Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có khá nhiều bài viết về những thành quả mà ngành giáo dục tỉnh Nam Định đã đạt được trong năm học vừa qua.
Chúng ta thấy không chỉ vị trí số 1 trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà ở các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, thi tuyển sinh 10 thì Nam Định cũng gặt hái được những kết quả rất tốt.
Trước những thành quả này, có lẽ ai cũng mừng, nhất là những nhà giáo đã và đang có những đóng góp trực tiếp cho ngành giáo dục Nam Định ngày càng khởi sắc.
Chính vì thế, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với thầy Cao Xuân Hùng- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định để hiểu hơn về những thành quả mà ngành giáo dục nơi đây đã đạt được, nhất là kết quả năm học 2019-2020 vừa qua.
Thầy Cao Xuân Hùng- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định (Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Phương châm 4 tốt làm nên “thương hiệu” ngành giáo dục Nam Định
Khi trao đổi với chúng tôi, thầy Cao Xuân Hùng cho biết rằng hiệu quả giáo dục của Nam Định trong những năm qua gặt hái được nhiều thành công là sự cộng hưởng từ tất nhiều yếu tố.
Trong đó, ngành giáo dục tỉnh nhà rất chú trọng xây dựng nhà trường 4 Tốt.
Thứ nhất là môi trường giáo dục tốt: địa phương, ngành giáo dục Nam Định chú trọng đầu tư cơ sở vật chất ở các nhà trường ngày càng hoàn thiện, đủ đầy hơn để phục vụ cho công tác dạy và học được tốt nhất.
Thầy và trò ở các nhà trường luôn phát huy được thế mạnh truyền thống của quê hương. Phụ huynh Nam Định có truyền thống hiếu học nên luôn tạo cho con em mình động lực phấn đấu trong học tập.
Các trường học đặc biệt chú trọng tính kỷ luật, kỷ cương trên nền tảng dân chủ, công khai, minh bạch. Cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp, thầy trò tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau phát triển, dựa trên các mối quan hệ hài hoà, bình đẳng.
Từ đó, tạo được sự ủng hộ của các cấp quản lý, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh ở các nhà trường.
Phụ huynh tin tưởng vào ngành, vào nhà trường và thầy cô giáo nên sẵn sàng đầu tư (dù nghèo) cho con em mình học tập. Các cấp chính quyền quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị (dù còn khó khăn).
Thứ hai là quản lý tốt: ngành giáo dục Nam Định đã tham mưu, đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ quản lý nhà trường gương mẫu. Họ là những người có phẩm chất đạo đức tốt, giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề.
Một khi quản lý nhà trường tốt dẫn đến việc quản lý con người, tài chính, tài sản, quản lý học sinh, quản lý chuyên môn, quản lý các mối quan hệ… trong nhà trường được phát huy hiệu quả.
Thứ ba là dạy tốt: thầy Cao Xuân Hùng chia sẻ với chúng tôi rằng dạy tốt ngày nay rất khác ngày xưa bởi không chỉ đơn thuần người thầy truyền thụ kiến thức một chiều cho học trò mà người thầy phải biết khích lệ, phát huy năng lực, sở trường của học sinh.
Người thầy luôn đồng hành cùng học sinh trong học tập. Đồng thời, liên tục đổi mới các phương pháp dạy học cùng với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá.
Tổ chức nhiều sân chơi cho học sinh có cơ hội khẳng định mình. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả các giờ học chính khoá, nhà trường luôn khuyến khích học sinh tự học, tự bồi dưỡng, tự đào tạo.
Trên lớp học, thầy cô tạo cho học sinh không khí học tập thoải mái, làm cho các em yêu thầy cô, yêu môn học và học tập từ đam mê, yêu thích. Vì thế mà giảm áp đặt và áp lực cho học trò.
Đặc biệt, đội ngũ giáo viên luôn biết khai thác, tận dụng điều kiện thiết bị hiện có, người thầy luôn biết tạo áp lực vừa đủ để biến áp lực thành động lực....
Thứ tư là học tốt: nhà trường, thầy cô hướng cho học sinh tự học làm phương châm cốt lõi; học cách học, cách tư duy; đa dạng hoá các hình thực học tập không máy móc. Chính vì thế mà từ nhiều năm qua, Nam Định có những đổi mới tích cực trong việc dạy, học và thi cử.
Thi vào lớp 10 gồm 3 bài thi (thay 3 môn thành 3 bài): bài thi Toán, bài thi Văn, bài tổ hợp gồm 3 lĩnh vực: khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, ngoại ngữ (thực hiện trước khi Bộ thi bài tổ hợp). Học sinh thi vào chuyên ngoại ngữ với các phần thi: nghe, nói, viết tiếng Anh.
Đối với các môn học ở bậc Trung học cơ sở được bình đẳng, học cơ bản, vững chắc. Bồi dưỡng học sinh giỏi trên nền kiến thức đại trà cơ bản, vững chắc, toàn diện.
Tỉnh có Đề án đưa người nước ngoài vào dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông. Học sinh được học Tin học theo chuẩn Hoa Kỳ. Toàn tỉnh học tiếng Anh theo hệ 10 năm…
Các trường học luôn chú trọng giảng dạy, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho học sinh.
Bên cạnh phương châm 4 tốt thì đối với các nhà trường luôn chủ động xây dựng kế hoạch dạy học. Coi trọng bồi dưỡng đội ngũ tại chỗ thông qua sinh hoạt chuyên môn tại trường, theo cụm trường.
Phương châm dạy từ cơ bản, chắc chắn đến nâng cao, phân loại học sinh để có giải pháp phù hợp cho từng đối tượng. Ở cấp Trung học cơ sở thì các môn học được coi trọng và dạy đồng đều (do Sở thi bài tổng hợp).
Chính từ việc kết hợp phương châm 4 Tốt nên trong những năm qua thì ngành Giáo dục Nam Đinh đã phát huy được rất nhiều thế mạnh của cả thầy và trò ở các nhà trường.
Môi trường giáo dục tốt tạo nên thành quả tốt
Chỉ tính riêng năm học 2019-2020 thì ngành giáo dục Nam Định đã gặt hái được nhiều thành công. Trong đó, phải kể đến 78 em học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia. Với 4 giải Nhất, 22 giải Nhì, 27 giải Ba, 25 giải Khuyến khích.
Đặc biệt, em Trần Nhật Minh, học sinh lớp 12 chuyên Toán trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong đã là thành viên chính thức đội tuyển Toán của Việt Nam tham dự Olympic Toán học Quốc tế lần thứ 61 trong tháng 9 này.
Em Đàm Thị Minh Trang lớp 12 chuyên Hóa trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong có 2 năm liền đoạt giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa học đã xuất sắc giành huy chương Vàng Olympic Hóa học Quốc tế năm 2020.
Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 thì Nam Định tiếp tục duy trì được vị trí số 1 về điểm trung bình các môn thi trong bảng xếp hạng.
Trong đó, có nhiều môn cán đích ở vị trí số 1 như Toán, Lí, Hóa. Đặc biệt, toàn tỉnh có 280 điểm 10 ở các môn thi (xếp thứ 5/63 tỉnh, thành).
Rõ ràng, thành quả giáo dục tỉnh Nam Định đạt được trong năm học vừa qua cũng như trước đây là sự chung tay, cố gắng của nhiều thế hệ, nhiều con người tạo dựng nên.
Đặc biệt là sự đồng lòng của các cấp chính quyền, phụ huynh học sinh nên đã tạo cho ngành giáo dục địa phương, các nhà trường một điểm tựa vững chắc trong chỉ đạo, tổ chức triển khai dạy và học ở nhà trường.
Từ đó, chất lượng, hiệu quả giáo dục Nam Định đã có những bước tiến dài, vững chắc trong nhiều năm qua.