"Tôi nói thẳng, có Đảng viên hư hỏng, vẫn nhân danh Đảng để làm điều xấu xa”

22/08/2016 08:12
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhận định, xử lý một cán bộ sai phạm cũng như xử lý một thứ "dị biệt", cần quyết tâm rất lớn của Đảng.

LTS: Trong cuộc trao đổi mới đây với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam lần này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV so sánh, những trường hợp như Trịnh Xuân Thanh là một thứ “dị biệt”.

Nếu không giải quyết dứt điểm thì sẽ còn nhiều “dị biệt” khác, phá hoại niềm tin của dân với Đảng.

Phóng viên: Tại Hội nghị lần ba Trung ương XII mới đây, Đảng đã đề cập tới việc chỉnh đốn, siết chặt kỷ luật với các Đảng viên, các tổ chức Đảng. Đó là một biện pháp hết sức cần thiết vào thời điểm này, thưa ông?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Rõ ràng, đây là vấn đề hết sức thời sự nên mới được Trung ương Đảng lựa chọn để đưa ra thảo luận tại kỳ họp này.

Nhìn lại lịch sử 86 năm qua, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân giành được nhiều thành tựu quan trọng. Khi đất nước chìm trong khói lửa thì Đảng Cộng sản ra đời và trở thành tổ chức tiên phong – duy nhất tập hợp được quần chúng, nhân dân lao động vùng lên giành chính quyền.

Đảng ra đời chỉ với một mục tiêu duy nhất là vì quyền lợi của nhân dân. Tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các thế hệ sau tiếp nối.

Chúng ta biết rằng sau giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng, tái thiết đất nước và đến giai đoạn đổi mới, Đảng luôn khẳng định được vai trò lãnh đạo quan trọng. Đảng cũng thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thật, nhận thấy sai lầm để từng bước khắc phục đưa đất nước phát triển tốt hơn.

Rõ ràng thành tựu đổi mới của đất nước ta rất đáng ghi nhận, từ một quốc gia lạc hậu và nghèo khó, nay đời sống của nhân dân đã hoàn toàn thay đổi. Tất nhiên, chúng ta không bằng lòng với những gì đã có và còn phải tiếp tục nỗ lực vươn lên.

Những gì đã đạt được thời gian qua hẳn là sẽ phải tốt hơn nữa nếu Đảng chính xác hơn trong công tác cán bộ, quyết liệt hơn trong phòng chống tham nhũng.

Đã có nhiều vụ cố ý làm trái quy định của nhà nước khiến cho hàng nghìn, hàng vạn tỷ đồng của nhà nước, của nhân dân biến mất. Tài sản chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác thôi, tại sao lại không tìm ra, không thu hồi về được?

Mỗi một vụ việc như thế xảy ra, Đảng lại có thêm một bài học đau xót trong công tác cán bộ.

Tôi phải nói thẳng rằng, thời gian vừa qua ở trong Đảng có những người hư hỏng nhưng vẫn nhân danh Đảng để làm ra những điều xấu xa.

Vì vậy, Trung ương Đảng, mà trước tiên là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần phải tiếp tục thể hiện vai trò lãnh đạo tối cao, xử lý nhanh và nghiêm minh tất cả những kẻ mượn danh Đảng để vun vén cho lợi ích cá nhân.

Nếu thực sự làm được như vậy thì những kẻ khác sẽ phải run sợ, và lòng dân cũng đi vào ổn định.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, có quá nhiều cán bộ hư hỏng thì dân còn khổ. ảnh: Ngọc Quang.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, có quá nhiều cán bộ hư hỏng thì dân còn khổ. ảnh: Ngọc Quang.

Có những ý kiến cho rằng, chính vì những hư hỏng của cán bộ lợi dụng uy tín của Đảng vẫn còn đó và thậm chí có nguy cơ lan rộng, làm cho quyết tâm chống tham nhũng của nhiều người dân có thể bị bào mòn?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Trung ương nhiều lần đề cập tới vấn đề chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...

Khi chọn cán bộ phải đề cao phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và quần chúng tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ với công việc; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng.

"Tôi nói thẳng, có Đảng viên hư hỏng, vẫn nhân danh Đảng để làm điều xấu xa” ảnh 2

Nhân danh nhân dân để đục khoét tài sản của dân!

Thậm chí còn đề ra yêu cầu, không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ.

Những vấn đề này Trung ương đã đề ra thì chính Trung ương phải có kiểm tra, giám sát, có tổng kết hàng năm để chấn chỉnh đạo đức cán bộ.

Đừng để diễn ra tình trạng nêu ra vấn đề nhưng chỉ dừng ở mức nhắc nhở thì không có tác dụng, bởi vì trong nền kinh tế thị trường bây giờ con người đã bị tha hóa quá nhiều.

Vì đồng tiền, vì quyền lực mà người ta sẵn sàng làm những việc sai trái, đó là chuyện xảy ra ở mọi xã hội chứ không riêng gì ở ta. Nhưng biểu hiện ấy phát ra nhiều hay ít, nghiêm trọng hay không nghiêm trọng là tùy thuộc ở từng hệ thống.

Trước đây ở giai đoạn mới thành lập, Đảng luôn yêu cầu cán bộ phê bình và tự phê bình, nhưng bây giờ thì phải áp dụng các biện pháp mạnh, chứ nếu chỉ tuyên truyền, giáo dục thôi thì sẽ là một cơ chế lỗi thời.

Chính vì có nhiều cán bộ hư hỏng tồn tại quá lâu và có nguy cơ lan rộng ra, cho nên gây khó khăn thêm cho quá trình làm trong sạch bộ máy Đảng, làm cho quyết tâm của những người Đảng viên chân chính bị bào mòn, vì chống mãi mà tiêu cực vẫn đầy rẫy.

Đó lại là thời cơ cho các thế lực phá hoại lợi dụng để nói xấu Đảng, chia rẽ nội bộ Đảng và khoét sâu vào những bức xúc của nhân dân đối với các tổ chức chính quyền (thực chất là bức xúc đối với một số cán bộ xấu xa)

Tôi tin rằng, trước sau gì Đảng ta cũng sẽ đấu tranh thành công với những tiêu cực, làm trong sạch bộ máy, giữ được kỷ cương như vốn có lúc ra đời, đúng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh.

Vì vậy, tôi mong rằng, dù trong hoàn cảnh nào thì chúng ta phải nhớ rằng đang đấu tranh với những sai lầm, tiêu cực trong Đảng chứ không phải đấu tranh với Đảng. 

Nhưng giải pháp để biến những tư tưởng tốt đẹp ấy thành hiện thực thì hẳn là chỉ có một cách duy nhất là minh bạch mọi hoạt động của cơ quan nhà nước, nhất là công tác cán bộ?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Có thể nói rằng, khi đã được lựa chọn, đào tạo và đặt vào các vị trí khác nhau thì lãnh đạo đã trải qua nhiều khó học tập chính trị, tư tưởng, được rèn luyện thử thách qua các môi trường thực tế rất nhiều. Thế nhưng tại sao vẫn có nhiều cán bộ mắc sai phạm, thậm chí là những sai phạm rất lớn, rất nghiêm trọng.

"Tôi nói thẳng, có Đảng viên hư hỏng, vẫn nhân danh Đảng để làm điều xấu xa” ảnh 3

“Bộ phận không nhỏ” có nguy cơ phình to!

Cách đây ít ngày, tôi có tham dự một cuộc gặp mặt các cựu ủy viên Trung ương do Tổng Bí thư mời. Tôi đã phát biểu rất thẳng thẳng thắn, vụ việc Trịnh Xuân Thanh chẳng khác nào một thứ “dị biệt”.

Xử lý riêng cá nhân Trịnh Xuân Thanh thì chẳng khó khăn gì, nhưng phải tìm cho ra những ai đẻ ra thứ “dị biệt” ấy?

Tác giả đẻ Trịnh Xuân Thanh phải là một bà mẹ “dị biệt”. Vì vậy, chỉ có thể dẹp những thứ “dị biệt” ấy khi mà cơ thể bà mẹ hoàn toàn khỏe mạnh. Nếu không xử lý được nguồn gốc vấn đề thì sau này còn có thể đẻ ra hàng chục Trịnh Xuân Thanh.

Theo tôi, giải pháp tốt nhất chính là phải minh bạch hoạt động của các tổ chức nhà nước (trừ một các vấn đề an ninh quốc gia). Chỉ có minh bạch thì người dân mới giám sát, góp ý được cho cán bộ, cho cơ quan nhà nước. Hơn nữa, chúng ta vẫn nói làm tất cả vì quyền lợi của dân. Cán bộ bầu ra để làm việc cho dân, vậy thì minh bạch là hoàn toàn có lý chứ.

Thời gian vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ liên tục thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo. Thủ tướng liên tục yêu cầu phải công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình khi xảy ra vi phạm. Đã vi phạm thì phải xử lý nghiêm, không loại trừ ai.

Có thể nói rằng tập thể Chính phủ mới đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ và được nhân dân ủng hộ.

Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy lo lắng vì đúng như Thủ tướng nói, đó là nếu chỉ có quyết tâm của Chính phủ, mà ở bên dưới những cán bộ sát dân, gần dân không thực hiện đúng mới chủ trương yêu cầu thì không thể nào xoay chuyển được.

"Tôi nói thẳng, có Đảng viên hư hỏng, vẫn nhân danh Đảng để làm điều xấu xa” ảnh 4

“Nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm của Tổng Bí thư?

(GDVN) - Tạo ra một tiền lệ phải chăng là cách mà các “nhóm lợi ích” đang chuẩn bị để đối phó với quyết tâm chống tham nhũng của Tổng Bí thư?

Vừa rồi, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch thành phố Hà Nội đã nêu ra con số 700 tỷ đồng cắt tỉa cây hoa cảnh. Khủng khiếp quá! Riêng một đoạn đường Đại lộ Thăng Long mà chi hơn 50 tỷ đồng mỗi năm. Đấy cũng là một cái dị biệt. Nó sinh ra từ đâu?

Tôi mong rằng, các lãnh đạo đứng đầu thành phố Hà Nội phải tìm ra nguồn gốc của vấn đề này, phải xem trong đó có lợi ích nhóm không, có tham nhũng gì không mà sao lại chi quá nhiều tiền như vậy.

Ở ngay Hà Nội của chúng ta, những huyện nông thôn, còn nhiều người khó khăn lắm chứ, vẫn còn nhiều người nghèo đấy chứ. Hàng ngày, chúng ta vẫn nhìn thấy hàng nghìn bà con nông dân lội ruộng, chạy chợ kiếm từng hào cho con ăn học.

700 tỷ đồng kia sao không dùng vào những việc có ích giúp dân nghèo thì có phải ý nghĩa hơn bao nhiêu không? Cứ chi tiêu bừa bãi như vậy thì làm sao dân tin được?

Rồi vụ vỡ đường ống nước sông Đà làm thiệt hại hàng tỷ đồng, bây giờ cũng có nguy cơ chìm nghỉm, không xem xét trách nhiệm của những người lãnh đạo trước đây ở Vinaconex. Cách hành xử như vậy khiến cho người dân không tin vào chính quyền.

Chúng ta đã tổ chức rất nhiều các cuộc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rồi, nhưng vẫn còn đó những cán bộ thoái hóa biến chất, vẫn còn đó những kẻ tham nhũng tinh vi...

Đó là những kẻ không bao giờ biết xấu hổ, vì tiền mà bất chấp tất cả, cho nên cần phải có các biện pháp thích đáng, loại trừ hoàn toàn những mầm mống “dị biệt” ấy ra khỏi các tổ chức Đảng. 

Trân trọng cảm ơn chia sẻ của Trung tướng!

Ngọc Quang (Thực hiện)