tra do Đại hội bầu thì vai trò của Ủy ban Kiểm tra sẽ mạnh hơn rất nhiều’, ông Sửu nêu quan điểm.