Kiểm tra miệng, cái roi lùa học sinh đến lớp học thêm

04/03/2019 06:16
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Với học sinh không đi “học thầy”, “thầy hỏi cho mày thấy”; hỏi kiến thức từ đầu đến cuối, toàn những nội dung “trên trời”...

LTS: Trong bài viết này, thầy giáo Sơn Quang Huyến phản ánh tình trạng một số giáo viên lựa chọn cách làm khó học sinh trong việc kiểm tra miệng để buộc các em phải đi học thêm.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong cơ cấu điểm số hiện nay, bất cứ môn học nào ở phổ thông cũng có một con điểm kiểm tra miệng. Vì thế, việc học sinh phải có điểm kiểm tra miệng là điều tất yếu. 

Nhìn một cách tích cực, khách quan, kiểm tra miệng là điều bình thường. Thế nhưng đi sâu vào tiềm thức chính mình, tâm sinh lý của tuổi học trò, dù học bài hay không, kiểm tra miệng vẫn có cái gì đó không thích thú, công bằng. 

Không ít giáo viên đã dùng “chiêu” kiểm tra miệng, gây “khó dễ”, lùa học sinh đến lớp học thêm. 

Với học sinh “ruột”, câu hỏi nhẹ nhàng, dễ dàng ăn điểm. Với học sinh không đi “học thầy”, “thầy hỏi cho mày thấy”; hỏi kiến thức từ đầu đến cuối, toàn những nội dung “trên trời”, chỉ cần nhìn thầy “xoay” bạn, học sinh dưới lớp biết ngay “mục tiêu giáo dục” của thầy.   

Có giáo viên vì bị coi là “môn phụ”, nên “ra oai” với học sinh bằng “kiểm tra bài cũ”.

Học sinh chỉ đạt yêu cầu khi “học thuộc lòng” không sai một dấu phẩy; thời gian kiểm tra bài cũ nhiều khi lớn hơn dạy bài mới!

Làm thế nào để việc kiểm tra miệng tạo hứng thú cho học sinh? Ảnh minh hoạ: Tienphong.vn
Làm thế nào để việc kiểm tra miệng tạo hứng thú cho học sinh? Ảnh minh hoạ: Tienphong.vn

Những giáo viên này thường trung thành với phương pháp dạy học “đọc chép”. Đến tiết, “giữ khư khư” cái ghế giáo viên, mồm sang sảng đọc bài. 

Nên mới có câu chuyện, học sinh nọ không chép bài; cô giáo hỏi sao không chép, đã trả lời:

Cô đọc không sai một dấu phẩy trong sách giáo khoa, em có sách rồi, không cần chép ạ”.  

Không ít giáo viên, ghi nhận xét trong sổ đầu bài, số học sinh không học bài cũ hàng chục em! Vậy còn thời gian đâu dạy bài mới? 

Việc kiểm tra miệng như thế nào cũng phản ánh rõ ràng kĩ năng, phẩm chất, năng lực của người dạy. 

Kiểm tra miệng không khéo, gây ức chế đến học trò; học trò chán ghét bộ môn; thù ghét giáo dục. 

Kiểm tra miệng, cái roi lùa học sinh đến lớp học thêm ảnh 2Trả bài cũ trên lớp, học trò khiếp sợ

Vậy làm sao để kiểm tra miệng đảm bảo quy chế chuyên môn, gây hứng thú học tập cho học sinh? 

Kiểm tra đầu tiết học, giáo viên nên ghi nội dung câu hỏi lên bảng, cho học sinh thời gian chuẩn bị (phương pháp này, giáo viên có nghiệp vụ sư phạm khá trở lên hầu như không còn áp dụng);

Nội dung câu hỏi có mục đích giải quyết bài mới; lấy tinh thần “xung phong” của học sinh, tạo động lực vui vẻ cho bài mới. 

Nếu học sinh không học bài, trả lời sai, tuyệt đối không gây căng thẳng, giữ không khí vui vẻ cho lớp. Đánh giá nội dung trả lời của học sinh, sau đó mới hỏi câu hỏi bổ sung khác.

Kiểm tra trong tiết học, vừa dạy bài mới, vừa kiểm tra bài cũ; học sinh trả lời được kiến thức cũ, tìm được kiến thức mới, giáo viên đánh giá cho điểm.

Với cách này, tạo không khí lớp sôi nổi, học sinh hứng thú, không áp lực. Người dạy, người dự, người học đều thoải mái.

Kiểm tra miệng, cái roi lùa học sinh đến lớp học thêm ảnh 3Nói thật, có giáo viên dùng chiêu kiểm tra trên lớp để học trò phải đi học thêm

Kiểm tra cuối tiết học, vừa kiểm tra được mức độ nhận thức bài mới của học sinh, vừa giúp giáo viên rút kinh nghiệm cho tiết dạy lớp kế tiếp. Nội dung câu hỏi chính là bài luyện tập, tìm tòi mở rộng. 

Giáo viên sâu sát với lớp để nắm bắt năng lực học tập của học sinh, đánh giá, nhận xét phù hợp; xem trọng sự tiến bộ của mỗi em với chính nó; không so sánh với bạn khác. 

Những giáo viên có năng lực, phẩm chất tốt, thường “kiểm tra miệng” học sinh trong suốt quá trình dạy học; nhận xét, đánh giá công bằng, vị tha, hướng đến tương lai, khích lệ học sinh qua từng tiết dạy, giúp học sinh vận dụng kiến thức vào cuộc sống. 

Cuộc đời mỗi người, học suốt đời, chỉ nhớ, chỉ thuộc những gì áp dụng cho cuộc sống, nâng cao chất lượng sống.

Học trò cũng vậy, không phải là cái “sọt rác”, thầy cô sao lại bắt nó phải “thuộc lòng” tất cả?

Giáo viên giỏi là giáo viên truyền được cảm hứng, giúp học sinh tự học, tự tìm kiến thức; lúc đó không còn cần bất cứ bài kiểm tra nào, kể cả kiểm tra miệng.

Sơn Quang Huyến