Công đoàn bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên được không?

04/02/2019 07:00
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Đó là câu hỏi, không cần câu trả lời, nhưng ai cũng biết, đặc biệt giáo viên càng biết.

LTS: Bàn về vai trò của Công đoàn trong nhà trường, thầy giáo Sơn Quang Huyến đưa ra những kiến nghị để có thể bảo vệ quyền lợi của giáo viên.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vậy Công đoàn, anh là ai? 

Theo định nghĩa tại Điều 1 của Luật Công đoàn 2012, Công Đoàn là tổ chức Chính trị - Xã hội, đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và người lao động; tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Đồng thời, tổ chức này cũng có trách nhiệm tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật.

Thành viên của công đoàn là những người lao động Việt Nam làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam khóa XV (nhiệm kỳ 2018-2023). Ảnh: Moet.gov.vn
Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam khóa XV (nhiệm kỳ 2018-2023). Ảnh: Moet.gov.vn

Công đoàn trong trường học, là của ai? 

Một thực tế, giáo viên công tác trường nào, mặc nhiên là thành viên công đoàn trường đó, không cần kết nạp, dù mới trúng tuyển; không cần giới thiệu, dù mới luân chuyển từ nơi khác đến. 

Ban chấp hành công đoàn, thường được cơ cấu qua các cuộc họp chi bộ, trước khi đại hội bầu ban chấp hành công đoàn mới. 

Trong trường học hiện nay, hiệu trưởng là Bí thư chi bộ, phó bí thư hay hiệu phó thường được cơ cấu là Chủ tịch công đoàn. 

Cơ cấu này giúp giảm chức danh kiêm nhiệm, giảm số giờ tiêu chuẩn cho hiệu phó; ngoài ra hiệu phó đã được bồi dưỡng về quản lý, nên hiểu biết pháp luật hơn!

Tiếng nói của công đoàn có giá trị không? 

Công đoàn bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên được không? ảnh 2Thầy giáo làm đơn xin ra khỏi công đoàn nhà trường

Thật ra, có giá trị hay không là quyền của “người nghe, muốn nghe”, không phụ thuộc vào lời đó đúng hay sai, trung thực hay không trung thực. 

Chính đáng hay không, tùy góc nhìn của mỗi người, nếu nhìn từ vị trí quản lý, mỗi người hy sinh vì tập thể “mình vì mọi người”.

Công đoàn thường phải đứng nhìn ở góc này! Công đoàn không còn là … của người lao động! 

Thực chất hoạt động công đoàn, trong trường học là gì? 

Vai trò, vị trí của công đoàn trong trường học về lý thuyết vô cùng quan trọng; nhưng thực chất hoạt động của nó chỉ là thu đoàn phí, thăm hỏi giáo viên khi có việc hiếu, hỉ; tổ chức các hoạt động ngày phụ nữ Việt Nam, ngày quốc tế phụ nữ, liên hoan sơ kết, tổng kết, du lịch … vậy thôi. 

Công đoàn đã bảo vệ quyền lợi cho giáo viên như thế nào?

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động là một trong ba chức năng của tổ chức công đoàn.

Tuy nhiên, ở các công đoàn cơ sở giáo dục, việc bảo vệ người lao động hầu như không thực hiện được.  

Quay trở lại vụ cô giáo Nguyễn Thị Tân (sinh năm 1973) hiện là giáo viên Trường Tiểu học Lý Tự Trọng thành phố Buôn Ma Thuột – 110 Nơ Trang Gưh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lăk, có đơn gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lăk, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Buôn Ma Thuột để xin ra khỏi tổ chức Công đoàn.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị đảm bảo quyền lợi cho 434 giáo viên Hà Nội 

Chính người trong cuộc, đã đề nghị công đoàn bảo vệ quyền lợi của mình nhưng bất lực. Người làm công tác công đoàn cũng ngại va chạm, né tránh, sợ ảnh hưởng đến mình.

Một vụ việc đơn lẻ, nhưng nó phản ánh thực chất vai trò, vị trí, hoạt động của một tổ chức chính trị - xã hội trong trường học. Một tổ chức đúng ra phải là niềm tin, chỗ dựa của người lao động.

Giải pháp nào cho tình trạng này? 

Các công đoàn viên phải có chính kiến, lựa chọn người có năng lực, chính trực, bầu làm ban chấp hành công đoàn. Ý thức được lá phiếu của mình, đang bầu chọn người bảo vệ mình, đại diện cho mình. 

Liên đoàn lao động cần có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, đạo đức cách mạng cho cán bộ công đoàn. 

Cần thay đổi tư duy, công đoàn vững mạnh không phải là công đoàn không có khiếu nại, tố cáo; công đoàn vững mạnh phải là công đoàn bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi có khiếu nại, tố cáo.

Khiếu nại, tố cáo là một phần tất yếu trong hoạt động của xã hội, của công đoàn.  

Để công đoàn trường học bảo vệ được người lao động, các cơ quan Nhà nước phải quan tâm giám sát việc triển khai những quy định của Luật Công đoàn, bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở.

Tài liệu tham khảo: 

https://luatvietnam.vn/lao-dong/luat-cong-doan-2012-71694-d1.html#noidung

http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Vi-sao-co-giao-Tan-viet-don-xin-ra-khoi-Cong-doan-post195371.gd

Sơn Quang Huyến