Để đưa hoạt động đầu tư xã hội hóa cho các cơ sở giáo dục công lập vào nề nếp, tạo hành lang pháp lý quản lý, khuyến khích hoạt động đầu tư, năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/6/2012 quy định về tài trợ cho các sơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Kể từ đó đến nay, sau 5 năm thực hiện Thông tư số 29 đã đạt được một số kết quả nhất định, trong đó nguồn kinh phí tài trợ đã đóng góp một phần quan trọng trong tổng nguồn thu của cơ sở giáo dục để hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy – học trong điều kiện Ngân sách nhà nước còn khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Trần Tú Khánh – Vụ trưởng Vụ kế hoạch tổ chức (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, trong quá trình thực hiện Thông tư 29 đã bộc lộ một số tồn tại hạn chế như còn quy định chung chung mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, dẫn đến khó triển khai.
Phía các cơ sở giáo dục chưa có kế hoạch vận động tài trợ, xây dựng quy trình tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài trợ một cách công khai minh bạch.
Việc tài trợ cho các cơ sở giáo dục này cũng chưa có cơ chế kiểm soát của các bên liên quan, chưa gắn trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục trong việc vận động, tiếp nhận và quản lý sử dụng nguồn tài trợ, dẫn đến một số đơn vị còn tình trạng lạm dụng hoạt động tài trợ để thu tiền của phụ huynh.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 29/2018/TT-BGDĐT để khắc phục những bất cập trên để hoạt động tài trợ đảm bảo đúng mục tiêu, ý nghĩa và việc quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài trợ.
Thông tư 16 quy định cụ thể cơ sở giáo dục không được vận động tài trợ để chi trả các khoản liên quan đến cán bộ giáo viên nhà trường. (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Theo đó, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tổ chức chỉ rõ, Thông tư 16 có một số điểm mới ví như quy định cụ thể nguyên tắc, nội dung, hình thức, làm rõ quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ; quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động tài trợ;
Tránh lợi dụng hoạt động tài trợ để thu tiền của phụ huynh học sinh dưới dạng cào bằng, ép buộc, sử dụng không đúng mục đích, chi sai tiền tài trợ, gây lãng phí, không hiệu quả, làm sai lệch ý nghĩa tích cực của hoạt động tài trợ.
Thông tư đã quy định rõ nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ, trong đó phải đảm bảo công khai minh bạch, tài trợ phải tự nguyện, không được quy định mức thu tối thiểu, không áp đặt và cào bằng mức thu tài trợ.
Cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau:
Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học;
Cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.
Đồng thời quy định không được vận động tài trợ để chi trả các khoản liên quan đến cán bộ giáo viên nhà trường.
Quy định rõ quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ theo từng hình thức tài trợ, trong đó đơn vị phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ trình Sở giáo dục và đào tạo, hoặc phòng giáo dục và đào tạo phê duyệt trước khi thực hiện.
Nếu phát hiện kế hoạch tài trợ không đúng quy định thì phải yêu cầu dừng ngay việc vận động tài trợ.
Thu hàng loạt khoản không được phép, trường Ninh Dân xem thường pháp luật |
Cụ thể: Căn cứ vào kế hoạch hoạt động năm học và dự toán ngân sách được cơ quan nhà nước giao, định kỳ hoặc đột xuất, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch vận động tài trợ báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ sở giáo dục.
Trường hợp phát hiện kế hoạch vận động tài trợ không đúng quy trình, quy định và không công khai minh bạch thì phải yêu cầu cơ sở giáo dục dừng triển khai kế hoạch vận động tài trợ.
Việc tiếp nhận tài trợ thông qua Tổ tiếp nhận tài trợ gồm một số đại diện của các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động tài.
Quy định rõ trách nhiệm của, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan như thủ trưởng đơn vị (người đứng đầu), chính quyền địa phương, Sở giáo dục và đào tạo, Phòng giáo dục và đào tạo.
Trong đó việc tiếp nhận tài trợ thực hiện thông qua Tổ tiếp nhận tài trợ. Toàn bộ các khoản tài trợ đều phải quản lý công khai, đúng quy định tại cơ sở giáo dục.
Ông Khánh nói thêm, theo Thông tư mới, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ đóng vai trò phối hợp, giám sát việc quản lý và sử dụng tài trợ của cơ sở giáo dục; cử đại diện tham gia quá trình tiếp nhận tài trợ, nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng các khoản tài trợ bằng hiện vật hoặc phi vật chất.
Ban đại diện cha mẹ học sinh không trực tiếp đứng ra tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục, đồng thời các khoản tài trợ phải được phản ánh trên sổ sách kế toán của đơn vị.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc quy định rõ ràng nội dung, quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ, tạo ra kênh huy động tài trợ công khai minh bạch, sẽ ngăn chặn tình trạng nhà trường, tổ chức cá nhân lợi dụng hình thức đầu tư xã hội hóa để vận động những nguồn tài chính tài sản không phù hợp, không chính đáng. Đây cũng là căn cứ để xử phạt nếu cá nhân, tổ chức nào vi phạm.
Yêu cầu phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ, kế hoạch phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và kế hoạch phải cụ thể đến từng khâu của quá trình tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ.
Như vậy, việc huy động, tiếp nhận đầu tư sẽ phải được tổ chức một cách có kế hoạch, và đều được công khai minh bạch, có sự giám sát của các cá nhân, tổ chức ngoài nhà trường.
Bên cạnh đó, thông tư cũng yêu cầu phải quản lý các khoản tài trợ tập trung tại cơ sở đào tạo để đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm. Các tổ chức, cá nhân khác như Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội học sinh, sinh viên… không được quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục.
Với các quy định cụ thể trên sẽ chấm dứt tình trạng Ban đại diện cha mẹ học sinh tự đặt ra các khoản thu áp đặt, cào bằng gây bức xúc dư luận như trong thời gian vừa qua.