61 HS đảo Lý Sơn trượt lớp 10 công lập: Giám đốc Sở Giáo dục Quảng Ngãi nói gì?

12/08/2022 06:50
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Căn cứ chỉ tiêu và quy định về phân luồng học sinh sau trung học cơ sở thì việc 61 học sinh ở Lý Sơn không trúng tuyển lớp 10 là bình thường.

Lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”

Những ngày qua, nhiều phụ huynh, học sinh đã bày tỏ bức xúc khi 61 học sinh ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) không trúng tuyển vào lớp 10 trường trung học phổ thông Lý Sơn.

Năm học 2022-2023, số thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 Trường trung học phổ thông Lý Sơn cao hơn so với chỉ tiêu được giao. Ảnh: Website nhà trường.

Năm học 2022-2023, số thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 Trường trung học phổ thông Lý Sơn cao hơn so với chỉ tiêu được giao. Ảnh: Website nhà trường.

Số học sinh này sẽ không biết “đi đâu, về đâu” khi trên đảo này chỉ có một trường trung học phổ thông công lập duy nhất, không có cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng như không có trung tâm giáo dục thường xuyên.

“Muốn học tiếp trung học phổ thông, các em này chỉ có một con đường là vào đất liền học tại các trường ngoài công lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên. Nhưng như vậy thì quá khó khăn cho bản thân các học sinh này và gia đình các em khi phải trọ học xa nhà”, cô N. (một giáo viên trung học cơ sở ở Lý Sơn) cho hay.

Theo tìm hiểu thì nếu như các năm về trước, trường trung học phổ thông Lý Sơn không tổ chức thi tuyển sinh mà tiến hành xét tuyển dựa trên số chỉ tiêu được giao. Theo đó, hầu hết học sinh ở trên đảo này đều được tuyển vào lớp 10.

Tuy nhiên, đến năm học 2022-2023, nhà trường được giao chỉ tiêu 249 học sinh vào lớp 10. Trong khi tổng số học sinh đăng ký dự thi là 310 em. Kết quả tuyển sinh thì có 61 em trượt lớp 10 công lập.

“Ở đảo thì không có trường ngoài công lập, không có trung tâm giáo dục thường xuyên, không có trường dạy nghề thì con em chúng tôi học ở đâu? Các cháu còn nhỏ, nếu vào đất liền để học thì điều kiện gia đình không kham nổi.

Lý Sơn là một huyện đảo, nằm xa đất liền. Vậy tại sao phải tổ chức thi tuyển mà không xét tuyển như mọi năm để các em được vào học trung học phổ thông”, một phụ huynh cho hay.

Phương án nào cho 61 học sinh "rớt" lớp 10

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 11/8, ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong vấn đề này, Sở Giáo dục phải căn cứ trên các văn bản quy định hiện hành của pháp luật cũng như các văn bản, chỉ đạo của tỉnh để thực hiện.

"Dư luận đặt vấn đề là vì sao những năm trước không thi vào lớp 10 mà năm nay lại tổ chức thi? Bở vì nó có yếu tố khách quan là năm nay tỷ lệ học sinh đăng ký vào lớp 10 cao hơn nhiều so với chỉ tiêu được giao.

Ví dụ, những năm trước, trường trung học phổ thông Lý Sơn được giao chỉ tiêu 100 em thì khi đăng ký chỉ dôi ra tầm 105-110 em thôi.

Cho nên không nhất thiết phải tổ chức thi mà chỉ tổ chức xét tuyển. Tuy nhiên, việc xét tuyển không có nghĩa là không có thí sinh không được vào công lập. Một số em trượt xuống thì vẫn đi học giáo dục thường xuyên hoặc đi học nghề là điều bình thường”.

Ông Thái lý giải tiếp, còn vì sao năm nay phải thi là vì căn cứ số lượng đầu vào (cao hơn so với chỉ tiêu được giao) nên để đảm bảo công bằng, khách quan thì phải thi tuyển.

Còn nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ trượt lớp 10 công lập ở Lý Sơn cao hơn so với đất liền là điều không bình thường, ông Thái cho rằng, phải căn cứ vào chỉ tiêu để tính toán.

Trong đó, căn cứ vào Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị cũng như kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh là phải phân luồng học sinh từ bậc trung học cơ sở theo tỷ lệ 7-3 (tức là 70% học tiếp và 30% học nghề).

“Chúng ta căn cứ trên nhu cầu, số liệu như vậy để tính toán ngân sách dành cho giáo dục (từ biên chế giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp…). Mục đích phân luồng để tạo điều kiện cho các em đi học nghề”, ông Thái nói.

Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị dạy học rồi giáo viên ở Trường trung học phổ thông Lý Sơn “dư sức” nhận thêm 61 trường hợp thí sinh này vào học tại trường. Ông Thái nói rằng, điều này không đúng bởi có hai lý do chính.

“Thứ nhất, trong trường phổ thông không có hệ giáo dục thường xuyên. Về mặt chuyên môn thì giáo dục thường xuyên sẽ có ít môn hơn, số tiết học cũng giảm rất nhiều so với giáo dục phổ thông.

Thứ hai, tư cách pháp nhân để sau này các em ký học bạ, rồi thi tốt nghiệp, xét học bạ vào các trường cao đẳng, đại học… sẽ như thế nào?

Không có chuyện các em học hệ thường xuyên mà học bạ lại do một ông Hiệu trưởng trường trung học phổ thông ký, đóng dấu vào đó được. Như vậy là sai quy định.

Còn cơ sở vật chất của trường trung học phổ thông Lý Sơn thì trường này đang xuống cấp, dù được tỉnh phê duyệt vốn đầu tư nhưng đến nay chưa triển khai. Lộ trình xây dựng phải từ năm học 2023-2024 trở đi.

Điển hình là trong 2 năm nay, chúng tôi không thể sử dụng nhà trường để tổ chức thi trung học phổ thông mà phải mượn trường trung học cơ sở để làm địa điểm thi".

Ông Thái nói tiếp, về đội ngũ giáo viên theo điều lệ trường phổ thông thì tỷ lệ 1,725 giáo viên/lớp mới đáp ứng yêu cầu trong khi ở Lý Sơn mới chỉ đạt hơn 1,01 giáo viên/lớp. Đội ngũ giáo viên đang thiếu mà nếu đưa vào thêm 61 em này vào thì phải bố trí 2 lớp. Lúc đó, thứ nhất là phải tăng giáo viên. Nếu không thì phải tăng giờ dạy, giảm số tiết, trả thù lao cho những giáo viên này. Vì họ dạy ngoài chế độ định mức.

"Chúng tôi đã rà soát tất cả các quy định thì không có quy định đặc thù nào ưu tiên cho các huyện đảo hay khu vực miền núi về tỷ lệ % học sinh học nghề hay tiếp tục học lên trung học phổ thông (khi phân luồng). Nên Sở cũng không thể tự ý thay đổi được.

Nếu Ủy ban nhân dân tỉnh hay Tỉnh ủy có ý kiến chỉ đạo có cơ chế đặc thù thì Sở giáo dục mới dám tuyển 80-90% hay thậm chí 100% học sinh huyện đảo vào học trung học phổ thông.

Còn nếu chưa có ý kiến của các cơ quan chức năng có thẩm quyền thì Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào các quy định hiện hành để thực hiện việc phân luồng này”, ông Thái khẳng định.

Về phương án học tập của 61 học sinh này thì ông Thái cho biết, hiện Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn đã có văn bản gửi Sở thống nhất giao cho huyện phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh để mở lớp giáo dục thường xuyên ngay tại đảo.

“Về trung tâm giáo dục thường xuyên ở trên đảo Lý Sơn thì đã giải thể rồi nhưng cơ sở vật chất còn khá tốt. Địa điểm học do Ủy ban nhân dân huyện quyết định. Còn phối hợp giáo viên như thế nào thì có một số cách.

Có thể huy động giáo viên từ Trung tâm giáo dục thường xuyên ra dạy hoặc hợp đồng với giáo viên trường trung học phổ thông Lý Sơn đến dạy có trả chi phí.

Giáo viên sẽ cân đối để vừa hoàn thành ở trường trung học phổ thông Lý Sơn vừa hỗ trợ thêm cho trung tâm giáo dục thường xuyên”, ông Thái nói thêm.

AN NGUYÊN