10 vụ việc đáng chú ý nhất của ngành giáo dục năm 2012

09/12/2012 06:00
XT
(GDVN) - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả những vụ việc tiêu biểu nhất năm 2012 của ngành giáo dục. Những vụ việc nổi cộm này cho thấy ngành giáo dục luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ xã hội và dư luận.
Được dư luận cả nước chú ý và theo dõi đánh giá là vụ tiêu cực thi cử được phanh phui với “kịch bản” công phu  từ thầy và trò dưới hình thức giáo viên tổ chức cho học sinh quay clip trong phòng thi. Sau khi những đoạn clip đầu tiên ghi lại cảnh nhốn nháo hỏi bài, giáo viên làm ngơ cho các thí sinh tự do trong phòng thi đi lại, ném bài trong phòng thi đã làm dư luận cả nước bức xúc.

Theo thầy Đ.D.N (giáo viên trực tiếp tổ chức cho học sinh quay clip), tổng cộng số clip được quay là 12 clip. Em Đ.V.S cho biết chính anh trai (anh họ là Đ.D.N, cựu giáo viên thể dục của trường Đồi Ngô) đã gợi ý để S quay lại cảnh tiêu cực trong phòng thi. Em học sinh này cho biết, khi quay clip bản thân mình cũng không xác định được đây có phải là một hành động vi phạm quy chế thi. 

Hàng loạt chuyên gia nổi tiếng như GS Trần Hồng Quân, PGS. Trần Xuân Nhĩ, PGS Văn Như Cương... đã lên tiếng về vụ việc đáng xấu hổ này của ngành giáo dục. Nhà văn Chu Lai nói rằng "Gian lận thi cử ở trường Đồi Ngô là xúc phạm con người. Cứ hình dung xem cả trường đó đỗ tới 90% bằng sự giả dối, vậy nó sẽ “đẻ” ra mấy ngàn học sinh giả dối tốt nghiệp ra trường và có bấy nhiêu sự giả dối ngang nhiên tồn tại giữa nắng trời. Sự gian dối trong thi cử đồng nghĩa với sự kém cỏi trong tri thức. Nếu sự gian dối không được can đảm lôi ra ánh sáng thì nó sẽ có dịp tung tác trong mọi hoạt động xã hội. Bằng hành vi đó các em có thể qua được kỳ thi này, nhưng sự nhiễm độc tâm hồn nó còn theo và đeo đẳng các em đến cuối đời".

Vụ tiêu cực thi cử tại Bắc Giang là điểm sự kiện được dư luận quan tâm nhiều nhất. Ảnh Internet
Vụ tiêu cực thi cử tại Bắc Giang là điểm sự kiện được dư luận quan tâm nhiều nhất. Ảnh Internet

Còn PGS.TS Ngô Văn Giá thì nhận định: "Gian dối trở thành một 'đại dịch hạch', như một axit cực mạch có thể ăn mòn nhân cách con người, hủy hoại nền giáo dục này... Hóa ra bởi vì "lỗ hổng" tiêu cực trong giáo dục con voi cũng chui lọt chứ không phải chỉ con người. Đây không phải là lần đầu tiên để khiến dư luận phải sốc, hiện tượng này đã có tiền lệ từ trước. Thầy Đỗ Việt Khoa đã từng tố cáo chống tiêu cực tại THPT Vân Tảo (Hà Tây cũ), sự việc tại Đồi Ngô một lần nữa khẳng định rằng tiêu cực trong giáo dục hiện nay quá nhiều. Từ giảng dạy đến thi cử, học sinh, sinh viên tới các nhà quản lý, đụng vào đâu cũng thấy tiêu cực. Câu chuyện của Trường THPT DL Đồi Ngô chỉ như là một trong nhiều cây chuyện xấu xí của ngành giáo dục tồn tại, nay bị phanh phui ra mà thôi".

Sau sự việc tiêu cực trên, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã xa thải hàng loạt giáo viên, cách chức hai hiệu trưởng, tuy nhiên, kết luận cuối cùng từ Sở GD&ĐT Bắc Giang là vẫn công nhận bài thi của các thí sinh, thí sinh quay clip không bị hủy bài.
Vụ TS Lê Thẩm Dương “văng tục” trong khi giảng bài

TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM – người được dư luận chú ý nhất trong tháng 3/2012 với các đoạn clip giảng bài gây sốc của mình. Trong những đoạn clip giảng bài đó, TS Lê Thẩm Dương thường dùng những ngôn từ “vỉa hè” để truyền kiến thức tới cho người học. Ngay sau đó, những clip này được nhiều bạn đọc truyền tai nhau thành một hiệu ứng “Những người phát cuồng vì TS Lê Thẩm Dương” trên cộng đồng mạng. 

Giải thích về những đoạn clip được tung lên mạng gây sốt, TS Lê Thẩm Dương cho biết “Mình không có ý giải thích đôi co làm gì nhưng người ta có ý đồ xấu và mình cũng không quan tâm. Nhưng những gì mình làm lại bị người ta luôn để ý săm soi mình sai cái gì để bắt lỗi một cách hợp lý không cãi vào đâu được vì mình có nói vậy thì cứng lưỡi không cãi được câu nào”.  

Theo TS. Dương, buổi trao đổi chia sẻ với những học viên ngày hôm đó được sự ủng hộ rất cao, không ai có ý kiến gì. Bởi, buổi trò chuyện ngày hôm đó toàn là những đối tượng người trong doanh nghiệp, ngân hàng và đều có gia đình rồi nên việc ông dùng những ví dụ “quá trớn” để mọi người dễ tiếp nhận.

Tuy nhiên, cũng theo ông Dương "việc kẻ xấu" cắt gọt đoạn clip đó và tung lên trang mạng cá nhân là việc ông không hề đề phòng, vì ông biết người này có thể là một giảng viên trong trường?. Vì người này có ý định từ trước nên sau khi có được bản full clip đó, người quay và phát tán đoạn clip này đã tung lên mạng đã gửi lại đường link các đoạn clip đó vào hòm thư điện tử để hạ uy tín của ông?.
Trả lời báo chí, TS Dương khẳng định, đây không phải là bài giảng mà là buổi trò chuyện, trao đổi như ngồi uống cafe với nhau. Theo TS Dương đây là buổi ngoại khóa và đoạn video quay công khai để các bạn làm tư liệu. 
Những năm gần đây, tại Hà Nội đều diễn ra tình trạng phụ huynh đứng trắng đêm trước cổng trường để xin cho con học trái tuyến, thế nhưng, năm nay, sự việc không chỉ đơn giản là chờ đợi mỏi mòn để có một lá đơn, mà là cảnh bố mẹ xô đổ cả cổng trường. Đó là chiếc cổng của trường PTCS Thực nghiệm, một ngôi trường không hoành tráng về hình thức, không hội tụ các giáo viên hàng đầu Việt Nam... nhưng rất nhiều phụ huynh nghĩ rằng cho con học trường này sẽ có những tư duy và phương pháp mới để phát triển toàn diện nhất. Các chương trình thí nghiêm giảng dạy theo phương pháp hiện đại, tôn trọng tính sáng tạo, tự chủ của học sinh do GS Hồ Ngọc Đại là người mở đường cho phương pháp này – phương pháp lấy người học làm trung tâm, học là để chơi chứ không phải học để đau khổ. Nhiều nhà khoa học tên tuổi từng học ở đây, trong đó có GS Ngô Bảo Châu. Hàng năm lượng hồ sơ đăng ký vào trường rất đông.

Hàng trăm người xô đổ cổng trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) chỉ để giành một bộ hồ sơ xin học cho con vào lớp 1.
Hàng trăm người xô đổ cổng trường PTCS Thực nghiệm (Hà Nội) chỉ để giành một bộ hồ sơ xin học cho con vào lớp 1.

Chính sức hấp dẫn này đã thu hút không ít phụ huynh hàng năm đến nộp đơn cho con. Năm nay, tình trạng xếp hàng, thức trắng đêm lại diễn ra ở đây. Đặc biệt, vào sáng sớm ngày 12/5 một cảnh tượng chưa từng có ở các trường học – phụ huynh đạp đổ cổng, chen lấn, xô đẩy “chạy nước rút” để mong mua được hồ sơ cho con. 

Lí giải về hiện tượng thực nghiệm này, ông Lê Tiến Thành lúc đó là Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho hay, chương trình thực nghiệm được áp dụng bởi nhiều tính tích cực của phương pháp giáo dục như: tính tích cực, tính tự quản, tôn trọng tính sách tạo của học sinh... Tuy nhiên sẽ không thể triển khai đại trà bởi theo Luật Giáo dục, Việt Nam chỉ có một chương trình học và một chương trình sách giáo khoa hiện hành. Còn chương trình thực nghiệm chỉ mang tính thí nghiệm. Mô hình thực nghiệm đã được áp dụng ở Việt Nam hơn 30 năm và đến nay đã thành công. Hiện nay có 16 tỉnh triển khai mô hình thực nghiệm này. Tuy nhiên, ở Hà Nội vì nhiều lý do mà chỉ duy trì một trường PTCS Thực nghiệm thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. 
Nhiều tranh cãi trong đề thi, đáp án ĐH, CĐ 2012

Năm 2012 cũng là năm tuyển sinh gây nhiều tranh cãi về đề thi và đáp án các  môn. 

Môn Toán Đại học: Đáp án của Bộ GD&ĐT ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án khối A trong Kỳ thi tuyển sinh năm 2012, nhiều chuyên gia và Câu lạc bộ Gia sư Thủ khoa cho rằng, đáp án câu 8b môn Toán bị thiếu, có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của thí sinh. Cụ thể, câu 8b của đề Toán nên bổ sung thêm các đáp án vì nếu theo đề bài ra thì vecto chỉ phương v(2;3;2) có thể đi qua A, M hay N, tức là có ít nhất 3 phương trình chính tắc nhận v là vecto chỉ phương và có thể đi qua A, M hay N đều đúng. Nghĩa là cả 3 đáp số khác nhau đều đúng. Nếu đề thi đổi thành "Viết phương trình chính tắc hoặc tham số của đường thẳng đi qua A, nhận vecto AM (hoặc AN) làm vecto chỉ phương" thì mới có một đáp án duy nhất như hướng dẫn của Bộ.

Môn Toán Cao đẳng: Nhiều thí sinh mất điểm oan uổng. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án đề thi tuyển sinh Cao đẳng môn Toán, nhiều chuyên gia và Câu lạc bộ Gia sư Thủ khoa cho rằng, đáp án câu 6.a.b cần phải điều chỉnh để tránh thiệt thòi cho thí sinh.

Môn Sinh học chưa chặt chẽ: Sĩ tử càng học giỏi càng lúng túng. Sau khi Bộ GD&ĐT đưa ra đáp án đề thi tuyển sinh Đại học môn Sinh năm 2012, rất nhiều thí sinh cũng như những giáo viên có tâm huyết với bộ môn này đã bày tỏ băn khoăn với câu hỏi 28 đề thi mã 731. Ở câu này, nhiều người băn khoăn cho rằng, câu hỏi này chưa thật sự chặt chẽ. Với câu hỏi như vậy có thể tìm ra hai đáp án khác nhau.  

Đối với môn tiếng Anh; Đáp án của Bộ GD&ĐT cũng "làm khó" thí sinh. Cụ thể, câu hỏi là: Marry: I will never go mountaineering again.

Linda: Me ...

A. So B. Too C. Neither D. Either.

Đây là câu hội thoại giao tiếp, yêu cầu thí sinh chọn đáp án thích hợp điền vào chỗ trống. Câu này thuộc câu 23 của mã đề 248 - đề thi tuyển sinh chính thức đại học khối D năm 2012 của Bộ GD&ĐT. Theo đáp án công bố của Bộ thì đáp án chính xác ở đây là C: Neither. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án, nhiều giáo viên dạy tiếng Anh và các thí sinh thi đại học đã phản hồi và cho rằng cách chọn câu hỏi đề thi ĐH của Bộ Giáo dục năm nay có phần chưa chuẩn, và cả hai đáp án này đều đúng.

Đáp án môn Lịch sử vừa thừa vừa thiếu gây bất lợi cho thí sinh. Ngay sau khi đá án môn lịch sử của Bộ GD&ĐT được công bố, TS Phạm Thanh Toán (Giảng viên Sư phạm Hà Nội) nhận định: 3/4 câu trong đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo có sai sót. Câu1: Phân chia điểm giữa các ý vô lý. Câu 3: Cơ sở đề ra quyết định là sau hai chiến dịch Tây Nguyên, Huế- Đà Nẵng. Câu 4a: Đáp án còn thiếu nhiều. Câu 4b: Đáp án thừa gây bất lợi cho thí sinh.
Thầy Trần Trung Hiếu - Giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh - Nghệ An) nhận định: “Nếu Hội đồng chấm thi của các trường không kịp thời điều chỉnh và linh hoạt trong quá trình chấm, chúng tôi có thể khẳng định: Rất nhiều thí sinh sẽ mất từ 2,0 điểm đến 2,5 điểm của bài làm”.
Sau đó, Bộ GD&ĐT có điều chỉnh đáp án câu 4.a với nội dung: “Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh”. Ngoài ra, phần Từ năm 1973 đến năm 1989 được điều chỉnh đáp án và thang điểm.
Cô giáo nhập viện vì món “Canh gà Thọ Xương”

Từ một sự cố trong giảng dạy, cô giáo Hà Thị Thu Thủy - GV văn Trường THPT Lômônôxôp (Từ Liêm, Hà Nội) - đã viết đơn xin nghỉ việc sau áp lực dư luận nặng nề. 

Ngày 4/10, phụ huynh lớp 7A10 liên lạc với ban giám hiệu nhà trường thắc mắc khi phát hiện trong bài tập môn văn của con có sự nhầm lẫn khi cho rằng “canh gà Thọ Xương” trong bài ca dao Gió đưa cành trúc la đà là món “canh gà” của Hà Nội nhưng cô Thủy vẫn cho điểm 8 mà không sửa lỗi sai trên. Trước sức ép của dư luận cô Thủy đã viết đơn xin nghỉ dạy vào ngày 8/10.

Qua sự việc này dư luận đặt nhiểu câu hỏi rằng, có quá cần thiết khi “đánh úp” một ai đó khi họ mắc sai lầm, con người thì ai cũng có lúc này lúc khác, điều quan trọng hãy cho những điều lầm lỗi nhỏ này của cô giáo Thủy được quên đi. Còn nhớ, ngay sau nhận được tin cô Thủy thôi dạy và về quê, nhiều em học sinh của trường Lomonoxop đã tự kêu gọi nhau đóng góp ý kiến, mong cô giáo sớm quay lại trường, hành động này thật nhân văn. 
Sinh viên bị đối xử bất bình đẳng khi thi tuyển công chức

Hàng loạt các tỉnh thành công bố trong kỳ tuyển dụng công chức Nhà nước rằng, không tuyển sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức, không nhận hồ sơ tốt nghiệp hệ liên thông. Câu chuyện “phân biệt” sinh viên này được ví như đứa con mà Bộ GD&ĐT sinh ra nhưng lại phó thác không nuôi dưỡng. 

Dẫu biết rằng tốt nghiệp ở đâu cũng có người tài, người khá, người trung bình. Nhiều chuyên gia giáo dục đã từng nói, hệ tại chức nhiều sinh viên còn có năng lực gấp mấy sinh viên tốt nghiệp trường công. Mới đây nhất là sự việc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc thẳng thừng từ chối tuyển dụng những sinh viên đã tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm ở hai trường đại học Hùng Vương bà Tây Bắc với những lý do... trên trời, khiến họ lâm vào tình trạng không biết bấu víu vào đâu. Rất nhiều sinh viên bức xúc đã kéo lên gặp Giám đốc sở nhưng chỉ nhận được lời hứa “hy vọng năm tới”. Lí do đưa ra là Vĩnh Phúc đang hết chỉ tiêu cho hệ THPT, nếu muốn vào hệ này thì các thí sinh phải chờ trong năm tới. 

Trước đó, nhiều tình thành cũng có chính sách phân biệt sinh viên trường công lập và ngoài công lập, tại chức hay chính quy. Cụ thể, tỉnh Hà Nam cương quyết  các ứng viên thi tuyển công chức phải tốt nghiệp ở các trường công lập có uy tín về đào tạo giáo viên, bằng tốt nghiệp loại khá trở lên. Đặc biệt, giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam ông Nguyễn Văn Khoát thông báo dứt khoát: “Không hợp đồng những người tốt nghiệp đại học hệ tại chức hoặc đại học chính quy theo các hình thức liên thông, liên kết, từ xa”. Những năm trước các tỉnh thành như Đà Nẵng, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hải Dương cũng nói không với sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức, hệ ngoài công lập, năm nay các tỉnh này vẫn tiếp tục áp dụng chính sách này.
Một bộ phận không nhỏ học sinh ngày nay sẵn sàng dùng những hành vi thô bạo, mất nhân tính đối với bạn bè gây nên sự bất bình làm xôn xao dư luận mấy năm qua. Thực trạng đáng buồn đó đến nay vẫn còn tiếp diễn…

Trong năm 2012 cả nước tiếp tục xuất hiện nhiều hiện tượng bạo lực học đường, những vụ ẩu đả thường xảy ra tại những trường học ở đô thị. Hiện tượng này làm đau lòng cho nhiều bậc phụ huynh và các nhà quản lí giáo dục. 

Một vụ bạo lực gần đây nhất là vào cuối tháng trước, khi một nam sinh lớp 11 đã dùng dao đâm chết bạn học. Sự việc xảy ra tại tỉnh Phú Yên khi cơ quan điều  tra đã bắt khẩn cấp về hành vi giết người đối với Nguyễn Ngọc Tánh (16 tuổi, học sinh lớp 11 Trường PTTH Ngô Gia Tự, TP Tuy Hòa). Nguyên nhân rất đơn giản chi do mâu thuẫn cá nhân.

Trong đầu tháng 12 này cư dân mạng tiếp tục đón nhận một clip có  tên "Gangnam Style Sào Nam". Đoạn video clip có độ dài 48 giây được tung lên mạng YouTube với tiêu đề Gangnam Style Sào Nam. Đoạn clip này ghi lại hình ảnh một nữ sinh túm tóc và đánh một nữ sinh khác ngay trên đường trong khi có rất nhiều học sinh khác chứng kiến. Đoạn clip này được quay tại Trường THPT Dân lập Sào Nam (đóng ở huyện Nam Đàn, Nghệ An). 

Có thể nói, bạo lực học đường, chuyện đánh đấm giữa học sinh với nhau ngay  tại trường lớp hiện nay không còn là chuyện hiếm gặp. Đã có rất nhiều hình thức tuyên tuyền, giáo dục đạo đức cho học sinh nhưng tình hình không mấy biến chuyển. Nên chăng, việc tăng cường giáo dục kỹ năng  sống và văn hóa ứng xử cần phải được làm một cách bài bản và có tính hệ thống.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, về sâu xa, bạo lực học đường ngày càng gia tăng và phức tạp hơn là do trong quá trình giáo dục, cả gia đình và nhà trường chưa tạo cho học sinh những nhận thức đúng về giá trị của văn hóa ứng xử giữa người với người. Kỹ năng sống của học sinh rất kém, các em không có cách giải quyết vấn đề thích hợp mà chủ yếu sống theo bản năng của mình. Cùng với đó vẫn chưa có các biện pháp hay quy định về pháp luật để  xử lý kỷ luật đủ mạnh để học sinh biết sợ.

Giáo viên uống thuốc rầy tự tử tại TPHCM

Trong tháng 8/2012 cả ngành giáo dục bàng hoàng khi nghe tin một cố giáo uống thuốc rầy tự tử tại TP. HCM, nguyên nhân ban đầu được xác định là do uất ức lãnh đạo,  do không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ Phòng Giáo dục Đào tạo Q.Thủ Đức (TP.HCM) về việc bất ngờ bị điều chuyển công tác. Chiều ngày 14/8, cô Lý Kim Liên, Giáo viên Trường tiểu học Đặng Văn Bất (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức) đã uống thuốc rầy ngay tại Phòng Giáo dục Q. Thủ Đức, ngay sau đó cô được chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức do sốc thuốc rầy.  

Bức xúc trước cách giải quyết không đến nơi và có phần chưa thỏa đáng, uất ức dẫn tới hàng động phản kháng củ cô giáo trẻ này. Qua sự việc này có thể thấy một điều rõ rằng, tại không ít các cơ sở giáo dục, chuyện cấp dưới nhiều khi phải nhịn nhục trước những quyết định khó hiểu và tới khi quá giới hạn của chịu đựng sẽ dẫn đến nhiều tình cảnh đáng tiếc. 
Hàng loạt cơ sở giáo dục nước ngoài bị đóng cửa, học viên chịu trận

Trong năm 2012 Thanh tra Bộ GD&ĐT đã xử lí nhiều cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động trái phép tại lãnh thổ Việt Nam, việc xử lí này đồng nghĩa với nhiều học sinh sẽ phải bơ vơ. 

Đáng chú ý nhất là sự tháo chạy của Trường Kinh doanh Melior khiến nhiều học viên chới với, cùng khoản lớn học phí mà nhiều học viên đã đóng, có người đóng trên 10.500 USD. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT còn tiến hành đề nghị rút giấy phép hoạt động của các cơ sở như: Công ty TNHH Nghiên cứu và Giáo dục Việt Nam (ERC Việt Nam), Viện Quản trị Tài chính (IFA), Công ty TNHH Đào tạo Công nghệ thông tin và Quản trị kinh doanh Singapore (Sibme).

Qua những  gì mà Bộ GD&ĐT xử lí các cơ sở giáo dục hoạt động sai trên lãnh thổ Việt Nam có thể thấy việc cấp phép mở trường, mở chương trình đào tạo đang bị bỏ ngỏ, dễ dàng hơn lúc nào hết. Cho tới khi phát hiện ra những sai phạm thì điều thiệt thòi lại thuộc về người học, chính là công dân của chúng ta. 
Không dừng Đề án 322

Trong tháng 5/2012 các học viên chuẩn bị đi du học theo chương trình 322 của Chính phủ bất ngờ nhận được thông tin dừng chương trình du học này. PGS Văn Như Cương đã nói khi theo dõi vụ việc này rằng: "người ngoài cuộc như tôi còn thấy cáu". Các phụ huynh và ứng viên trong diện du học thì lo lắng và cho rằng Cục Đào tạo nước ngoài không giữ lời hứa.

Tại hội nghị tổng kết đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2000-2011 tổ chức tháng 12-2011, Bộ GD-ĐT đã tiếp tục đề nghị Nhà nước kéo dài đề án 322 đến hết năm 2014 để “nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu khoa học và giảng viên đại học”. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ chưa phê duyệt và cấp ngân sách cho đề án mới để nối tiếp hoặc thay thế đề án 356 (322), nên bộ buộc phải tạm ngừng giải quyết các thủ tục cho người trúng tuyển đi học nước ngoài theo đề án 356 (322) mà hiện chưa kịp du học. Đây cũng chính là lý do năm 2012 bộ tạm ngừng tuyển sinh học bổng này. 

Tuy nhiên, ngay sau đó Cục đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT) lại khẳng định, không dừng chương trình 322 mà chỉ dừng cử học viên du học trong năm 2012. 
XT