Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ngày 21/6, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình, đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Hương (54 tuổi, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Hồng, Thành phố Thái Bình, Thái Bình) để điều tra, làm rõ hành vi “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 2, điều 221, Bộ luật Hình sự.
Đây không phải lần đầu tiên một Hiệu trường của một trường học công lập bị bắt vì liên quan đến việc thu chi tài chính trong trường học.
Không ít vị Hiệu trưởng đã vướng phải vòng lao lý bởi xa rời lý tưởng giáo dục và không cưỡng lại sự cám dỗ của đồng tiền.
Trước đó, ngày 10/5/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng đã chính thức thông báo việc ra Quyết định khởi tố bị can, triển khai Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Thu Thủy, nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Đặng Cương (Đặng Cương, An Dương, Hải Phòng)
Bị can Lê Thị Thu Thủy đã có hành vi: Lợi dụng chức vụ là Hiệu trưởng trường tiểu học Đặng Cương, từ năm học 2015-2016 đến đầu năm học 2016-2017.
Trong những năm học này, Lê Thị Thu Thủy tổ chức thu nhiều khoản đóng góp của cha mẹ học sinh mà chưa được phê duyệt của cơ quan quản lý cấp trên; không nộp vào tài khoản tiền gửi của Trường tại Kho bạc mà tự chi tiền mặt vào các hoạt động trái mục đích thu, không công khai, minh bạch theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vụ lợi cá nhân và gây thất thoát số tiền lớn phạm vào Điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999 nay là Điều 356 Bộ luật hình sự 2015.
Ngày 29/12/2017, cơ quan cảnh sát điều tra, công an thành phố Đà Nắng đã tiến hành bắt tạm giam bà Ngô Thị Hòa, nguyên Hiệu trường trường mầm non Tuổi Ngọc (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Bà Hòa bị bắt để làm rõ hành vi: "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, kết quả thanh tra của cơ quan chức năng cho thấy, tổng số tiền sai phạm của nhà trường lên đến 628,8 triệu đồng.
Đường vào tù của các hiệu trưởng sai phạm sẽ là bài học cho những người đang rời xa lý tưởng người thầy (Ảnh tổng hợp từ internet) |
Vào tháng 12/2017, cơ quan công an thành phố Đà Nẵng đã tiến hành bắt tạm giam bà Ngô Thị Hòa , nguyên Hiệu trường trường mầm non Tuổi Ngọc (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Theo kết quả thanh tra của các cơ quan chức năng, tổng số tiền sai phạm của nhà trường lên đến 628,8 triệu đồng.
Trong đó, bà Hòa lấy sử dụng cho mục đích cá nhân là 199,9 triệu đồng, số tiền còn lại sử dụng chi hoạt động nhà trường không đúng mục đích.
Cũng trong tháng 10/2017, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ (PC46, Công an tỉnh Hưng Yên) đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Quyên, nguyên hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, do nghi vấn có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; mua trái phép hóa đơn giá trị gia tăng.
Vào tháng 11/2017 Cơ quan cảnh sát điều tra, công an huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Hiệu trưởng là ông Nguyễn Đăng Vinh và Phó Hiệu trưởng là ông Vũ Đức Tuyến trường Phổ thông dân tộc bán trú ở xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái về tội tham ô tài sản.
Sau khi điều tra xác định ông Vinh và ông Tuyến đã bán 6 tấn gạo của học sinh để chi tiêu cá nhân.
Tổng số tiền bán gạo là 42 triệu đồng. Sau khi bị bắt để điều tra xử lý, hai người này đã nộp lại 38 triệu đồng
Sự việc được phát hiện vào ngày 10/ 11/2017. Việc bán gạo của 2 bị can đang diễn ra ở trường phổ thông dân tộc bán trú xã Bản Công thì bị cơ quan chức năng bắt quả tang.
Ngày 29/01/2016, Công an huyện Kon Chro, tỉnh Gia Lai đã bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trần Quốc Khải, nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Cao Bá Quát về hành vi tham ô tài sản.
Từ năm học 2010 đến năm học 2015, ông Trần Quốc Khải cùng một số nhân viên lập hồ sơ, chứng từ khống để biển thủ 137/980 triệu đồng tiền trợ cấp dành cho học sinh bán trú ở vùng đặc biệt khó khăn.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết liên quan đến vấn đề lạm thu trong trường học đã diễn ra nhiều năm nay và cho tới giờ chưa có bất kỳ một biện pháp thực sự nào hiệu quả để chặn đứng tình trạng này.
Nhiều nơi, phụ huynh đã phản ứng đến mức yêu cầu đình chỉ chức vụ của Hiệu trưởng, do quá bức xúc với nhiều khoản tiền phải nộp vào đầu năm học.
Với nhiều người quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì mỗi khoản thu “vài chục nghìn đồng” cho tới “vài triệu đồng” khi cộng dồn lại bỗng trở thành gánh nặng quá sức đối với họ.
Nhiều khoản thu vô lý khi bị phanh phui thường có chung một “kịch bản” là được gắn mác “tự nguyện” nhờ hội phụ huynh đứng ra thu hộ…
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội đã từng nói:
“Hiệu trưởng làm thực sự vì học sinh, vì nhà trường, không có tư lợi thì chắn chắn những gì thể hiện ra ngoài cũng sẽ rất đàng hoàng, minh bạch…”
Việc làm sai phạm từ những đồng tiền không vì học sinh, không vì sự nghiệp giáo dục sẽ bị trừng phạt nghiêm minh trước pháp luật.
Đường vào vòng lao lý của những cán bộ giáo dục này sẽ mãi là bài học cho những người đang sống bằng sự ảo tưởng, huyễn hoặc bản thân khi có chút quyền hành trong giáo dục đã coi khinh đạo lý làm thầy.
Cũng không ít người thầy, nhà giáo, người quản lý giáo dục có cách sống thực dụng và tự cho mình cái quyền trở thành ông “vua con” trong nhà trường, ở mọi cấp học.
Những tấm gường này vẫn là bài học cho những ai đang mượn nghề giáo để thực hiện những hành vi không đúng mực, vi phạm pháp luật, không vượt qua nổi sự cám dỗ của những đồng tiền sai trái.