Trong khi đang chờ cơ quan điều tra làm rõ việc có hay không những cá nhân đưa và nhận hối lộ trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La thì dư luận vẫn đang đoán già, đoán non về kết quả của sự việc.
Sự bất bình của nhiều tầng lớp nhân dân trong sự việc này là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi sự việc tiêu cực này đã làm mất niềm tin của họ vào giáo dục nước nhà.
Vì thế, để làm “giảm nhiệt” sự việc này không có ai khác hơn là lãnh đạo của Bộ Giáo dục và các lãnh đạo chủ chốt của 3 địa phương này phải đứng ra chấn an dư luận.
Song, một vài phát biểu của lãnh đạo mới dừng lại ở việc sẽ xử lý nghiêm những người vi phạm…rồi thôi.
Các Trưởng ban chỉ đạo nên đứng ra nhận trách nhiệm trước nhân dân (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet) |
Thực tế, ai cũng biết, sự việc tiêu cực của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về những Trưởng ban chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và 3 Phó Chủ tịch tỉnh của 3 địa phương này.
Vì thế, người tháo “ngòi nổ” dư luận không ai khác vẫn là những cá nhân này mà thôi. Nhưng, dư luận vẫn chưa thấy những lãnh đạo này nhận trách nhiệm về kỳ thi mà do bản thân mình phụ trách.
Những chia sẻ với các phương tiện thông tin đại chúng vẫn là những lời trịnh thượng hướng vào những người đã bị khởi tố nhưng lại bỏ qua vai trò của mình phụ trách.
Với 222 thí sinh được xác định là do một số các cán bộ của các Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng Sở sửa điểm.
Trong đó, Bộ Công an đã trả về cho Hòa Bình và Sơn La là 53 thí sinh, Bộ Quốc phòng trả 7 thí sinh. Như vậy, chỉ riêng 2 ngành này đã có 60 thí sinh được trả về, đó là chưa kể còn một số thí sinh vẫn đang tiếp tục học tập vì đủ điểm chuẩn.
Ngoài ra, một số trường dân sự cũng đã buộc thôi học với một số thí sinh đã được xác định là gian lận điểm và vẫn còn hàng chục thí sinh khác không biết đang “trôi dạt” ở các trường đại học nào?
Không thể hay không muốn xử lý phụ huynh có con gian lận điểm? |
Sự việc này rất nghiêm trọng bởi nó đã khoét sâu thêm những nỗi đau cho ngành giáo dục. Làm cho ngành giáo dục chìm nghỉm cho dù tring năm qua ngành đã đạt được nhiều thành quả rất khả quan.
Bởi, vụ tiêu cực này lớn nhất trong các vụ tiêu cực của một kỳ thi từ trước đến nay đã được phát hiện. Đã có 17 nhà giáo bị khởi tố, bắt giam để điều tra sự việc. Đây cũng là vụ án có số nhà giáo bị khởi tố nhiều nhất.
Xã hội mất niềm tin vào giáo dục bởi kỳ thi quốc gia đã bị phá hỏng, gây nên những bức xúc cho toàn xã hội.
Nhưng, dù sao chúng ta cũng đã chặn được sự “di dân” của một bộ phận con quan chức ở 3 địa phương này “tiến vào” các trường đại học uy tín của cả nước.
Điều còn lại là sự chán chường, mất niềm tin vào những phụ huynh có con vướng vào vụ việc gian lận điểm. Bởi, đa phần họ lại những người lãnh đạo của nhiều ban ngành trong tỉnh. Trong đó có những người đang có những vị thế rất lớn ở địa phương.
Vẫn biết, sự việc tiêu cực năm 2018 đã bị chặn lại nhưng ai có thể tin rằng những phụ huynh này sẽ ngồi im để con mình tự “vượt vũ môn” trong các năm tiếp theo nếu họ không bị xử lý?
Bởi với trình độ và khả năng ấy, liệu các thí sinh này có đủ khả năng và tự tin để tự “làm lại cuộc đời” chân chính hay không?
Trong khi, cha mẹ các em vẫn tiếp tục ngồi ở vị trí cũ, vẫn là những người lãnh đạo ở địa phương và ở các ban ngành và các em vẫn tiếp tục tham gia ở kỳ thi tới?
Nếu như các cơ quan điều tra làm rõ được tội đưa và nhận hối lộ của phụ huynh thì mới có thể quy trách nhiệm cho phụ huynh được.
Nên có một lời xin lỗi về tiêu cực ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 |
Nhưng, nếu 222 thí sinh này “bị” các lãnh đạo ngành giáo dục của địa phương “gắp điểm bỏ tay người” để làm hại “uy tín” cha mẹ các em thì sao?
Vì thế, dư luận mong chờ là những phụ huynh này sẽ được đưa ra ánh sáng một cách rõ ràng nhất.
Không phải bỗng nhiên mà bị can Đỗ Mạnh Tuấn, Phó hiệu trưởng trường Trung học phổ thông – Trung học cơ sở Lạc Thủy (Hòa Bình) khai với cơ quan an ninh là đã nhận 550 triệu đồng từ việc nâng điểm cho thí sinh trong năm 2018 vừa qua.
Điều dư luận mong chờ nhất bây giờ không phải là xử lý các nhà giáo, các công an vướng vào vụ việc này ra sao. Bởi, họ đã bị khởi tố và họ đang phải trả giá cho những việc làm phi pháp của mình.
Điều mong muốn nhất là những phụ huynh của của 222 thí sinh ở 3 tỉnh này sẽ bị xử lý ra sao, ứng xử như thế nào với xã hội.
Nếu như họ “vô can” thì đó là chuyện “ném đá ao bèo” rồi rơi vào cõi thinh không theo thời gian. Vì thế, dư luận mong chờ là các cơ quan chức năng mà đặc biệt là cơ quan điều tra nên “tát ao bắt cá” mới trị tận gốc mầm mống tiêu cực.
Trong lúc chờ đợi, trong lúc mà dư luận đang nóng hơn bao giờ hết thì có lẽ cá nhân Bộ trưởng Giáo dục, các Phó chủ tịch tỉnh là Trưởng ban chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia cũng cần lên tiếng thể hiện sự cầu thị, trách nhiệm nhằm chấn an dư luận.
Dù cho các vị trong sạch, dù cho các vị không dính dáng gì đến tiêu cực nhưng kỳ thi năm 2018 là do các vị lãnh đạo, chủ trì kỳ thi!