2 trường thuộc ĐH Đà Nẵng đều dự kiến đào tạo vi mạch, liệu có chồng chéo?

13/01/2024 06:25
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thị trường lao động đang “khát” nhân lực chất lượng cao lĩnh vực Thiết kế vi mạch, thế nên cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường rất rộng mở.

2 đơn vị thành viên ĐH Đà Nẵng cùng tuyển sinh ngành mới liên quan đến Thiết kế vi mạch

Giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước rất cần nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao lĩnh vực Vi mạch. Do đó, nhiều trường đại học đã và đang đẩy mạnh đào tạo các ngành, chuyên ngành liên quan.

Năm 2024, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng dự kiến mở mới 1 ngành là Kỹ thuật điện tử viễn thông (chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch).

Năm nay, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng tuyển mới 4 ngành/chuyên ngành, trong đó có Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Như vậy có thể thấy, từ năm 2024, cả hai đơn vị thành viên của Đại học Đà Nẵng đều bắt đầu tuyển sinh ngành, chuyên ngành mới liên quan đến Thiết kế vi mạch.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (DUT), Đại học Đà Nẵng cho biết, việc này không dẫn đến sự chồng chéo gì trong quá trình đào tạo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Website nhà trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Website nhà trường.

“Điều này rất bình thường trong hệ thống giáo dục. Trong thời gian qua, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn là vô cùng lớn. Do vậy, việc nhiều trường, dù trực thuộc cùng một đại học vùng, tham gia vào việc đào tạo không gây ra vướng mắc, ngược lại, sẽ tăng tính cạnh tranh để thúc đẩy nhau cùng phát triển”, thầy Hiếu lý giải.

Thầy Hiếu cho biết thêm, DUT hiện đang tổ chức, tham gia nhiều sự kiện nhằm quảng bá thông tin ngành học. Song song, nhà trường cũng tiến hành xây dựng một khung chương trình đào tạo phù hợp nhất và đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ được tiếp nhận rộng rãi bởi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Thiết kế vi mạch.

“Nếu chỉ giảng dạy các kiến thức liên quan trực tiếp đến Thiết kế vi mạch sẽ dẫn đến người học khó có một cái nhìn bao quát về lĩnh vực. Thế nên khi xây dựng chương trình đào tạo, chúng tôi lồng ghép thêm một số học phần liên quan đến việc sử dụng chip cho các ứng dụng như IoT, tức là ở thiết kế ở tầng cao hơn. Điều này sẽ kích thích người học khi có được cái nhìn một cách hệ thống thay vì chỉ tập trung vào học kiến thức của một số mảng nhỏ”, thầy Hiếu nhấn mạnh.

Cùng trao đổi về vấn đề trên, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng chia sẻ: “Thực hiện chủ trương chung của Thành phố Đà Nẵng, của Đại học Đà Nẵng và cũng là hướng đi đã được xác định lâu dài của VKU. Việc mở mới và đào tạo về vi mạch bán dẫn là sứ mệnh, trách nhiệm mà VKU phải thực hiện góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Nhiều trường thành viên của Đại học Đà Nẵng tham gia vào công tác đào tạo sẽ tạo ra tác động tích cực cho việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Mỗi trường có thế mạnh riêng trong đào tạo sẽ hỗ trợ cho nhau, phát huy nguồn lực chung của đại học vùng trong quá trình đào tạo”.

Năm 2024, nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, VKU có nhiều chính sách hỗ trợ người học có thành tích cao trúng tuyển vào trường và nhiều chính sách học bổng hỗ trợ khác. Ngoài ra, trường có chính sách dành riêng cho thí sinh có thành tích cao trúng tuyển vào chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Thị trường “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao Thiết kế vi mạch

Chia sẻ quá trình mở ngành đào tạo mới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu cho biết: Việc mở chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch đã được Khoa Điện tử Viễn thông ấp ủ trong nhiều năm qua, nhằm xây dựng một chương trình giảng dạy chuyên sâu hơn cho lĩnh vực Vi điện tử, Vi mạch đảm bảo sinh viên khi ra trường có thể thích ứng ngay. Nhân các sự kiện lớn liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian vừa qua tại Việt Nam, nhà trường nhận định rằng đây là thời điểm chín muồi nên quyết định mở chuyên ngành mới trong năm học này.

Thầy Hiếu lý giải: “Chuyên ngành này đón đầu xu thế do nhu cầu về nguồn nhân lực cao cho ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch là rất lớn. Cho đến nay, nhà trường cũng đã đào tạo nhiều lớp kỹ sư có thể làm việc trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Thiết kế vi mạch mới thực sự được quan tâm tại Việt Nam trong khoảng thời gian gần đây, việc mở mới chuyên ngành này là rất phù hợp với xu thế phát triển của đất nước”.

Thầy Hiếu cũng đánh giá, thị trường lao động đang “khát” nhân lực chất lượng cao lĩnh vực Thiết kế vi mạch, thế nên cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường là rất rộng mở.

“Nếu có trình độ Tiếng Anh tốt, các em có thể nhận được mức lương khởi điểm hơn 10 triệu đồng/tháng, chỉ xét tại Đà Nẵng và có thể cao hơn tại các thị trường lao động khác. Mặt khác, ngành này đòi hỏi kinh nghiệm nên nếu các em tiếp tục theo học ở bậc thạc sĩ hoặc tiến sĩ thì mức lương sẽ còn cao hơn, đây là một xu thế rất phổ biến ở các nước tiên tiến”, Thầy Hiếu bày tỏ thêm.

Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Website nhà trường.

Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Website nhà trường.

Về phía VKU, Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thọ cho biết: “Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu, ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng, trong đó có thiết kế và sản xuất chip bán dẫn.

Theo dự báo, Việt Nam cần 50.000 kỹ sư Thiết kế vi mạch bán dẫn trong 10 năm tới. Ngoài ra, sự phát triển bùng nổ của các thiết bị thông minh và kỹ thuật số, yêu cầu khả năng tính toán ngày càng cao hơn, khả năng xử lý dữ liệu ngày càng lớn hơn. Phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn tạo nền tảng cho việc phát triển các lĩnh vực mới như Trí tuệ nhân tạo, Máy học, Tính toán lượng tử”.

Thầy Thọ khẳng định, với đội ngũ, cơ sở vật chất hạ tầng và cộng đồng gần 6.000 sinh viên trong lĩnh vực công nghệ của VKU hiện có, nhà trường đã sẵn sàng nguồn nhân lực tham gia đóng góp tích cực vào đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn với sứ mệnh và trách nhiệm góp phần tích cực cho việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

Mở ngành đào tạo mới đòi hỏi khâu chuẩn bị kỹ lưỡng và lâu dài

Mở ngành đào tạo liên quan đến Thiết kế vi mạch đòi hỏi nhà trường phải chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên trình độ chuyên môn cao và nhiều điều kiện khác. Bàn về khía cạnh này, thầy Hiếu chia sẻ, Vi điện tử - Thiết kế vi mạch là một chuyên ngành đòi hỏi cần có nhiều kiến thức nền bao hàm từ toán cho đến vật lý và cả lập trình.

Nhờ những bộ công cụ hỗ trợ thiết kế, kỹ sư hiện nay hoàn toàn có thể thiết kế toàn bộ trên máy tính dựa vào các mô hình linh kiện được xây dựng gần như nguyên bản từ các kết quả đo đạc thực tế. Do vậy, nhà trường chỉ cần trang bị phòng máy tính có đầy đủ bộ công cụ là có thể hướng dẫn cho sinh viên hầu như toàn bộ quy trình thiết kế.

Tuy nhiên, để sinh viên am hiểu hơn về việc xử lý tín hiệu sau khi chip được sản xuất, các phòng thí nghiệm điện tử là cần thiết và thường việc này đòi hỏi chi phí rất cao. Hiện nay, DUT có phòng thí nghiệm phục vụ các ngành gần như Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật máy tính, các chương trình tiên tiến… đáp ứng phần nào nhu cầu này.

"Vừa qua nhà trường cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ công ty Keysight và trong thời gian tới, nhà trường có chủ trương đầu tư nhiều thiết bị phục vụ thực hành. Với đội ngũ cán bộ giảng dạy, hiện nay nhà trường có 1 phó giáo sư, 3 tiến sĩ được đào tạo đúng ngành này tại các nước tiên tiến như Đức, Nhật, Ý.

Ngoài ra còn có rất nhiều tiến sĩ được đào tạo gần với ngành. Hơn thế nữa, để có được nguồn nhân lực giảng dạy, nhà trường tích cực gửi giảng viên tham gia các khóa đào tạo và lên kế hoạch tuyển dụng thêm giảng viên trong ngành này cũng như tạo điều kiện cho giảng viên đang là thạc sĩ theo học ngành này khi học lên tiến sĩ", thầy Hiếu cho hay.

Còn thầy Thọ đánh giá, vi mạch bán dẫn là một ngành đào tạo rất thách thức và tốn kém, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn lực và cần nhiều thời gian. Do đó, VKU đã triển khai xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn bị cơ sở vật chất khởi động từ rất sớm. Năm 2020 nhà trường đã đưa nội dung đào tạo và nghiên cứu vi mạch bán dẫn trong đề xuất dự án Nâng cao năng lực giáo dục - đào tạo, quản trị và nghiên cứu giai đoạn 2022-2027 được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Phát triển chương trình đào tạo công nghệ vi mạch là một trong số các nội dung của dự án này.

Năm 2021, VKU tiếp tục mở các lĩnh vực gần như: IoT, hệ thống nhúng, các học phần về thiết kế mạch điện tử, vi xử lý … Năm 2022, khởi công thí nghiệm thiết kế vi mạch trị giá 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc. Sau thời gian chuẩn bị với sự hỗ trợ tích cực từ các giáo sư, chuyên gia và Trường Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc, VKU mở chương trình đào tạo Kỹ sư Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Theo đó, VKU dự kiến tuyển sinh từ năm 2024 – 2027 khoảng 500 chỉ tiêu, chuyển tiếp 180 sinh viên các ngành gần sang Thiết kế vi mạch bán dẫn. Dự kiến năm 2028 trở đi sẽ có sinh viên tốt nghiệp đúng ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn. Ngoài việc đào tạo Kỹ sư Thiết kế vi mạch, VKU cũng sẽ triển khai các lớp tăng tốc, tập huấn phối hợp với doanh nghiệp, dự kiến tuyển sinh và đào tạo từ 60-100 chỉ tiêu hằng năm. Năm 2024, dự kiến sẽ mở chương trình đào tạo thạc sỹ liên quan đến Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Chương trình đào tạo của 2 trường có gì?

Chia sẻ về chương trình đào tạo dự kiến đối với chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch tại DUT, thầy Hiếu cho hay, chương trình bao gồm các khối kiến thức sau: Khối giáo dục đại cương, khối Toán và khoa học cơ bản, khối kiến thức bổ trợ, khối kiến thức cơ sở ngành, chuyên ngành và chuyên ngành chuyên sâu. Đối với phần kiến thức cơ sở ngành, sinh viên sẽ được cung cấp các kiến thức tập trung và cần thiết liên quan đến bán dẫn, cấu kiện và mạch điện tử. Phần chuyên ngành và chuyên ngành chuyên sâu chú trọng vào các mảng của thiết kế vi mạch số, thiết kế vi mạch tương tự và hỗn hợp, hệ thống trên chip… Phần thí nghiệm được thiết kế dựa trên các bộ thí nghiệm hiện đại và các phần mềm chuyên dụng theo chuẩn công nghiệp.

Về cơ bản, sinh viên sẽ được tiếp xúc với bộ công cụ mô phỏng, thiết kế theo tiêu chuẩn công nghiệp. Hiện tại nhà trường đã có bộ công cụ Cadence (bộ công cụ tự động hóa thiết kế điện tử) và trong tương lai hy vọng sẽ được tiếp nhận hỗ trợ từ các hãng khác. Khi sử dụng các bộ công cụ, sinh viên có thể thực hành việc thiết kế chip cho cả mạch tương tự và số, từ thiết kế sơ đồ mạch, kiểm tra chức năng cho đến khâu cuối cùng là thiết kế vật lý, tối ưu hóa các thông số tùy theo nhu cầu. Như vậy, sinh viên có thể nắm rõ quy trình thiết kế trước khi đưa bản vẽ cho các nhà sản xuất.

Còn tại VKU, thầy Thọ chia sẻ, chương trình đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn sẽ gồm 160 tín chỉ với thời gian đào tạo 4,5 năm. Trong đó bao gồm khối kiến thức cơ sở ngành – kiến thức nền tảng như Cấu kiện điện tử, Kỹ thuật mạch điện tử, Thiết kế mạch điện tử, Cấu trúc máy tính… và khối kiến thức chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn như Thiết kế SoC, Công nghệ chế tạo IC, Thiết kế bộ nhớ bán dẫn, Tín hiệu và hệ thống...

Phạm Thi