Thủ tướng yêu cầu cán bộ tự rèn luyện, không “đuổi gà qua đám giỗ”

02/11/2018 07:09
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng nhấn mạnh: "Tất cả chúng ta đặc biệt là cấp lãnh đạo phải là những tấm gương về tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả...".

Chiều 1/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn trả lời một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm. Vì thời gian ngắn nên Thủ tướng lựa chọn một số vấn đề trả lời trực tiếp và sẽ trả lời các đại biểu khác bằng văn bản.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: Trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội vừa rồi cho thấy sự tín nhiệm, ghi nhận, trân trọng của đại biểu Quốc hội đối với sự nỗ lực, hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên của Chính phủ, nhất là sự tín nhiệm rất cao của các đại biểu Quốc hội đối với đồng chí Thủ tướng Chính phủ.

Song, qua sự tín nhiệm, đánh giá của đại biểu Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ cao thấp khác nhau, dù biết rằng có một số Bộ trưởng đã có nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém từ nhiều năm trước bước đầu có hiệu quả. Nhưng kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một trong những cơ sở quan trọng cho thấy sự thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao trong thực hiện nhiệm vụ, chức năng của một số thành viên Chính phủ.

Từ tình hình đó tôi đề nghị đồng chí Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ có giải pháp gì thực sự mạnh mẽ hơn để bộ máy của Chính phủ, các bộ, ngành hoạt động đều tay, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả hơn trong nửa nhiệm kỳ còn lại?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tự rèn luyện, tự học tập, đổi mới sáng tạo, sát dân, sát cơ sở, sát địa phương để không "đuổi gà qua đám giỗ", làm rất sơ sài, vô trách nhiệm, sợ gian khổ. ảnh: quochoi.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tự rèn luyện, tự học tập, đổi mới sáng tạo, sát dân, sát cơ sở, sát địa phương để không "đuổi gà qua đám giỗ", làm rất sơ sài, vô trách nhiệm, sợ gian khổ. ảnh: quochoi.vn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời đây là câu hỏi rất lý thú: “Tôi xin nói, năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài, nhưng đều nằm trên một cổ tay và cổ tay đó đã chụm lại trước sự đoàn kết, nhất trí trong Chính phủ với 30 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và 6 đồng chí ở Bộ Chính trị.

Có một câu tiếp theo nữa là "trăm dâu đổ đầu tằm", người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong một số lĩnh vực còn yếu kém. Từ đó phải có biện pháp nào?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập năm 1946: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".

Chúng ta đang tiếp tục hiện thực hóa mong ước bình dị nhưng vĩ đại này của Bác. Vì vậy, sứ mệnh của chúng ta là phải phát triển không ngừng, phát triển bền vững sau khi đất nước ta trở lên tự lực, tự cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu, người dân được tạo không gian để phát huy cao nhất năng lực và sức sáng tạo của mình, không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Đây cũng chính là mục tiêu xuyên suốt của một Chính phủ kiến tạo phát triển liêm chính, hành động phục vụ nhân dân.

Tôi nêu một vài biện pháp lớn, Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tốt hơn cả Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh.

Thực tế tôi đã nói trên của một cơ chế, của một chính sách nhưng có địa phương, ngành này làm tốt, ngược lại còn có sự trì trệ sai sót lớn do điều hành gây ra.

Thứ hai là các thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn trong đổi mới phương pháp công tác, nhất là phương pháp nêu gương, kiểm tra các cục, vụ, viện và cán bộ thực hiện đúng quy chế làm việc, chấm dứt tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" mà chúng ta thường hay nêu.

Thứ ba là tự rèn luyện, tự học tập, đổi mới sáng tạo, sát dân, sát cơ sở, sát địa phương để không "đuổi gà qua đám giỗ", làm rất sơ sài, vô trách nhiệm, sợ gian khổ.

Thứ tư, cuối cùng làm không được thì phải vi phạm nặng, thay đổi công tác cho phù hợp.

Nhân đây, với tâm tư của nhiều vị Bộ trưởng, nhân đại biểu Quyết Tâm nêu, tôi muốn nói ý ở mọi nước Chính phủ, Bộ trưởng với tư cách là tư lệnh ngành, nhất là đất nước đông dân như nước ta, gần 100 triệu dân thì điều hành rất phức tạp, rủi ro. Tôi cũng mong các đại biểu Quốc hội rất thông cảm vì anh em phần lớn là nhiệm kỳ đầu”.

Về câu hỏi của Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang): Năm 2018 Thủ tướng Chính phủ chọn chủ đề là năm dân vận chính quyền nhằm xây dựng bộ máy hành chính nhà nước thật sự gần dân, của dân, do dân và vì dân. Xin Thủ tướng Chính phủ cho biết những thuận lợi, khó khăn và giải pháp về vấn đề trên?

Thủ tướng trả lời: “Tôi nêu ý rất quan trọng trong thời đại chúng ta hiện nay, đó là công tác dân vận chính quyền, đồng chí Ma Thị Thúy đoàn Tuyên Quang nêu, đồng chí là người đồng bào vùng cao.

Đây là năm dân vận chính quyền, chúng ta đã làm một số việc sau: Chính phủ và các cấp chính quyền phải kết hợp với Ban Dân vận để lắng nghe ý kiến của nhân dân, tôi xin nói công tác dân vận không chỉ là Ban Dân vận mà tất cả các hệ thống chính trị, nhất là các cấp chính quyền phải quan tâm để người dân đồng thuận với chúng ta trong hành động. Một việc rất quan trọng mà chúng ta chưa làm tốt hiện nay.

Thủ tướng trân thành cảm ơn quý đại biểu và những ý kiến thảo luận, chất vấn đã giúp cho Chính phủ nhận diện rõ nét hơn nữa những hạn chế, những bất cập. Trên cơ sở đó đề ra chương trình hành động và giải pháp sát thực tiễn để giải quyết những vấn đề đang đặt ra.

Như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lễ nhận chức, "tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, càng không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế". 

Hai là chính quyền phục vụ người dân, tập trung cải cách hành chính một cửa liên thông, phát huy dân chủ của người dân.

Ba là đối thoại với các tầng lớp nhân dân, nông dân, công nhân, trí thức, nhất là lớp trẻ.

Bốn là các dự thảo luật phải lấy ý kiến của nhân dân. Sắp tới đây, trên tinh thần năm dân vận chính quyền, các cấp chính quyền phải phối hợp và làm tốt hơn về công tác dân vận".

Trong bài phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại, từ thế kỷ thứ XIII anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã chỉ ra chân lý là phải khoan thư sức dân thì đất nước mới mạnh, mới sâu rễ, bền gốc.

Khoan thư sức dân ngày nay phải giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp, kiên quyết loại trừ nạn quan liêu, tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt. Để khoan thư sức dân, các ngành, các cấp phải nêu gương trong việc tiết kiệm công quỹ, quyết liệt chống tiêu cực, lãng phí.

Không chỉ vậy, tất cả chúng ta đặc biệt là cấp lãnh đạo phải là những tấm gương về tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả vì lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Trước Quốc hội, tôi yêu cầu mọi thành viên Chính phủ và toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn hệ thống hành chính nhà nước phải thấm nhuần quán triệt đầy đủ tinh thần này, cụ thể hơn là thực hiện nghiêm Quy định số 08/QĐ-TW ngày 25/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hơn bao giờ hết, chúng ta cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt công tác tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực, đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật, kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị, đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

Chúng ta không để tái diễn tình trạng như "Siêu thị con cưng" đã xử lý. Chúng ta không để tình trạng vụ phạt tiền 90 triệu với việc đổi 100 USD. Nhân đây, phải sửa ngay Quyết định số 96 năm 214 về các quy định này và tất nhiên cũng như quy định khác mà chúng ta phải tháo gỡ từ thể chế chính sách.

Tất cả chúng ta, toàn bộ hệ thống chính trị cần chia sẻ trách nhiệm, khơi thông mọi điều kiện, giải phóng mọi nguồn lực và tiềm năng cho sự phát triển của các thành phần kinh tế trong đó có vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân.

Làm được như vậy chúng ta sẽ tạo ra được những không gian mới, động lực tăng trưởng mới trong các lĩnh vực quan trọng của thế kỷ XXI như nông nghiệp thông minh, công nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, các loại hình dịch vụ và công nghệ tài chính hiện đại...

Ngọc Quang