Tiếp tục cuộc trao đổi với PV Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhận định, Đảng ta cơ bản đã thực hiện tốt lời căn dặn của Bác, nhưng trước tình hình mới đang có nhiều diễn biến phức tạp, Đảng cần phải có những bước đi đột phá để giữ vững niềm tin của nhân dân.
Lòng dân có yên, đất nước mới mạnh
Quy chế chất vấn trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 158 của Bộ Chính trị và sau đó là hướng dẫn số 15 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư từ năm 2008 đã đề ra các quy định khá rõ ràng, tuy nhiên theo ông Vũ Mão còn ba yếu tố gây trở ngại khiến cho quy chế này chưa được thực hiện tốt:
Thứ nhất là do yếu tố tâm lý của cán bộ và đảng viên, trước hết là ở cấp Trung ương; Thứ hai là quy chế chưa đủ rõ để ràng buộc đối với từng Ủy viên Trung ương trong việc đưa ra các chất vấn; Thứ ba là việc này vừa mới vừa khó, nếu các đồng chí chủ chốt không chủ động làm trước thì các đồng chí khác không dám làm.
“Nếu không có một sự đột phá trong nhận thức thì không dễ dàng gì mà một Ủy viên Trung ương Đảng có thể chất vấn Tổng bí thư, các Ủy viên Bộ Chính trị và ngay cả chất vấn các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khác. Phải nói thật là mọi người rất ngần ngại và chưa sẵn sàng tham gia”, ông Mão nhấn mạnh.
Ông Vũ Mão: "Lòng dân có yên thì đất nước mới mạnh, đó là đạo lý muôn đời". Ảnh: Ngọc Quang. |
Là một cán bộ từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Quốc hội, ông Vũ Mão nhận định, quá trình đổi mới đất nước thu được nhiều thành tựu trong những năm qua minh chứng cho khả năng lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, cũng phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, những thành tựu đạt được vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước.
“Nhìn sang Nhật hay Hàn Quốc thì sẽ thấy GDP của họ gấp mấy chục lần Việt Nam, mà ở thời điểm xuất phát họ cũng không hơn ta là mấy. Nhìn sang những nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia thì GDP bình quân đầu người họ cũng gấp 3-4 lần nước ta rồi. Việc đổi mới hệ thống chính trị chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yều cầu đòi hỏi của thực tiễn, của quá trình phát triển nền kinh tế đất nước. Nhân dân tin tưởng ở Đảng, nhưng rõ ràng để những cán bộ của Đảng phát huy tốt hơn vai trò của mình thì cần những cải cách sâu rộng hơn”, ông Mão nói.
Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (năm 1999) đã chỉ rõ, trong Đảng bộc lộ một số yếu kém: Suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm, bộ máy tổ chức của Đảng và Nhà nước chậm được củng cố và đổi mới.
Ông Mão bày tỏ: “Một trong những vấn đề được Đảng ta nhắc rất nhiều trong thời gian gần đây là chống tham nhũng. Nhân dân đã hài lòng chưa? Phải thẳng thắn nói là chưa. Tại kỳ họp Quốc hội thứ 7 vừa qua, đồng chí Tổng thanh tra Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận là công tác chống tham nhũng gặp nhiều khó khăn. Tôi thì thấy rằng, mấy năm qua, việc đơn giản nhất là kê khai tài sản chúng ta cũng chỉ làm hình thức, thế nên có những vị cán bộ bị nêu tên trên báo chí với những khối tài sản rất lớn thì quanh co nói là của người này, người khác cho. Giải thích như vậy cho có, chứ dân chẳng tin đâu.
Tôi còn nhớ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, có Đại biểu Quốc hội đã nêu vấn đề rất buồn, đó là tham nhũng vặt tràn lan khắp nơi. Vì sao lại có tham nhũng vặt nhiều như thế? Theo tôi, đó là vì thủ tục hành chính của chúng ta rườm rà quá, thành ra người dân mới khổ như vậy, cho nên phải đổi mới thật sự mạnh mẽ, bàn luật gì, sửa luật gì cũng phải đặt ra câu hỏi: Có lợi gì cho dân? Có gây phiền hà cho dân không? Lòng dân có yên thì đất nước mới mạnh, đó là đạo lý muôn đời”.
“Dân có biết thì mới kiểm tra được cán bộ”
Sau Hội nghị Trung ương khóa VIII, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa IX tiếp tục chỉ rõ: Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa tạo được những chuyển biến cơ bản trong công tác xây dựng Đảng… chưa ngăn chặn và đẩy lùi được tệ tham nhũng, lãng phí. Một số vụ án tham nhũng đã phát hiện, xử lý không nghiêm minh hoặc để kéo dài, nhiều vụ việc mới phát hiện gây bức xúc, nhức nhối trong Đảng và trong nhân dân.
11 năm sau, Nghị quyết Trung ương 4 tiếp tục đề cập: Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...
Đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng, nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước.
Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm.
Ông Vũ Mão chỉ rõ: “Như vậy là sau nhiều năm, vấn đề đào tạo và sử dụng cán bộ của Đảng vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, vì vậy cách tốt nhất là phải minh bạch hơn nữa hoạt động của Đảng ngay từ cấp Trung ương để làm gương cho các cấp dưới. Ban chấp hành Trung ương cần thực sự đưa hoạt động chất vấn vào nề nếp, cần nghiên cứu để có nhiều phiên chất vấn công khai và truyền hình cho nhân dân cả nước biết, nếu làm được điều đó thì đây có lẽ sẽ là giải pháp đột phá thực sự chấn chỉnh được đội ngũ cán bộ của Đảng. Tôi tin rằng, việc truyền hình, phát thanh trực tiếp các phiên chất vấn trong Đảng sẽ được nhân dân nồng nhiệt đón nhận và uy tín của Đảng ta sẽ được nâng cao. Và như thế sẽ không có vùng cấm trong mắt người dân. Dân có biết thì mới kiểm tra được cán bộ”.
Nạn tham nhũng trong những năm qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Đảng. |
Cũng theo ông Vũ Mão, chất vấn trong Đảng chưa có tiền lệ, do đó phải có chuẩn bị cách làm hợp lý và cần chú ý ba vấn đề:
Thứ nhất, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng của chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng. Thực chất, nếu tổ chức thành công việc chất vấn trong sinh hoạt của BCH Trung ương sẽ tạo ra cho Đảng ta một sinh khí mới.
Thứ hai, cần quy định rõ trách nhiệm chất vấn của các đồng chí Ủy viên Trung ương tại các Hội nghị Trung ương. Thí dụ, mỗi năm ít nhất phải chất vấn một lần, một nhiệm kỳ ít nhất chất vấn 5 lần. Ai không chất vấn thì Bộ Chính trị phải nhắc nhở và coi đây như một yêu cầu bắt buộc.
Thứ ba,quy chế cần quy định rõ: Các Ủy viên Trung ương Đảng trước khi về họp trung ương có trách nhiệm thu thập nguyện vọng của đảng viên và nhân dân nơi mình phụ trách, lãnh đạo. Tôi lấy ví dụ một Bí thư Tỉnh ủy trước khi về họp trung ương cần phải có trách nhiệm họp trong cấp ủy và xuống cơ sở để lắng nghe ý kiến của nhân dân. Qua đó tạo ra các nội dung chất vấn đối với các đồng chí lãnh đao chủ chốt. Đảng lãnh đạo toàn xã hội thì việc lắng nghe chất vấn, kiến nghị, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để tiếp thu, sửa chữa là rất cần thiết.