Dự giờ đồng nghiệp để cùng nhau tiến bộ

20/01/2019 07:15
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Các thầy cô cho rằng giảm tiết dự giờ là cần thiết, giúp giáo viên bớt áp lực, không chạy theo bệnh hình thức, bệnh thành tích, cố dự giờ cho đủ số lượng.

LTS: Sau những tín hiệu thay đổi về quy định dự giờ giáo viên tại Tuyên Quang, thầy giáo Sông Trà đã có bài viết chia sẻ về tâm tư nguyện vọng của giáo viên hiện nay mà thầy ghi nhận được.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đầu năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang ban hành văn bản gửi đến các Phòng giáo dục và các trường trung học phổ thông trực thuộc với yêu cầu không quy định cứng nhắc số giờ mỗi giáo viên phải dự trong năm học mà nên quy định mỗi giáo viên được dự ít nhất 2 tiết/học kì và có đánh giá, xếp loại để làm cơ sở cho công tác thi đua, khen thưởng hằng năm.

Ngoài ra, tùy theo điều kiện thực tế của các cơ sở giáo dục, thủ trưởng đơn vị có thể quy định số tiết thao giảng nhiều hơn để đảm bảo phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học của đơn vị. 

Đổi mới công tác dự giờ theo hướng nghiên cứu bài học, không sử dụng kết quả giờ dạy thí điểm theo phương pháp dạy học tích cực để đánh giá công tác thi đua hoặc xếp loại chuyên môn nếu giáo viên dạy thí điểm không có nhu cầu.

Chỉ đạo giáo viên tăng cường rút kinh nghiệm, trao đổi các giải pháp để nâng cao hiệu quả giảng dạy. 

Thầy cô giáo đi dự giờ cần thay đổi tư duy, nhận thức và cách đánh giá. Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn
Thầy cô giáo đi dự giờ cần thay đổi tư duy, nhận thức và cách đánh giá. Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn

Đọc thông tin trên, các thầy cô giáo ở các địa phương khác đều trông mong các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ sớm ban hành văn bản tương tự: 

"Không quy định cứng nhắc số giờ mỗi giáo viên phải dự trong năm học mà nên quy định mỗi giáo viên được dự ít nhất 2 tiết/học kì và có đánh giá, xếp loại để làm cơ sở cho công tác thi đua, khen thưởng hằng năm.”

Giao quyền tự chủ cho Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục chủ động, linh hoạt trong quy định số tiết dự giờ của giáo viên ở từng học kỳ và năm học.

So với quy định tại Điều 7, mục 2 thuộc Thông tư số: 12/2009/TT-BGDĐT, ngày 12 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở với thực tế, có sự khác biệt không nhỏ.

Nhiều trường đang yêu cầu mỗi giáo viên phải dự từ 9 tiết/ học kỳ thì quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang, số tiết dự giờ của giáo viên sẽ được giảm đi nhiều.

Dự giờ đồng nghiệp để cùng nhau tiến bộ ảnh 2Nên bỏ các cuộc thi kiểu Giáo viên giỏi và Dự giờ theo chuyên đề

Các thầy cô cho rằng giảm tiết dự giờ là cần thiết, giúp giáo viên bớt áp lực, không chạy theo bệnh hình thức, bệnh thành tích, cố dự giờ cho đủ số lượng.

Bởi có tình trạng một số giáo viên thay vì không đi dự giờ trên thực tế, lại thông đồng với đồng nghiệp “cấy, sạ” đủ tiết dự giờ vào sổ dự giờ của mình để đối phó với kiểm tra nội bộ ở trường, kiểm tra của cấp trên.  

Giáo viên mong mỏi, số tiết dự giờ tuy ít, vài ba tiết thôi, mà thực chất, đảm bảo chất lượng, có tác dụng tích cực đến người dự và người dạy, còn hơn đi dự giờ thật nhiều… nhưng thực hiện một cách gượng ép, cho có…

Thầy Bùi Văn Thuận, tổ trưởng tổ văn, Trường Trung học phổ thông Trường Chinh (Gia Lai) chia sẻ:

"Các tổ, nhóm chuyên môn nhà trường cần tăng cường công tác quản lý và kiểm tra hoạt động dự giờ, thăm lớp.

Đã giảm số tiết dự giờ cho giáo viên, đồng nghĩa với việc yêu cầu cao ở ý thức, trách nhiệm, tính thực chất, hiệu quả của người dự giờ, góp ý cho đồng nghiệp (người dạy)."

Có thể nói, dự giờ là một hoạt động giúp mọi giáo viên phát triển, trưởng thành, hơn về mặt chuyên môn, giảng dạy.

Với người dạy, dự giờ sẽ giúp cho họ chủ động, tích cực, tự tin hơn trong bài giảng của mình.

Dự giờ đồng nghiệp để cùng nhau tiến bộ ảnh 3Tiết học giả tạo nhất là hôm có... dự giờ

Thực tiễn đã chứng minh, mỗi khi có người đến dự giờ, các giáo viên đều có tinh thần chuẩn bị bài kĩ lưỡng hơn, thậm chí còn có sự trao đổi về bài dạy trước khi lên lớp, đây là một việc làm rất có ý nghĩa đối với mỗi nhà giáo.

Khi có người tới dự giờ, lớp học cũng diễn ra sôi nổi hơn, ý thức học tập của các em sẽ tốt hơn, đây là điều kiện tốt nhất để giáo viên phát huy tính sáng tạo của học sinh.

Việc dự giờ không chỉ giúp cho nhà giáo đi dự giờ học tập, đúc kết kinh nghiệm từ tiết dạy của đồng nghiệp mà còn giúp cho họ sáng tạo khi vận dụng, xử lí những tình huống trong dạy học nảy sinh...

Muốn giáo viên dạy thực chất, không còn tình trạng “diễn”, có tâm thế thật thoải mái, nhẹ nhàng mỗi khi được thao giảng, dự giờ, các nhà trường, tổ chuyên môn, thầy cô giáo đi dự giờ cũng cần thay đổi tư duy, nhận thức và cách đánh giá.

Theo đó, cần thay đổi theo hướng đi dự giờ đồng nghiệp là đi học hỏi, được cơ hội sẻ chia, trao đổi, để cùng nhau tiến bộ, dạy tốt hơn, chứ không phải là chỗ để  chê bai, “bới lông tìm vết” khiến cho đồng nghiệp mình tổn thương, sợ hãi…

SÔNG TRÀ