LTS: Phản ánh thực tế về nguyện vọng nhiều nhà giáo xin nghỉ hưu trước tuổi, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc cho rằng lý do chính là bởi sức khoẻ sa sút.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Từ khi Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 01 năm 2015, số lượng cán bộ, công chức, viên chức ở các ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục có nhu cầu xin nghỉ hưu trước tuổi ngày càng nhiều.
Theo Nghị định 108, thì một trong hai điều kiện “cần và đủ” để số các thầy cô giáo (viên chức) được phép nghỉ hưu trước tuổi là do sức khoẻ không bảo đảm theo Luật bảo hiểm xã hội hoặc hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ hay một năm hoàn thành nhiệm vụ và một năm không hoàn thành nhiệm vụ.
Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (thành phố Quảng Ngãi), nơi tôi đang công tác, đầu năm 2017 có đến 4 thầy cô giáo từ 51 đến 56 tuổi có đơn xin nghỉ hưu trước tuổi vì lý do sức khỏe, bệnh tật, ốm đau thường xuyên.
Nhưng phải chờ tới giữa năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi mới xem xét, giải quyết được do số lượng giáo viên mong muốn nghỉ hưu trước đông quá trong khi đó tỉnh chưa thể bố trí được nguồn kinh phí chi trả.
Thực tế, có nhiều giáo viên nữ muốn nghỉ hưu trước tuổi. Ảnh mang tính minh hoạ: Baotayninh.vn |
Cô Lê Thị Kim Cương, sinh năm 1967, dạy môn Sinh, trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Quảng Ngãi, tâm sự:
"Tôi cũng rất muốn tiếp tục cống hiến cho nhà trường, ngành giáo dục và được nghỉ hưu đúng tuổi (55 tuổi).
Song nay sức khỏe không cho phép nữa rồi, bệnh tật đủ thứ trong người qua khám và kết luận của bác sĩ.
Mỗi buổi chỉ có dạy 2, 3 tiết thôi mà về nhà rã rời chân tay, thở không ra hơi.
Tôi và gia đình mong sao Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi quan tâm, cho nghỉ sớm.”
Để thuận tiện, đỡ nhiêu khê cho đồng nghiệp của mình được nghỉ hưu trước tuổi, các cơ sở giáo dục thường hợp thức hóa điều kiện hai năm liên tiếp không hoàn nhiệm vụ hay một năm hoàn thành nhiệm vụ và một năm không hoàn thành nhiệm vụ.
Chứ thực ra, họ bị sức khỏe yếu, mỏi mệt, ốm đau, bệnh tật hành hạ triền miên.
Trong bài ”Nâng tuổi hưu, sẽ có nhiều giáo viên "hy sinh" ngay trên bục giảng?” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 30/1/2018, tác giả Nhật Khoa đã khái quát rất chính xác về nghề dạy học hiện nay ở nước ta:
"Nghề giáo là một nghề vô cùng vất vả, chịu rất nhiều áp lực về công việc, cuộc sống, phong trào.
Giáo viên đến lớp để dạy kiến thức thì phải dành thời gian nghiên cứu trau dồi kiến thức, chuyên môn, luyện tay nghề.
Bên cạnh đó, ngoài giờ dạy giáo viên phải chấm trả bài kiểm tra, soạn giáo án, tham gia vô số các phong trào, hội thi, viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học, hội họp, chuyên đề, bồi dưỡng,…
Trong thời gian hè, giáo viên cũng không được nghỉ mà phải tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, trực hè, hội họp,…
Không chỉ có thế giáo viên còn phải chịu áp lực về thành tích, thi đua, áp lực chất lượng về phía giáo viên và học sinh.
Có nhiều giáo viên đã mãi mãi ra đi khi mái đầu chưa bạc.
Và quan trọng nhất là giáo viên trực tiếp đứng lớp sắp về hưu hầu hết đều mắc bệnh nghề nghiệp như phổi (hít bụi phấn), viêm thanh quản, viêm họng (do nói quá nhiều), đau dạ dày, tiểu đường (ăn uống không điều độ), viêm khớp (đi lại nhiều), cao huyết áp, tim mạch (nóng giận khi xử lý học sinh vi phạm),… có nhiều trường hợp nặng hơn thì gây bệnh ung thư, tai biến,…”.
Nâng tuổi hưu, sẽ có nhiều giáo viên "hy sinh" ngay trên bục giảng? |
Ngoài sức khỏe, bệnh tình, có những trường hợp như cô Nhi, cô Hạnh, giáo viên dạy bậc tiểu học ở huyện Phù Mỹ, Phù Cát, thuộc tỉnh Bình Định thì xin nghỉ hưu trước tuổi vì lý do gia đình, con cái...
Cô Hạnh, Nhi cùng cho biết: "Chồng đau nằm liệt gường nhiều năm, các con lại đi làm ăn xa ở Sài Gòn, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác, nghỉ sớm để chăm sóc, đỡ tần cho chồng được trọn vẹn.”
Tác giả Việt Đông phản ánh trên báo Tây Ninh qua bài viết “Nhiều nữ giáo viên muốn nghỉ hưu trước tuổi”(ở mục giáo dục, ngày 3/1/2018):
Tại một huyện ở tỉnh Tây Ninh, trước khi kết thúc năm 2017, có khoảng hai mươi giáo viên nữ đã tìm cách xin về hưu trước tuổi mà không được chấp thuận.
Lý do những giáo viên này muốn nghỉ hưu chính là để được hưởng mức lương hưu 75% (so với khi đang làm việc), vì nếu về hưu sau ngày 1/1/2018, khi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) chính thức có hiệu lực, giáo viên sẽ bị thiệt thòi, vì mức lương hưu giảm khoảng 8% - 10% so với thời điểm nghỉ hưu trước ngày 31/12/2017.”
Theo lộ trình đến năm 2021 trở đi, Chính phủ sẽ thực hiện phương án tăng tuổi hưu để đạt mức, đối với lao động nữ là 60 tuổi (tăng thêm 5 năm), đối với lao động nam làm 62 tuổi (tăng thêm 2 năm) với nhiều lý do được đưa ra, nào là để đảm bảo quỹ đóng bảo hiểm xã hội, nào là tuổi thọ trung bình của người Việt tăng…
Hiện tại với quy định, nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi được nghỉ hưu đúng tuổi thì ngành giáo dục đã xuất hiện nhiều nhà giáo “chịu hết nổi”, chỉ có mong mỏi sớm được nghỉ hưu trước tuổi, lý do chính là sức khỏe cạn kiệt.
Sắp tới đây khi tăng tuổi hưu lên nữa: "Có nhiều giáo viên vừa nghỉ hưu đã ra đi, hay chỉ nghỉ được một thời gian ngắn rồi cũng ra đi mãi mãi, nếu phương án tăng tuổi hưu được thông qua là thì sẽ có nhiều giáo viên đang giảng dạy gục ngã ngay trên lớp”, thầy giáo Nhật khoa từng cảnh báo.