Những chiêu lừa lòng tốt của mọi người để kiếm tiền

23/04/2013 22:12
Nguyễn Hậu
(GDVN) - Lợi dụng lòng tốt của người qua đường, khách tham quan, trên địa phận Hà Nội vẫn thường xuyên xuất hiện những người "giả khổ" để kiếm tiền trên lòng thương của mọi người...
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, những người ăn xin bây giờ không chỉ là người trẻ, trẻ em lang thang, người khuyết tật mà đã xuất hiện mọi lứa tuổi. Những người phụ nữ trung tuổi, những thanh niên trai tráng còn sung sức. Có một điều đặc biệt, nhiều người còn giả câm, giả điếc, giả động kinh để moi được tiền từ quan khách, người dân. 
Những điểm thu hút khách du lịch như hồ Hoàn Kiếm, phố Cổ, Hồ tây, các bến xe bus, xe khách là những nơi tập trung nhiều nhất những thành phần trên. Nguyễn Thị Thủy Tiên cho biết: "Có lần đang mải chụp ảnh với bạn bè tại hồ Hoàn Kiếm thì đột nhiên có một người đi tới và quỳ sụp xuống chân mình. Chưa định hình được tình huống, mình thấy hơi sợ. Họ vừa quỳ vừa nói và tay thì đưa cho mình mấy thanh kẹo.

Mình lấy trong túi sách ra 5000đ định đưa cho người ta thì họ nới hàng chỉ bán chứ không có nhận. Mình không hiểu ý, thấy bạn bè huých tay, họ muốn xin thêm tiền đấy. Mình ngớ người ra và định quay người đi luôn. Họ đứng lên và lôi người mình lại xin số tiền mình vẫn cầm trên tay. Thật không thể hiểu nổi, họ giả vờ như thật. Một lúc sau, đi được một vòng, mình vô tình thấy người đó đi lững thững và chuẩn bị mục tiêu tiếp theo". 
Không giống như trường hợp của Tiên, Từ Thị Nga sinh viên ĐH Sư Phạm Hà Nội bức xúc: " Nhìn thấy người nghèo khó hơn mình, bỏ ra số tiền ít ỏi để cho người ta cũng không phải là vấn đề. Nhưng mình đặc biệt không thích thái độ của những người ăn xin đó. Có lần đợi xe bus tại chung chuyển Cầu Giấy, có một em bé tầm 10-11 tuổi hứng mũ xin tiền. Lúc đó thật sự trong túi cũng chẳng còn tiền lẻ, mình lấy ra cho em 5000 đồng.

Một lúc sau, lại thấy em đó đứng trước mình và xin. Vì lúc trước đã cho rồi nên mình thôi. Nào ngờ con bé đó cứ đứng và chìa cái mũ ra. Mình nói vừa rồi chị đã cho em rồi. Khi con bé đó bước đi nó còn tặng cho mình một cái cười đểu. Lúc đó vừa tức và bực nữa, đúng là làm ơn mắc oán. Chẳng được lấy một câu cám ơn mà lại còn tỏ ý khinh khỉnh". Ở phía chung chuyển Cầu Giấy, gần ĐH giao thông vận tải có một số đối tượng hành nghề từ đó rất lâu. Và nó trở thành mông công việc cũng như bao nhiêu người khác. Sáng tầm 7h thấy nhóm người trẻ con có, người già có, phụ nữ, đàn ông có. Mỗi người đều có khu vực riêng của mình, đến khoảng 5h chiều thì nhóm người này lại lên xe bus mất hút. 
Đưa trẻ em ra đường để ăn xin, lừa lòng tôt của nhiều người
Đưa trẻ em ra đường để ăn xin, lừa lòng tôt của nhiều người
Đặc biệt trên đoạn chung chuyển Long Biên, có một thanh niên chuyên lừa tiền người đợi xe bus. Theo như một bác lái xe ôm cho biết: " Ngày ngày cậu thanh niên nó lảng vảng ở đây, cũng giả vờ như đang đợi xe bus. ban đầu thấy cậu ta ngồi cả sáng không thấy lên cái xe nào nên cũng hơi ngạc nhiên. Để ý mới biết cậu ta nói chuyện người bên cạnh.

 Cậu kể lể vừa bị mất hết đồ đạc, bây giờ không có tiền lên xe bus về nhà. Nhìn mặt mũi cũng sáng sủa, bảnh bao, có nhiều người tỏ ra thương tình và cho 5000 nghìn, 10 nghìn". Bác còn tâm sự thêm: " Nhìn nó bằng tuổi con tôi ở nhà, với vóc dáng như vậy có thể đi làm thêm, làm công nhân ở các công ty. Không hiểu sao cậu ta lại làm cái nghề mất mặt như thế này". 
Có rất nhiều người không chịu lao động, suốt ngày ỷ lại vào bạn bè, người thân xung quanh. Ăn xin là một nghề dành cho trẻ em lang thang, người già neo đơn không có sức lực lao động. Nhưng hiện đã có một số thành phần không chịu lao động cũng ngày ngày ngửa tay xin tiền người khác. Những con người này vừa làm mất mĩ quan đường phố Hà Nội.

Có thể khách du lịch trong và ngoài nước sau khi đến Hà Nội sẽ phải ngạc nhiên vì số lượng ăn xin ở Hà Nội nhiều vô kể. Những người thật sự nghèo khó người ta lại có lòng tự trọng, muốn kiếm ra số tiền chính trên đôi tay của mình. Còn những kẻ suốt ngày chỉ biết ngửa tay xin tiền thì không biết quý trọng đồng tiền và tiêu nó một cách hoang phí, vô bổ.
Nguyễn Hậu