Trở nên hoàn hảo và thành công là mong muốn của hầu hết mọi người. Và quá trình này đa phần đòi hỏi chúng ta cần nỗ lực mỗi ngày để nâng cao tri thức, rèn luyện cho mình những thói quen, đức tính tốt. Nếu bạn cũng có mong muốn này, cuốn sách “40 thói quen xấu cần vứt bỏ” của tác giả người Nhật Bản, chuyên gia tư vấn quản lý tài sản và đầu tư Tokio Godo chính là một gợi ý tuyệt vời dành cho bạn.
40 thói quen xấu được tác giả Tokio chia thành 6 chương bao gồm các thói quen xấu trong: ngôn ngữ, mối quan hệ, vật chất- tiền bạc, kỹ năng làm việc, cách làm việc và trái tim yếu đuối (tinh thần).
Tác giả Tokio Godo tốt nghiệp Khoa kinh tế, Đại học Chuo, Nhật Bản. Ông là chuyên gia tư vấn về kỹ năng kinh doanh, đầu tư bất động sản, quản lý tài sản. |
Trong đó có những thói quen mà đọc lên độc giả có thể có quan điểm trái ngược; nhưng đa phần sẽ hoàn toàn đồng tình với tác giả.
Như thói quen đầu tiên tác giả viết trong cuốn sách: thói quen phủ định. Nếu là người thường xuyên nói các câu: “Tôi không làm được đâu”; “Như thế rủi ro quá cao”; “Có làm cũng chẳng ích gì”; “Toàn những ý tưởng vớ vẩn”… thì tác giả Tokio cho rằng bạn đang có thói quen xấu là phủ định.
Khi mang trong mình thói quen xấu này, những người muốn giúp đỡ, nâng đỡ sẽ dần tránh xa bạn. Không ai muốn dành cho bạn một cơ hội hay thử thách mới. Không những thế, thói quen này còn có một năng lượng tiêu cực khiến con người ngừng suy nghĩ, tìm kiếm các biện pháp giải quyết vấn đề.
Ngược lại, nếu bỏ được thói quen này, bạn có thể phát huy được tối đa sức mạnh của não bộ, tìm ra các giải pháp hữu hiệu cho vấn đề trước mắt.
Ví dụ đứng trước cơ hội sang nước ngoài sinh sống và làm việc. Người có thói quen phủ định sẽ lập tức nghĩ đến các rào cản: sự tiếc nuối với công việc, điều kiện vật chất nhà cửa đang có và lo lắng về công việc, nơi ở ở nơi sẽ đến; bất lợi khi không biết hoặc không sử dụng được thành thạo ngôn ngữ mới…
Ngược lại người vứt bỏ được thói quen phủ định sẽ lập tức lên mạng tìm kiếm thông tin về việc làm, điều kiện sở hữu bất động sản ở nước muốn đến, tìm kiếm cộng đồng đồng hương để nhận được sự giúp đỡ, đăng ký học ngoại ngữ…
Hay như thói quen tiết kiệm, nhiều người vẫn nghĩ đó là thói quen tốt, tuy nhiên tác giả Tokio cho rằng nếu tiết kiệm thái quá như cách nhiều người Nhật đang làm thì đó là một thói quen xấu.
Tiết kiệm thái quá khiến người ta không tính đến chuyện đầu tư cho tương lai. Thay vì cho bản thân trải nghiệm để trưởng thành, thì tiết kiệm tiền lại trở thành mục đích của đời họ. Vì chăm chăm vào việc tích lũy tiền bạc, nên họ cũng thiếu kinh nghiệm trong việc kiếm tiền, khiến đồng tiền mất giá vì lạm phát; và nếu đầu tư cũng không phân biệt được đâu là đầu tư hợp lý, đâu là đầu tư lừa đảo.
Một người Nhật trung bình sẽ để lại khoảng 30 triệu yên sau khi chết. Để có được số tiền đó, họ phải chấp nhận trải qua một cuộc đời không đi chơi, du lịch, thậm chí là không một ngày nghỉ; không có những trải nghiệm đáng quý trong cuộc đời; rồi đến khi nằm giường bệnh vẫn không hiểu nổi cuộc sống tuần hoàn như thế nào, và nuối tiếc những việc chưa làm.
38 thói quen còn lại có rất nhiều thói quen mà nhiều người mắc phải như: viện lý do, nói xấu sau lưng, cho rằng mình luôn đúng, kiêu hãnh quá đà, đố kị, tự ti, lo lắng, thích thể hiện, dành quá nhiều thời gian cho bạn bè…. Các thói quen này lần lượt được tác giả phân tích rõ đúng sai và đưa ra giải pháp để mỗi người có thể xóa bỏ những thói quen đó, hoàn thiện chính mình và dần bước đến thành công.
Tác giả Tokio Godo viết: “Người ta thường nói Nhật Bản là một đất nước luôn khắt khe với những kẻ thất bại. Nhưng tôi xin được phép nói rằng, thất bại chưa bao giờ và sẽ không bao giờ kết thúc. Tôi muốn mượn lời phát biểu của Tiến sĩ Robert Schuller để củng cố thêm nhận định này: “Thất bại không có nghĩa bạn chẳng làm được gì, chỉ có nghĩa là bạn mất thời gian hơn, cùng với đó là gan dạ và kiên cường hơn. Thất bại chính là một phép trừ trong vô vàn phép thử khác”. Vì vậy, bạn có quyền chậm rãi, thận trọng; nhưng không được phép buông thả bản thân với những thói quen đã bị tập nhiễm. Và tôi ở đây, xin nguyện là người soi đường cho bạn trên con đường hoàn thiện chính mình”.
Tác giả Tokio Godo tốt nghiệp Khoa kinh tế, Đại học Chuo, Nhật Bản. Ông là chuyên gia tư vấn về kỹ năng kinh doanh, đầu tư bất động sản, quản lý tài sản. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như: “Cách tiêu tiền thông minh”, “Người kiếm trăm triệu yên một năm, người chỉ dừng lại ở ba triệu yên một năm”…