1/ Quy định mới về thời gian tập sự đối với giáo viên, giảng viên
Từ ngày 08/02/2019, Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT về thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập bắt đầu có hiệu lực.
Tuyển dụng vào chức danh giáo viên Trung học cơ sở hạng III phải thực hiện thời gian tập sự 9 tháng. Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn |
Theo đó, để được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên/giảng viên, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự trong các trường hợp cụ thể như sau:
- Tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng III, giáo viên Trung học phổ thông hạng III, giáo viên dự bị đại học hạng III phải thực hiện thời gian tập sự 12 tháng (quy định hiện hành giáo viên Trung học phổ thông chỉ cần tập sự 9 tháng).
- Tuyển dụng vào chức danh giáo viên Trung học cơ sở hạng III phải thực hiện thời gian tập sự 9 tháng.
- Tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV, giáo viên tiểu học hạng IV phải thực hiện thời gian tập sự 6 tháng.
Thời gian tập sự trên áp dụng kể từ ngày 15/01/2019, những trường hợp tuyển dụng trước ngày 15/01/2019 thì thực hiện theo quy định tại Thông tư 05/2016/TT-BGDĐT ngày 21/3/2016.
2/ Phải lấy ý kiến trẻ em khi xây dựng văn bản liên quan
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 36/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.
Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em) chủ động tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến của trẻ em trên cơ sở sự tham gia tự nguyện của trẻ em.
Đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin cho trẻ em; nội dung, hình thức lấy ý kiến phải phù hợp với độ tuổi, giới tính, dân tộc, hoàn cảnh, mức độ trưởng thành sự phát triển của trẻ em.
Các cơ quan trên phải tạo môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng, không phân biệt đối xử, không trù dập, kỳ thị khi trẻ em bày tỏ hoặc không bày tỏ ý kiến; bảo đảm bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em tham gia lấy ý kiến.
Thông tư cũng nêu rõ, ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, ý kiến của Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phải được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu, phản hồi đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực và sử dụng đúng mục đích.
Người thực hiện lấy ý kiến của trẻ em phải có kiến thức, thái độ thân thiện, kỹ năng phù hợp để làm việc với trẻ em.
Việc lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em thực hiện theo quy định.
Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến của trẻ em phải bảo đảm việc kịp thời cung cấp, giải thích thông tin, hỗ trợ cho trẻ em.
Thông tư cũng có hiệu lực từ ngày 15/2.
3/ Ban hành danh mục 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
Nội dung đáng chú ý này được quy định tại Thông tư 37/2018/TT-BNNPTNT về danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia.
Theo đó, 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia được hỗ trợ theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 bao gồm:
- Gạo; Cà phê; Cao su; Điều; Hồ tiêu;
- Chè; Rau, quả; Sắn và sản phẩm từ sắn;
- Thịt lợn; Thịt và trứng gia cầm;
- Cá tra; Tôm; Gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Thông tư 37/2018/TT-BNNPTNT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 08/02/2019.
4/ Quy định mới về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô
Nghị định 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô có hiệu lực từ ngày 25/02/2019.
Nghị định này quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô; khoán kinh phí sử dụng xe ô tô; thuê dịch vụ xe ô tô và sắp xếp lại, xử lý xe ô tô, bao gồm: Xe ô tô phục vụ công tác các chức danh; xe ô tô phục vụ công tác chung; xe ô tô chuyên dùng; xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước.