Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý Nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia nêu quan điểm: “Phải khẳng định tinh giản biên chế là đưa những người không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi công việc….ra khỏi tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Vì vậy, muốn tinh giản hiệu quả phải tìm ra được những người không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công việc”.
Tiếp đó, ông phân tích, nếu chúng ta ấn định ví dụ số lượng 100 người trong tổ chức, đơn vị nào đó.
(Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Kim Sơn. Ảnh: thuongtin.hanoi.gov.vn) |
Nhưng hiện giờ, tổ chức đó quá 100 người thì không những người không đáp ứng được công việc mà người đáp ứng thấp cũng thuộc diện phải bị tinh giản để cho đúng bằng con số 100 người.
Theo ông, nếu những người sắp sửa về hưu nhưng lại là người mà tổ chức đang cần. Ví dụ như Phó Trưởng ban Pháp chế, Phó Ban Kinh tế thì chắc những người đó khó có chuyện không đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
Lúc đó, cơ quan cho những người này về hưu cũng chỉ là một cách để giảm bớt số lượng người nhưng lại không đáp ứng được các yêu cầu trên.
"Vậy rõ ràng, đồng loạt tinh giản biên chế chủ yếu là người sắp về hưu sẽ không đem lại hiểu quả như chúng ta mong muốn.
Vì cơ quan vẫn tiếp tục thừa người không đủ tiêu chuẩn, năng lực yếu nhưng lại còn trẻ.
Trong khi đó, có thể lại thiếu những người đáp ứng được công việc nhưng lại sắp nghỉ hưu chẳng hạn", Phó Giáo sư Võ Kim Sơn chỉ ra.
Đồng quan điểm cho rằng cần phải tinh giản biên chế dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng thay vì chú ý số lượng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định, các bộ ngành, địa phương mới chủ yếu vận động người sắp đến tuổi nghỉ hưu về sớm.
Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc dẫn chứng Thành phố Đà Nẵng vừa rồi đưa ra chủ trương ai nghỉ sớm được nhận mấy trăm triệu đồng chẳng hạn.
Theo quan điểm của ông, sắp xếp, tinh giản biên chế phải chọn được cán bộ giỏi.
Những yêu cầu mới nhất về tinh giản biên chế giáo viên của Bộ Giáo dục |
“Cán bộ không đáp ứng được công việc, dù anh có trẻ, thậm chí mới vào cơ quan đi nữa vẫn phải tinh giản”, ông nhấn mạnh.
Ông nói rõ, chúng ta phải lượng hóa được cộng việc, phải đánh giá được cán bộ, lãnh đạo có đáp ứng được nhiệm vụ không để tinh giản những người không làm được việc, để họ tìm cơ hội ở nơi khác.
"Tinh giản biên chế là phải loại được cán bộ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", đến cơ quan chỉ uống nước, đọc báo", Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc nêu.
Theo ông, chúng ta có sắp xếp, sáp nhập, tinh giản với mục tiêu như vậy thì cuộc sống của cán bộ mới được nâng lên.
Nếu không tinh giản biên chế, không lượng hóa được công việc thì với số lượng cán bộ ăn lương lớn như hiện nay, chúng ta khó có thể nâng cao đời sống của họ được.
"Vì thế, tôi thấy việc tinh giản biên chế theo cách động viên về hưu sớm như nhiều nơi đang làm chỉ mang lại về lượng chứ chất chưa chắc đã hiệu quả", Phó Giáo sư Phúc nói.
Theo thông tin mới nhất, tổng số người tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP được Bộ Nội vụ thẩm tra từ năm 2015 đến 6/8/2018 là 39.823 người (năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; 7 tháng đầu năm 2018 là 9.462 người). Trong đó, theo chính sách được hưởng, số người về hưu trước tuổi là 34.515 người, chiếm 86,67%. Người hưởng chính sách thôi việc ngay 5.234 người chiếm 13,14%. Người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học là 29 người chiếm 0,07%. Người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước 40 người, chiếm 0,10%. |