Bỏ sổ hộ khẩu, quản lý công dân thế nào?

06/11/2017 11:05
Trinh Phúc
(GDVN) - Bộ trưởng Bộ Công an - ông Tô Lâm cho rằng: “Chắc chắn phải có quản lý nhưng sẽ đơn giản hóa thủ tục phục vụ nhân dân".

Theo nghị quyết 112 vừa được Chính phủ thông qua, sau khi bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư thì việc quản lý thường trú, tạm trú, tạm vắng của công dân... sẽ được thống nhất quản lý bằng mã số định danh cá nhân. 

Theo lộ trình đang được Bộ Công an thực hiện, khoảng cuối năm 2018, chậm nhất là đầu năm 2019, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ đi vào vận hành, đảm bảo phục vụ cho công tác quản lý nhà nước.

Khi đó công dân thực hiện các giao dịch hành chính chỉ cần cung cấp 3 thông tin cơ bản, gồm: họ tên, mã số định danh và chỗ ở.

Cơ quan nhà nước sẽ tra cứu trong cơ sở dữ liệu quốc gia là có đầy đủ thông tin mà công dân không cần xuất trình các loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh... không phải đi chứng thực hay xác nhận của xã, phường.

Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Tô Lâm (ảnh quochoi.vn).
Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Tô Lâm (ảnh quochoi.vn).

Liên quan đến vấn đề này, sáng ngày 6/11, bên hành lang kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, trao đổi với báo chí trước băn khoăn việc bỏ hộ khẩu nhưng có bỏ quản lý theo kiểu đăng kí hộ khẩu thường trú, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng: “Chắc chắn phải có quản lý nhưng sẽ đơn giản hóa thủ tục phục vụ nhân dân.

Biện pháp thì sẽ có biện pháp nhưng giấy tờ thủ tục sẽ đơn giản, chứ không phải bỏ giấy tờ là bỏ quản lý. Nguyên tắc là thế, còn hình thức thì nhiều”.

Cũng liên quan đến quy định việc bỏ hộ khẩu, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) – Giám đốc công an tỉnh Nghệ An cho rằng: “Giữa yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ với yêu cầu phải quản lý chặt chẽ xã hội nó không mâu thuẫn với nhau.

Đây là một quá trình đã chuẩn bị chu đáo, bỏ sổ hộ khẩu là hoàn toàn hợp lý.

Cơ sở dữ liệu quốc gia hiện đã được hoàn tất toàn bộ. Giờ đang triển khai chủ trương làm căn cước công dân, hiện Hà Nội đang triển khai việc này, riêng các tỉnh sau khi có chủ trương của Bộ Công an sẽ đồng loạt triển khai ngay.

Hiện trong cơ sở dữ liệu quốc gia đã rất đầy đủ nên khi quyết định bỏ các giấy tờ ấy không có vấn đề gì”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (ảnh quochoi.vn).

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng cho rằng: “Việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ không có áp lực gì lớn cả. Hiện cuộc cách mạng 4.0 phát triển rất mạnh, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư đang phát triển rất mạnh.

Tôi nhận thức rằng trong tất cả các vấn đề quản lý xã hội thì quản lý con người là khó nhất.

Tuy nhiên khi chúng ta có công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin thì việc quản lý sẽ dễ dàng hơn chứ không đến mức người dân đi ra đường phải mang theo mình rất nhiều giấy tờ để cùng một lúc phải kiểm tra mà chỉ cần tích hợp tất cả các dữ liệu lại và kiểm tra thì hệ thống máy có thể xác định được ngay.

Cơ quan quản lý đã chuẩn bị chu đáo rồi”.

Bỏ sổ hộ khẩu, quản lý công dân thế nào? ảnh 3Bộ trưởng Dũng: Đầu tư và Tài Chính có gì chồng chéo đâu?

Trước thắc mắc, bỏ sổ hộ khẩu thì các vấn đề liên quan đến sở hữu, quản lý đất đai của công dân ra sao, vị đại biểu của đoàn Nghệ An cho rằng: “Vấn đề này, khi có nghi ngờ thì các cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra chứ không phải bỏ sổ hộ khẩu đi thì không kiểm tra nữa.

Việc kiểm tra để xác minh do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, còn công dân chỉ cần xuất trình, thông báo thôi còn xác định đúng hay không đúng thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Cho nên với một việc chuẩn bị rất chu đáo về cơ sở dữ liệu dân cư rồi thì có thể trả lời được ngay, chính xác, không có vấn đề vướng gì.

Ví dụ ở Nghệ An có hơn 3,2 triệu mã định danh, tất cả những vấn đề về chứng minh nhân dân của dân chúng tôi chỉ cần vào máy tính tra cứu là trả lời chính xác”.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu: “Chủ trương là ở bộ cho làm đồng loạt triển khai vấn đề căn cước công dân thì sẽ làm ngay vì hiện cơ sở dữ liệu đã kết nối đến từng địa phương rồi, giờ địa phương làm nữa là xong thôi.

Hiện, Hà Nội đang làm. Theo tôi được biết thì ngay từ năm sau tất cả công an các địa phương sẽ triển khai.

Như ở Nghệ An hiện tất cả dữ liệu dân cư đã kết nối về tận cấp xã rồi, tức các xã họ làm xong dữ liệu rồi chuyển lên, tỉnh quản lý về tận nơi, nên nếu giờ triển khai thì rất nhanh.

Chủ trương này là rất hợp lý. Một là bỏ bớt giấy tờ thủ tục cho dân để hoạt động nhanh chóng, hiệu quả. Hai là không ảnh hưởng gì đến vấn đề quản lý của nhà nước.

Dân các tỉnh đổ về thành phố đều kiểm soát được hết chứ không vướng mắc gì. Ba là tiết kiệm được rất nhiều kinh phí cho dân, cho nhà nước, từ tiền công làm sổ hộ khẩu, giấy để in sổ…

Khi mà chuyển đổi bỏ cái cũ sang cái mới bao giờ cũng cần có thời gian nhưng với quyết tâm của Chính phủ và Bộ Công an thì việc này chắc chắn sẽ được triển khai sớm, để cho vấn đề quản lý xã hội một cách hiện đại, hiệu quả. Nếu triển khai được việc này thì sẽ rất tốt”.

Trinh Phúc