Tại hội thảo khoa học "45 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh", GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Di chúc thiêng liêng của Người luôn trở thành nguồn động viên, cổ vũ hết sức to lớn, là sự chỉ dẫn quan trọng để quân và dân ta tiến lên giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng. Ngay từ năm 1972 trong tác phẩm “Đường Cách mệnh”, Người vạch rõ: “Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Đặc biệt, khi trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước, yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng được đặt ra cấp thiết. Tại Đại hội II của Đảng (1951), Người chỉ rõ: “Đảng Lao động Việt Nam phải là một Đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để”. Trong di chúc, Người khẳng định: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực hiện tốt sứ mệnh cao cả của mình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng phải chứng tỏ là lực lượng có sức hấp dẫn lớn, được quần chúng nhân dân tin tưởng, ca ngợi, suy tôn là lực lượng giữ địa vị lãnh đạo. Tuy nhiên, Đảng sẽ không giữ vững được địa vị lãnh đạo nếu quyền lực bị tha hóa, cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, dẫn tới lộng quyền, lạm quyền, tham quyền… đánh mất niềm tin của nhân dân, xa rời đạo đức cách mạng.
Người đã từng cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh. |
Để Đảng thực sự vững mạnh, trong sạch, xứng đáng là đội tiên phong của dân tộc, điều cốt yếu là phải tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Người xác định: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhấ trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Một trong những phương pháp căn bản cho Đảng đoàn kết, thống nhất, đồng thời là một vũ khí sắc bén giúp mỗi cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm để tiến bộ là Đảng thực hiện nghiêm chỉnh “tự phê bình và phê bình”. Đó là quy luật phát triển của Đảng. Người chỉ rõ, phê bình việc chứ không phê bình người. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân
Suốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
Chính vì vậy, trong tiến trình cách mạng ngay từ những ngày đầu lãnh đạo đất nước trong điều kiện đã có chính quyền cho đến Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm mọi mặt đến con người, đến nhân dân, đề ra và chỉ đạo thực hiện hàng loạt các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Người luôn xác định, mục tiêu của Đảng, ý chí của Đảng, nhiệm vụ chính trị của Đảng là phục vụ nhân dân. Đảng phải “làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.
Theo quan điểm của Người, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đảng vĩ đại là ở nơi Đảng biết tìm thấy sức mạng từ trong dân, vì nhân dân mà làm việc, cống hiến. Chính vì vậy “việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được, việc gì hại cho dân thì phải hết sức tránh”. Người quan niệm: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngọc Quang. |
Trong Di chúc, Bác nói về nhân dân vừa chứa chan tình yêu thương, vừa rất tự hào: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.
Trong thực hiện chính sách xã hội, Người đề cập cụ thể đến từng đối tượng, cảnh ngộ, thân phận: “Đối với những người dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình”, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với cha mẹ, vợ con của các liệt sĩ, thương binh thì chính quyền địa phương và toàn xã hội phải “giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”… Ngay đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, Người cũng nhắc nhở “Nhà nước phải vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp đỡ họ trở nên những người lao động lương thiện”.
Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau
Trong Di chúc, Người viết “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”. Người nhấn mạnh “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Thực hiện di huẩn của Người, trong văn kiện các kỳ đại hội của Đảng đều đề cập đến công tác giáo dục, bồi dưỡng, sử dụng thanh niên. Đảng ta luôn coi thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy vậy, vẫn còn một số khó khăn tron công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ hiện nay. Đó là tình trạng nhiều nơi, nhiều tổ chức còn xem nhẹ giáo dục đạo đức, lý tưởng sống, đạo đức chuyên môn nghề nghiệp cho thế hệ trẻ; nội dung giáo dục kiến thức văn hóa, khoa học kỹ thuật còn nặng tính hình thức, chưa phù hợp với đòi hỏi của thực tế cuộc sống; việc chạy theo bằng cấp cũng trở nên phổ biến. Mặt khác, một bộ phận thanh niên lười biếng, thích hưởng thụ, suy thoái về đạo đức, sa vào tệ nạn xã hội, thậm chí còn bị lực lượng xấu kích động, mua chuộc… Tình hình trên đặt ra cho các cấp ủy Đảng, Đoàn Thanh niên cuộng sản nhiệm vụ hết sức to lớn, nặng nề.
Kiên định mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới
Sau đại thắng Mùa Xuân 1975, cả dân tộc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy vậy, đất nước vẫn chưa im tiếng súng. Chúng ta vẫn phải đứng lên chống lại cuộc chiến trang xâm lược của các thế lực thù địch ở biên giới phía Tây Nam và biên giới phía bắc Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Trong điều kiện thoái trào của chủ nghĩa xã hội những năm 80 của thế kỷ XX, Đảng ta đã khởi xướng và đảm nhận trách nhiệm quan trọng lãnh đạo toàn dân bước vào thực hiện nhiệm vụ lịch sử mới, to lớn, nặng nề, nhưng hết sức vẻ vang – cuộc chiến đổi mới theo tinh thần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi.
Gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và nhân dân ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, kinh tế, văn hóa có bước phát triển tích cực, an ninh chính trị được giữ vững, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Tăng cường đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
Chủ tich Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người luôn giáo dục Đảng ta, nhân dân ta tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, thủy chung. Trong Di chúc, Người có dự định đến ngày chiến thắng “sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta”.
Thực hiện Di chúc của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân đã thực thi đường lối đối ngoại đoàn kết, mở rộng trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng. Việt Nam đã có quan hệ đối ngoại ở nhiều cấp độ khác nhau với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ trên thế giới. Viêt Nam đã tham gia và hoạt động tích cực với vai trò ngày càng tăng tại các tổ chức của Liên Hợp Quốc, được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an, nhiệm kỳ 2008-2009, thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 – 2016; là thành viên tích cực của Phong trào không liên kết, WTO, ASEAN, APEC…