Hiệu phó kêu oan và hành trình khổ nhục đi tố cáo tiêu cực

04/03/2019 06:29
TẤN TÀI
(GDVN) - "Pháp luật quy định bảo mật và giữ quyền lợi cho người tố cáo tiêu cực và khi xác định có tiêu cực thì phải khen thưởng người chống tiêu cực".

Đó là chia sẻ của cô Phạm Thị Ngọc Thảo (nguyên là Hiệu phó Trường mầm non Tuổi Ngọc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) sau khi nhận bản cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố cô về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” với mức khung hình phạt từ 1-6 năm tù.

“Sao không bảo vệ người tố cáo tiêu cực?”

Theo trình bày của cô Thảo, từ trước thời điểm Thanh tra quận, Công an quận vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ các sai phạm tài chính tại trường mầm non Tuổi Ngọc thì cô cùng các đồng nghiệp khác đã có rất nhiều đơn thư trình bày, tố cáo sai phạm của bà Ngô Thị Hòa (Hiệu trưởng nhà trường thời điểm đó).

Cô Thảo là một trong những giáo viên đã đấu tranh tố cáo tiêu cực xảy ra tại trường mầm non Tuổi Ngọc từ những ngày đầu. Ảnh: TT
Cô Thảo là một trong những giáo viên đã đấu tranh tố cáo tiêu cực xảy ra tại trường mầm non Tuổi Ngọc từ những ngày đầu. Ảnh: TT

Trong bản báo cáo “về một số việc làm có hành vi sai trái của Hiệu trưởng trường mầm non Tuổi Ngọc” tháng 5/2016, gửi Công đoàn giáo dục quận và phòng Giáo dục quận Liên Chiểu do cô Thảo cùng hai giáo viên khác đứng đơn đã trình bày khá cặn kẽ những sai phạm trong nhà trường.

Hầu hết, các sai phạm này đều được chỉ ra tại bản Kết luận của Thanh tra quận Liên Chiểu tháng 12/2016 và Kết luận điều tra của công an Liên Chiểu tháng 7/2018.

Trong bản báo cáo này, cô Thảo cũng đã chủ động trình báo việc cắt xén bữa ăn sáng của học sinh do cô Hòa ra lệnh. Bản thân cô Thảo xác định việc làm của cô Hòa là sai trái nên không thể tiếp tục thực hiện công việc.

Hiệu trưởng bị bắt, Hiệu phó bị khởi tố kêu oan

Ngoài ra, báo cáo này cũng nêu các sai phạm khác như: quản lý tiền ăn trưa tại trường, quản lý tiền năng khiếu, công tác bình xét thi đua không công bằng…

Cô Thảo cho biết, sau khi gửi bản báo cáo này mà không có sự phản hồi rõ ràng, giải quyết dứt điểm nên cô cũng như một số giáo viên khác thường xuyên bị cô Hòa trù dập.

“Mâu thuẫn trong quan điểm giải quyết công việc của tôi và Hiệu trưởng xảy ra trong năm học 2015-2016 là rất lớn, rất nghiêm trọng.

Sự việc này xảy ra có rất nhiều giáo viên, nhân viên trong trường đều biết và những người cũng lâm vào tình trạng như tôi, sẵn sàng nhân chứng cho tôi trước tòa”, cô Thảo nói.

Sau khi cô Thảo có những phản ứng với việc làm của Hiệu trưởng, cô bị “cắt” hết các công việc liên quan đến công tác bán trú để giao cho người khác làm.

Theo giấy xác nhận làm chứng trước tòa (văn bản) của cô Lê Hồng Y Nữ Tiên Nhi (nhân viên y tế trường) thì từ tháng 5/2016, cô Thảo đã nhiều lần yêu cầu bà Hòa công khai các khoản thu chi tài chính liên quan đến suất ăn sáng của trẻ.

Và yêu cầu bà Hiệu trưởng giải thích tại sao lại không trả lại tiền ăn sáng cho trẻ như cam kết ban đầu…

Tại các cuộc họp sau đó, cô Tiên Nhi cũng xác nhận sự việc mâu thuẫn giữa cô Thảo và bà Hòa. Trong đó, bà Hòa nói trước cuộc họp rằng: “cô Thảo không có quyền hỏi tôi về tài chính, đó không phải là nhiệm vụ của cô Thảo”.

Sau một thời gian đấu tranh của giáo viên, nhân viên nhà trường, cơ quan chức năng đã phải vào cuộc để làm rõ các sai phạm của bà Hòa. Và các kết luận của cơ quan chức năng cũng xác định những tố cáo đó là có cơ sở, đúng với sự việc diễn ra.

Khởi tố, bắt tạm giam Hiệu trưởng bỏ túi tiền ăn, tiền sữa của học sinh

“Trong khi tôi là người đi tố cáo tiêu cực, đưa ra các bằng chứng sai phạm của cô Hòa thì lại bị khởi tố, truy tố với vai trò đồng phạm, giúp sức cho cô Hòa.

Viện kiểm sát kết luận những người giúp sức tích cực cho bà Hòa đều có hưởng lợi bằng tiền (Lan hưởng lợi số tiền 9,9 triệu đồng, Út hưởng lợi số tiền 5,6 triệu đồng – phóng viên), còn tôi không có hưởng lợi gì.

Tôi không phải là người đồng phạm hay giúp sức cho những hành vi sai phạm của cô Hòa như nhận định của các cơ quan tố tụng.

Đáng lẽ, khi cơ quan chức năng đi tìm hiểu thông tin về tiêu cực, sai phạm thì phải bảo mật và giữ quyền lợi của người tố cáo tiêu cực. Và khi xác định có tiêu cực như những gì các giáo viên tố cáo thì phải khen thưởng người chống tiêu cực. Đằng này, người tố cáo lại bị khởi tố…”, cô Thảo cho hay.

Suy sụp khi bị khởi tố

Hiện vụ án đã được chuyển sang Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu để đưa ra xét xử theo quy định. Trong đó, bà Ngô Thị Hòa đang bị tạm giam, cô Thảo cùng hai bị can khác bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú”.

Đơn thư cầu cứu của cô Thảo gửi đến các cơ quan chức năng. Ảnh: TT
Đơn thư cầu cứu của cô Thảo gửi đến các cơ quan chức năng. Ảnh: TT

Những ngày này, trong khi chờ phiên tòa sơ thẩm thì cô Thảo vẫn đến trường làm các công việc do Hiệu trưởng mới phân công.

“Ban đầu, tôi rất hoang mang và sốc khi nhận quyết định khởi tố của cơ quan công an. Thời điểm đó, tôi cũng vừa mới sinh nhưng giống như bị trầm cảm, mất hết niềm tin.

Vì sự việc này mình không phải là người dính líu, liên quan mà là người đi tố cáo tiêu cực”, cô Thảo chia sẻ.

Tố cáo Hiệu trưởng tiêu cực, Hiệu phó bị khởi tố vì đồng phạm, giúp sức

Sau khi có bản kết luận của cơ quan công an, cô Thảo bị đình chỉ hết chức vụ, tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng, cắt giảm tiền lương... Cô đã nộp đơn kêu oan, cầu cứu đến nhiều cơ quan chức năng.

“Khi mình đi làm lại thì cảm thấy danh dự bị tổn thương. Giáo viên trong trường lại nhìn vào mình bằng một ánh mắt khác. Điều đó khiến tôi rất buồn tủi.

Tôi là một người mẹ vừa mới sinh con xong, sức khỏe đã bị suy giảm nhiều, lại phải chịu quá nhiều áp lực oan ức như vậy nên tinh thần lẫn sức khỏe rất suy sụp.

Sự việc oan sai của tôi không những ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đế các con nhỏ của tôi, ảnh hưởng xấu đến gia và người thân”.

(Còn nữa)

TẤN TÀI