"Việt Nam không liên minh với nước này để chống phá nước khác"

16/10/2014 09:16
Ngọc Quang
(GDVN) - Việt Nam luôn kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực ứng xử ở khu vực.

Đây là quan điểm lập trường của Việt Nam được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong bài phát biểu tại Viện Koerber (Đức), sau khi lắng nghe những chính khách, các nhà nghiên cứu hàng đầu của nước Đức - về những vấn đề, thách thức đối với hòa bình, an ninh, phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương và phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức trong tổng thể quan hệ Á - Âu.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng tôi kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam là bạn là đối tác tin cậy của các quốc gia vì hòa bình và phát triển. Không ngừng nỗ lực xây dựng quan hệ hữu nghị tốt đẹp và tăng cường hợp tác cùng có lợi với tất cả các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước ASEAN, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các đối tác truyền thống.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là không liên minh với nước này để chống phá nước khác. Chúng tôi kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời luôn chân thành mong muốn cùng các nước xây dựng lòng tin chiến lược – một sự tin cậy lẫn nhau bền vững lâu dài - trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, Luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; hợp tác bình đẳng cùng có lợi; đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Viện Koerber (Đức).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Viện Koerber (Đức).

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, Việt Nam hoan nghênh mọi chính sách của các nước lớn đối với châu Á - Thái Bình Dương nếu các chính sách đó tôn trọng Luật pháp quốc tế và các thể chế khu vực, không cường quyền áp đặt, không xâm phạm độc lập chủ quyền của các quốc gia, hợp tác bình đẳng cùng có lợi và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, phát triển ở khu vực.

Là thành viên tích cực của Cộng đồng ASEAN sẽ hình thành vào năm 2015, Việt Nam hết sức quan tâm đến tương lai của cấu trúc khu vực và vai trò trung tâm của ASEAN. Cấu trúc hiện nay vẫn đang trong giai đoạn định hình - quá độ với nhiều cơ chế, diễn đàn đa tầng nấc như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)... Để bảo đảm vững chắc cho hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực, châu Á – Thái Bình Dương cần có một cấu trúc bền vững với một hệ thống các nguyên tắc, thể chế khả thi, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong cấu trúc đó, ASEAN cần tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm, dẫn dắt, kết nối chặt chẽ và xây dựng lòng tin chiến lược giữa tất cả các đối tác liên quan.

Một vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay là tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Đây là nơi có tuyến hàng hải quốc tế, với khoảng 50% hàng hóa vận chuyển đường biển của toàn cầu - mà phần lớn là lưu chuyển hàng hóa giữa Châu Âu và Đông Á. Những bất ổn, căng thẳng vừa qua đã cho thấy rõ lợi ích này chỉ có thể được bảo đảm khi tất cả các nước, nhất là các nước trực tiếp có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, đều phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, kiềm chế không có hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Với truyền thống hòa hiếu và chính sách đối ngoại nhất quán của mình, Việt Nam luôn kiên trì chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực ứng xử ở khu vực. Trong khi khẳng định và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước theo đúng Luật pháp quốc tế, chúng tôi luôn chủ động ứng xử phù hợp và tranh thủ mọi cơ hội để làm giảm căng thẳng, khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông.

Thời gian qua, công luận trên thế giới, Chính phủ nhiều nước, các tổ chức quốc tế, Liên hợp quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Nhóm các nước G7, Cộng đồng ASEAN... đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ lập trường chính nghĩa – phù hợp với Luật pháp quốc tế - của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Nhân dịp này, chúng tôi  xin chân thành cảm ơn bạn bè trên thế giới - ở châu Âu,  ở Đức - đã có tiếng nói tích cực, khách quan, đóng góp thiết thực cho hòa bình, an ninh của khu vực.

Chia sẻ với các chính khách và học giả Đức, Thủ tướng cho biết, sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đã chuyển đổi thành công nền kinh tế kế hoạch tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ một nước nghèo, kém phát triển, bị tàn phá nặng nề của các cuộc chiến tranh xâm lược, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Trong 25 năm (1986-2010), chúng tôi đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7% năm.

Trong khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng GDP 5,6% trong 3 năm 2011-2013. Năm 2014, GDP tăng khoảng 6% và bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) của Liên hợp quốc. Việt Nam đang hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ của người dân và tiếp tục khẩn trương hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững với mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Việt Nam đang chủ động hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm và là động lực chính. Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ 2007. Đến nay, chúng tôi đã tham gia  08 Hiệp định thương mại tự do và đang tích cực đóng góp xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015. Chúng tôi cũng đang đàm phán 06 Hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn cao, trong đó quan trọng nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Hội nhập quốc tế, bên cạnh những khó khăn thách thức nhưng đã và đang mở ra cho Việt Nam chúng tôi nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình phát triển, cải cách và tham gia ngày càng hiệu quả vào chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu.

Việt Nam là thành viên tích cực và xây dựng, đóng góp có trách nhiệm trong hoạt động của nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO... Chúng tôi đã triển khai tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (PKO) của Liên hợp quốc và đang nỗ lực đảm nhận trọng trách tại một số cơ chế, diễn đàn quan trọng như Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)... Tình hình và điều kiện thực tế đã cho phép chúng tôi chuyển từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng và định hình luật chơi chung”, thể hiện rõ hơn trách nhiệm của mình đối với các vấn đề, các thách thức của khu vực và thế giới.

Ngọc Quang