Hiện nay, ở nhiều trường tiểu học, trung học gần như mặc định cứ sinh hoạt chuyên môn là phải dự giờ.
Có trường đưa quy chế dự giờ vào chỉ tiêu cần đạt trong năm của giáo viên trong hội nghị công chức.
Trường quy định, mỗi năm, giáo viên phải dạy từ 2-3 tiết dự giờ. Mỗi người phải dự giờ đồng nghiệp từ 15-20 tiết.
Trường lại buộc giáo viên phải dạy từ 3-4 tiết và dự giờ đồng nghiệp từ 20-25 tiết. Riêng Tổ trưởng chuyên môn từ 30-40 tiết.
Chương trình mới có còn dự giờ nhiều thế không? (Ảnh minh họa VOV) |
Thế nên, trước công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang:
"Không quy định cứng nhắc số giờ mỗi giáo viên phải dự trong năm học mà nên quy định mỗi giáo viên được dự ít nhất 2 tiết/học kì và có đánh giá, xếp loại để làm cơ sở cho công tác thi đua, khen thưởng hằng năm.”
Nhiều giáo viên ở địa phương khác đã ước ao “Giá nơi mình cũng quy định như thế, để giáo viên đỡ phải làm những công việc tào lao”.
“Cấy, xạ” tiết dự giờ
Chuyện tào lao mà nhiều thầy cô nhắc đến chính là việc dạy “ma” dự giờ “ma”.
Nghĩa là những tiết dự giờ tại tổ chuyên môn đôi khi được du di bỏ qua nhưng vẫn phải hoàn thành đầy đủ hồ sơ liên quan.
Những tiết dự giờ đồng nghiệp cũng được hợp thức hóa bằng nhiều cách.
Người mang giáo án ra chép vào sổ dự giờ, ghi tên người dạy thế là nghiễm nhiên đã có tiết dự giờ đồng nghiệp.
Người mượn sổ dự giờ để chép qua, chép lại với nhau cho đủ sổ tiết, đủ số môn.
Đâu phải trường nào cũng chỉ quy định tổng số tiết dự giờ một năm của giáo viên mà còn quy định tất cả các môn đều phải dự.
Vì người nào cũng như nhau nên chẳng ai tố ai làm gì. Chuyện thầy cô làm ma các tiết dự giờ cũng là bất đắc dĩ.
Số tiết dự giờ hàng năm quy định quá cao. Giáo viên không có đủ thời gian để dạy và đi dự.
Thế là, chuyện gian dối hợp thức hóa các chỉ tiêu đã được giáo viên thi nhau “phát huy”.
Bởi, nếu không làm “ma”, ghi khống như thế, sẽ không có cách nào đủ chỉ tiêu theo quy định của nhà trường.
Ban giám hiệu cũng biết, có người làm lơ, người nhắc nhở. Vì giáo viên có làm láo mới có đủ thành tích để báo cáo.
Và, cũng nhờ những chỉ tiêu ấy, mới làm đẹp các bản báo cáo, sơ và tổng kết của nhà trường.
Không phản ứng vì sợ mất lòng chỉ lặng lẽ làm “ma”
Thử tính xem, một tháng 2 lần sinh hoạt chuyên môn.
Nếu dùng tất cả những buổi họp ấy dạy dự giờ thì cũng chỉ dự được 2 tiết học/tháng (một số tuần phải dành thời gian cho một số hội thi).
Một năm học, sinh hoạt chuyên môn nhiều nhất một tổ cũng chỉ dạy được khoảng 12-14 tiết (thường thì khoảng 10 tiết). Cộng với số tiết hội giảng trường, cụm trường thì lấy đâu 20-25 tiết/năm?
Trong hội nghị công chức hàng năm, chỉ tiêu này được Ban giám hiệu nhà trường đưa ra thống nhất.
Phần lớn giáo viên không đồng ý nhưng vẫn không ai dám có ý kiến phản đối gì.
Thầy cô sợ bị để ý, sợ bị làm khó nên tất cả đều im lặng và lặng lẽ tìm cách hợp thức hóa mình dạy, chuyện dự đồng nghiệp.
Nâng cao trình độ chuyên môn có nhất định phải dự giờ?
Không phải tiết dự giờ nào giáo viên cũng học hỏi nhau để nâng cao trình độ chuyên môn của mình.
Có những tiết dạy dự giờ cho có (thường những tiết dạy ở tổ chuyên môn).
Có những tiết dạy lại chuẩn bị quá công phu nên ai cũng hiểu dạy thì ít mà “diễn” thì nhiều.
Có những tiết dạy thao giảng trường, cụm trường, giáo viên cùng hiệu phó chuyên môn chuẩn bị hàng tháng trời.
Nếu cứ áp dụng kiểu dạy như dự giờ vào dạy thật trong lớp thì chắc chắn học sinh sẽ chẳng bao giờ tiến bộ.
Ai cũng hiểu, những tiết dự giờ có mấy phần dạy thật?
Không dạy thật sao có thể học hỏi, rút kinh nghiệm lẫn nhau?
Chương trình mới còn dự giờ nhiều không?
Những lần thay sách trước đây, giáo viên đi dự giờ triền miên.
Hết dạy tổ, dạy trường, lại dạy cụm trường, liên trường. Gần như tuần nào, thầy cô cũng đi dự giờ.
Thế nhưng, nếu hỏi “bạn đã học được gì từ những tiết dạy dự giờ ấy?”
Chỉ có thể trả lời “Tiết dạy khá công phu. Học sinh học rất hiệu quả”. Nhưng trả lời học được những gì? Có lẻ câu trả lời đúng nhất là chẳng học được bao nhiêu.
Bởi chắc chắn một điều, người dạy đã có sự chuẩn bị từ nhiều ngày trước.
Chương trình mới lần này, xin đừng áp dụng cách dự giờ như thế.
Thay vì chỉ lo dự giờ, các buổi sinh hoạt chuyên môn cần tập trung vào việc áp dụng các phương pháp, kĩ thuật, các hình thức dạy học tích cực, việc đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh, các nội dung kiến thức khó cần điều chỉnh…
Từ đó, nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm cho giáo viên để chuyên môn sư phạm của nhà giáo được vững vàng. Góp phần nâng cao chất lượng học tập cho học sinh.