LTS: Cho rằng việc cấp giấy phép hành nghề cho giáo viên sẽ làm gia tăng tình trạng dạy thêm, thầy giáo Sơn Quang Huyến chỉ ra những lý do cụ thể trong bài viết sau đây.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngày 8/1, tại Trường Đại học Vinh, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý để chính lý nội dung chính sách nhà giáo trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
Ông Lê Quán Tần - Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) lại có đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo.
Chuyện cấp giấy phép hành nghề là chuyện bình thường của xã hội. Thế nhưng với giáo dục Việt Nam, đây là chuyện mới.
Có cần cấp giấy phép hành nghề cho nhà giáo Việt Nam không? Xin thưa là không nên!
Có cần thiết phải cấp giấy phép hành nghề cho giáo viên không? Ảnh minh họa: VOV |
Tại sao lại không nên?
Trong đào tạo giáo viên, các trường Sư phạm đã có thời gian dành cho sinh viên kiến tập, thực tập trước khi thi tốt nghiệp.
Thời gian kiến tập và thực tập của sinh viên đã được thấy, thực hành nghề nghiệp, được kiểm chứng, đánh giá của nhà trường, giáo viên hướng dẫn thực tập.
Như vậy, đánh giá kết quả kiến tập, thực tập của sinh viên chính là “giấy phép hành nghề”.
Mặt khác, thi tuyển công chức lại tiếp tục khảo sát về hiểu biết chung, kiến thức nghề nghiệp, thực hành giảng dạy. Trúng tuyển công chức, về trường lại tiếp tục có thời gian tập sự.
Vì vậy, cấp giấy phép hành nghề cho giáo viên hoàn toàn không cần thiết.
Cấp giấy phép hành nghề, dạy thêm bùng phát?
Giấy phép, chứng chỉ hành nghề là giấy tờ do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật để cá nhân, tổ chức đó kinh doanh, hoạt động, hành nghề hoặc sử dụng công cụ, phương tiện.
Chúng tôi kịch liệt phản đối đề xuất cấp chứng chỉ dạy học cho nhà giáo |
Có giấy phép hành nghề, giáo viên có thể dạy thêm bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào, đối tượng học trò nào.
Như vậy, mọi quản lý hành chính về dạy thêm, học thêm của cơ quan chủ quản sẽ không có tác dụng.
Giáo viên dạy “trên lớp nhẹ nhàng, dành kiến thức vàng về nhà dạy thêm”, lúc đó người chịu thiệt thòi nhất chính là học trò.
Chưa cấp giấy phép hành nghề, học trò chúng ta đã học thêm tối ngày. Chúng ta đã bắt gặp bao hình ảnh đứa trẻ ngồi sau xe máy, ăn vội vàng để kịp đến nơi học thêm. Ký ức tuổi thơ của các em chỉ có học, học nữa, học thêm.
Tuổi thơ của học trò đã bị đánh cắp, dù cơ quan chủ quản đã và đang siết chặt dạy thêm học thêm trái phép.
Cấp giấy phép hành nghề, gỡ “vòng kim cô” cho giáo viên dạy thêm trái phép, khác nào thổi bùng thêm ngọn lửa dạy thêm đang âm ỉ cháy trong giáo dục chúng ta.