Cách đây 70 năm (15/10/1949), bài viết của Bác Hồ với tựa đề “Dân vận” được đăng trên báo Sự thật với bút danh XYZ.
Bài viết gợi mở vô cùng sâu sắc những nhận thức mới về vai trò của dân, về tầm quan trọng của công tác dân vận, chỉ rõ cho mỗi cán bộ, đảng viên về phương pháp, cách thức dân vận, nêu lên những yêu cầu phải thực hiện sao cho công tác dân vận đạt được kết quả, hiệu quả thiết thực nhất.
Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo – nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, giá trị nổi bật trong tác phẩm Dân vận đó là Bác đã tóm tắt lý luận về dân chủ.
Đây là cơ sở lý luận của vấn đề dân vận, mà điểm quan trọng nhất là coi dân là chủ thể, lợi ích, quyền lực, quyền hành đều thuộc về nơi dân. Dân ủy quyền cho Đảng và Nhà nước để thực hiện việc xây dựng chế độ, phục vụ cuộc sống của nhân dân.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo. |
Người còn đưa ra một nhận thức mới về dân vận, trong đó dân vận là việc của toàn Đảng, toàn dân, của cán bộ, đảng viên, công chức, các đoàn thể hội viên trong tổ chức chính trị.
Phương châm và nguyên tắc làm dân vận, đó là thực hiện cho được quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng nhân dân và phải dựa trên ý kiến của nhân dân, tăng cường công tác giải thích, vận động, tuyên truyền để dân hiểu, dân tin và dân hành động.
“Công thức nổi bật trong tác phẩm Dân vận là: Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm, tạo nên phong cách khoa học, là nghệ thuật về công tác dân vận. 70 năm đã trôi qua, những giá trị đó mãi mãi bền vững cùng thời gian” – Giáo sư Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công |
Trong công cuộc đổi mới, thực hiện lời dạy của Người, nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân vận, về đại đoàn kết toàn dân... được Đảng, Nhà nước ta xây dựng, ngày càng hoàn thiện phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.
Công tác dân vận đã chú trọng thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thông qua cơ chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” và cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, đã giải quyết kịp thời, có hiệu quả những nhu cầu chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, chưa có tác phong làm dân vận.
Một bộ phận cán bộ có biểu hiện quan liêu hách dịch, xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng nhân dân, không lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân, phai nhạt lý tưởng, suy thoái về đạo đức, lối sống.
Cũng có những cán bộ thiếu kiến thức lý luận, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng vận dụng phương pháp tuyên truyền vận động nhân dân.
Một số cấp ủy Đảng phạm phải sai lầm trong công tác dân vận, như vi phạm nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, vi phạm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, bao che cho cán bộ vi phạm nhằm mưu lợi cá nhân và lợi ích nhóm, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. |
Để công tác vận động nhân dân đạt hiệu quả, theo ông Nguyễn Xuân Thắng, cán bộ làm công tác dân vận phải trang bị trình độ học vấn, chuyên môn, kiến thức về khoa học lãnh đạo, quản lý, nâng cao dự báo, tổng kết thực tiễn, đồng thời có khả năng tuyên truyền, vận động, giáo dục thuyết phục nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
“Theo chỉ dạy của Bác, muốn làm tốt công tác dân vận, người cán bộ phải: “Tự mình hiểu rõ 100% chính sách ấy; Hiểu rõ dân 100%; Có kế hoạch dân vận thật rõ ràng, thật thiết thực; Tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính; làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì mọi người dân mới nghe; Làm việc với tinh thần thi đua ái quốc” – ông Nguyễn Xuân Thắng nói và nhấn mạnh, cùng với việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ biết làm dân vận khéo, phải sàng lọc những người thiếu năng lực, yếu kém về phẩm chất đạo đức ra khỏi đội ngũ cán bộ.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo cũng cho rằng, khi trình độ dân trí ngày càng nâng cao, những đòi hỏi về quyền và lợi ích của nhân dân ngày càng sâu sắc hơn thì phải rất chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận thực sự nắm vững khoa học, công tác dân vận theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cùng với việc chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, một yêu cầu khác đặt ra là phải luôn chú trọng tiếng nói của người dân từ cơ sở, tăng cường đại đoàn kết, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, quan liêu để thực hiện cho được lợi ích chính đáng của người dân, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng.