5 "điểm cộng" và 5 "điểm trừ" của Táo quân 2014

08/02/2014 07:53
Quốc Khánh
(GDVN) - Nếu xét Táo quân 2014 cũng giống như các chương trình truyền hình khác, chúng ta sẽ thấy chương trình ở mức độ "xem được".

Chưa năm nào Táo quân lại bị "ném đá" nhiều như năm nay. Thậm chí, có người còn đặt vấn đề: liệu chương trình Gặp nhau cuối năm có nên nhìn nhận lại mình sau chặng đường dài hơn 10 năm gắn bó với khán giả cả nước. Nhưng Táo quân 2014 có đáng bị ném đá nhiều như vậy không?

Táo quân đang được kỳ vọng quá mức?

Việc Táo quân 2014 trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên các trang báo điện tử, các trang mạng xã hội là điều rất đáng mừng của ekip sản xuất chương trình.

Tất cả những lời khen, tiếng chê đều xuất phát từ điểm chung là sự quan tâm của khán giả với chương trình. Tuy nhiên, đa phần khán giả đặt quá nhiều kỳ vọng vào Táo quân 2014. Với họ, Táo quân chính là dịp họ được hả hê để phê phán những điều còn tồn tại của các lĩnh vực trong một năm vừa qua. Và khi những vấn đề "nóng" không được đề cập sâu, không "thỏa mãn" được người xem thì họ trở nên thất vọng.

Những thay đổi tích cực của Táo quân 2014 đem đến diện mạo mới cho chương trình
Những thay đổi tích cực của Táo quân 2014 đem đến diện mạo mới cho chương trình


Tuy nhiên, sự kỳ vọng đó có phần hơi thái quá. Thực chất, Táo quân 2014 chỉ là một chương trình hài kịch của nhà đài nhằm "mua vui" cho khán giả trong những thời khắc cuối cùng của năm cũ.

Điều đó cũng có nghĩa, khi nó đáp ứng được nhu cầu giải trí, tạo được tiếng cười cho người xem cũng có nghĩa Táo quân 2014 đã thành công. Nếu xét Táo quân 2014 cũng giống như các chương trình truyền hình khác, chúng ta sẽ thấy chương trình ở mức độ "xem được".

Trong thời gian vừa qua đã có rất nhiều ý kiến chỉ ra cái được và chưa được của Táo quân 2014, tuy nhiên, theo thiển ý của người viết bài, Táo quân 2014 có 5 cái được và năm điều hạn chế sau đây:

5 cái "được" của Táo quân 2014

Cái được lớn nhất của Táo quân 2014 chính là sự quan tâm, chú ý của khán giả trong và ngoài nước với chương trình. Trải qua hơn 10 năm tồn tại, Gặp nhau cuối năm (Táo quân 2014) vẫn là một chương trình được mong đợi nhất của khán giả trong những thời khắc cuối cùng của năm cũ.

Đây là một thành công đáng được ghi nhận. Bởi không có nhiều chương trình duy trì được sức sống và sức hấp dẫn như vậy.

Táo quân vẫn là 1 trong những chương trình được mong đợi nhất trong năm của VTV
Táo quân vẫn là 1 trong những chương trình được mong đợi nhất trong năm của VTV


Thứ hai, Táo quân 2014 có một sự thay đổi táo bạo đầy sáng tạo mang những ý nghĩa sâu sắc ở vai Ngọc Hoàng do Quốc Khánh thể hiện.

Việc cho người dân ngồi vào vị trí của Ngọc Hoàng để họ có cơ hội quăng giầy vào Táo điện lực hay treo Táo y tế lên trên cao là một sự "liều lĩnh" đầy dụng ý nghệ thuật của ekip thực hiện chương trình.

Điều này khiến Ngọc Hoàng trở thành "ngôi sao sáng" mang lại nhiều tiếng cười và cả nước mắt nhất cho khán giả. Đây là một trong những thay đổi thành công nhất của Táo quân 2014.

Thứ ba, Táo quân 2014 tạo ra được những tiếng cười thoải mái cho khán giả xem truyền hình. Những lời thoại dí dỏm, những tình huống "cười ra nước mắt" đã giúp người xem có được những phút giây thoải mái nhất trong thời khắc chuyển sang năm mới. Xét ở góc độ một chương trình hài kịch, đây là một thành công đáng ghi nhận.

Thứ tư, chương trình có sự tham gia của các nghệ sỹ nổi tiếng, đã gắn bó với chương trình từ số đầu tiên. Diễn xuất ăn ý cùng những màn "tung hứng" khá nhịp nhàng của các diễn viên đã góp phần không nhỏ tạo nên thành công của chương trình.

Thứ năm, mới nghe, Táo quân 2014 có vẻ "nhạt" bởi nó không có nhiều chi tiết, ít nhân vật và nội dung cũng "chẳng có gì để nói" nhưng nếu ngẫm nghĩ một cách nghiêm túc sẽ thấy Táo quân 2014 sâu sắc hơn nhiều những chương trình trước đó.

Những ý nghĩa ẩn sâu trong các vai diễn của Ngọc Hoàng, cách giải thích lòng vòng của Táo điện lực hay "khẩu hiệu": "đau lòng, sốc,..." của các Táo mang những ý nghĩa đáng suy ngẫm cho tất cả chúng ta.

5 "điểm trừ" của Táo quân 2014

Bên cạnh những điểm hấp dẫn đáng ghi nhận kể trên, Táo quân 2014 cũng có 5 điểm trừ đáng tiếc.

Một trong những hạn chế lớn nhất của Táo quân 2014 là sự cũ kỹ về đội ngũ diễn viên. Họ đều là những người tham gia Táo quân từ những năm đầu tiên. Mặc dù rất nổi tiếng nhưng lối diễn xuất không mới cùng các gương mặt đã quá quen thuộc phần nào tạo nên sự nhàm chán cho người xem.

Có lẽ ekip sản xuất chương trình cần có những thay đổi tích cực về vai diễn cũng như mô tuýp kịch bản để Táo quân có những thay đổi mang tính đột phá và mới mẻ hơn nữa.

Việc 1 số Táo không báo cáo nhưng vẫn xuất hiện ở những phút cuối của chương trình khiến người xem có cảm giác hụt hẫng
Việc 1 số Táo không báo cáo nhưng vẫn xuất hiện ở những phút cuối của chương trình khiến người xem có cảm giác hụt hẫng


Điểm trừ thứ 2 của Táo quân 2014 là quá lạm dụng các bài nhạc chế. Tất cả các Táo khi báo cáo đều đan xen ít nhất 2 bài nhạc chế. Việc lạm dụng quá nhiều nhạc chế đôi lúc khiến người xem cảm thấy khó chịu và khiến cho các phần "báo cáo" của các Táo bị loãng.

Thứ ba, chương trình có nhiều Táo nên có không ít người chưa được "báo cáo" đã hết thời gian. Thêm vào đó, các "Táo" không được báo cáo vẫn xuất hiện vài giây ở cuối chương trình có phần thừa thãi. Nó khiến người xem có cảm giác hụt hẫng.

Đành rằng việc "tổng kết" cần ôm đồm đủ các ngành nghề, lĩnh vực nhưng nếu ekip chương trình chỉ tập trung vào 2 - 3 lĩnh vực nhưng khai thác một cách triệt để thì chương trình sẽ hay hơn rất nhiều.

Điểm trừ thứ 4 của Táo quân 2014 chính là các màn "đấu khẩu" của các Táo với Nam Tào, Bắc Đẩu trên sân khấu. Cách báo cáo lòng vòng cùng những màn "cãi cùn" của các nhân vật khiến cho người xem có cảm giác những màn cãi vã sẽ kéo dài...trắng đêm.

Đặc biệt, nếu xem tất cả các chương trình Táo quân, người xem sẽ nhận ra một điều, cách "cãi vã", lối diễn xuất của các Táo na ná giống nhau qua các năm. Không có nhiều thay đổi, không có những đột phá cần thiết để tạo nên sự mới mẻ. Nó khiến nhiều người hài hước nhận xét rằng: nếu các Táo mặc cùng 1 loại trang phục có thể "cắt ghép" các năm với nhau mà người xem vẫn không nhận ra được sự khác biệt.

Điểm hạn chế thứ 5 của Táo quân nói chung chính là phương thức ghi hình khá rầm rộ. Do vậy, ngay sau buổi ghi hình, nội dung kịch bản, phục trang, diễn xuất của chương trình đều được kể rành mạch trên các trang mạng xã hội.

Do vậy, khán giả đã biết trước hầu như toàn bộ nội dung của chương trình. Bởi hài kịch cần yếu tố bất ngờ, tạo tiếng cười và khi yếu tố bất ngờ không còn...bất ngờ nữa thì việc bị chê là "nhạt, sượng" là điều dễ hiểu.

Quốc Khánh