Năm qua, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã làm được nhiều việc được dư luận rất ủng hộ và đánh giá cao.
Nhận định về các điểm nhấn trong công các của Ủy ban kiểm tra Trung ương năm qua, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm vụ trưởng vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng:
“Năm 2017, ngành kiểm tra Ðảng đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chủ động, tích cực kiểm tra, công khai minh bạch nhiều vụ việc xử lý vi phạm;
Đồng thời làm tốt công tác tham mưu, hoàn thiện một số quy định của Ðảng, làm cơ sở cho việc thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng”.
Luật sư Phan Xuân Xiểm, nguyên hàm Vụ trưởng Vụ 1 Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng (ảnh Bạch Đằng). |
Cũng theo luật sư Phan Xuân Xiểm: “Một năm qua, hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được nhân dân ghi nhận nhiều và được nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ.
Những việc làm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã góp phần vào việc phòng chống tham nhũng có hiệu quả.
Có lẽ, cảm nhận trên cũng là thực tế mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm được trong thời gian qua. Nhiệm kỳ này Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm rất tốt, mang lại nhiều hiệu quả, xử lý rất nhiều vụ việc kịp thời.
Bây giờ Đảng viên, nhân dân đi đâu cũng thể hiện niềm tin tưởng vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Việc được dân đặt niềm tin vừa là niềm vui cũng trách nhiệm tạo áp lực để Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm tốt hơn nữa trong các năm tới”.
Quy trình tiến hành công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng |
Một số vụ việc được xem là điểm nhấn có dấu ấn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương mà theo vị chuyên gia này liệt kê ra đó là các vụ việc kỷ luật cán bộ tại thành phố Đà Nẵng, tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa…
Công tác kiểm tra giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng góp phần đưa ra xét xử một số vụ án đình đám.
Việc xem xét xử lý cũng rất công khai. Làm như vậy để cán bộ, đảng viên giám sát được. Chính điều này đã đóng góp trong công tác xây dựng Đảng tốt hơn”.
Cũng theo ông Phan Xuân Xiểm, một điểm nhấn nữa cho thấy vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đó là các vụ việc cấp dưới không xử lý hay xử lý không đúng mức khi để xảy ra sai phạm thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc xem xét và xử lý nghiêm khắc.
Chuyện nữ cán bộ xứ Thanh được bổ nhiệm "thần tốc" râm ran dư luận từ năm 2016, nhưng Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ khiển trách ông Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - người liên quan trực tiếp vụ việc.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc và phát hiện, ông Ngô Văn Tuấn khi làm Bí thư Ðảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa "đã ưu ái, nâng đỡ không trong sáng" đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định cách tất cả các chức vụ trong Ðảng đối với ông Ngô Văn Tuấn.
Cũng bình luận thêm về công tác kiểm tra, giám sát trong năm qua, ông Phan Xuân Xiểm cho rằng: “Những việc này nếu làm được sớm hơn thì hậu quả sẽ giảm bớt nghiêm trọng.
Vì những sai phạm bị đưa ra xử lý đã xảy ra cách đây đã lâu”.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Cũng qua các vụ việc này, chúng ta cần rút ra bài học đó là trong công tác kiểm tra giám sát nếu không phát hiện được kịp thời thì hậu quả sẽ lớn hơn.
Vì vậy các vụ việc cần thiết phải được phát hiện sớm và xử lý dứt điểm”.
Hoàn thiện văn bản, nâng cao chất lượng kỷ luật Đảng viên Một trong những đóng góp quan trọng theo ông Phan Xuân Xiểm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoàn thiện, xây dựng mới một số quy định phù hợp yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong tình hình mới và đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước như Quy định 102 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, thay cho Quy định số 181 ban hành năm 2013; Quy định 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý... Các văn bản nêu trên cùng với những quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ; Quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; đã góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy định của Ðảng, nâng cao chất lượng công tác cán bộ; nhất là trong xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm”. |