Bài viết “Vì sao cô giáo Tân viết đơn xin ra khỏi Công đoàn?” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam của tác giả Phan Tuyết đã nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi của độc giả mà trong số đó là phần lớn của các thầy cô giáo đang công tác trong ngành giáo dục.
Công đoàn vì lợi ích đoàn viên (Caobang.gov.vn) |
Đọc những ý kiến ấy, một thực tế buồn đã hiển hiện trước mắt vai trò của tổ chức công đoàn trong nhà trường hiện nay đang đi ngược với mục tiêu “Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động” để chạy theo bảo vệ quyền, lợi ích cho Ban giám hiệu nhà trường.
Những ý kiến bạn đọc đáng suy ngẫm
Bạn Phan Tiến nói rằng “Có lẽ trong giáo dục nên bỏ tổ chức công đoàn vì mình thấy hiện nay công đoàn trong ngành hoạt động không hiệu quả.
Lãnh đạo công đoàn toàn làm theo sự chỉ đạo của cấp trên mà không dám đứng ra bảo vệ cho người lao động.
Công đoàn hoạt động chủ yếu là để thăm hỏi ốm đau là chính. Việc này không cần công đoàn thì có tập thể cơ quan làm cũng được”.
Bạn Tô Minh Vương khẳng định “Tôi cũng từng làm công đoàn nhiều năm và có cả kỷ niệm chương vì sự nghiệp công đoàn.
Nhưng công đoàn nhà trường bây giờ rất tệ không bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng cho công đoàn viên mà cấu kết với nhà trường để hãm hại họ.
Tôi cũng là nạn nhân. Không chỉ mình tôi mà còn rất nhiều nạn nhân khác”.
Bạn Văn Tài Liệu nhận xét “Công đoàn mặc dù là tổ chức để bảo vệ người lao động, tồn tại song song với Ban giám hiệu quản lí người lao động.
Tuy nhiên, về mặt Đảng, hiệu trưởng là Bí thư, hiệu phó là Phó bí thư Chi bộ nên Chủ tịch công đoàn lại phải nghe theo sự chỉ đạo của Bí thư, Phó bí thư. Vì thế, dù muốn công đoàn cũng không thể trái lệnh”.
Bạn Thùy Châu chia sẻ chính câu chuyện của cá nhân mình “Tôi làm công đoàn và đang còn nhiệm kỳ mà các sếp trong trường hùa nhau trù dập đưa tôi sang trường khác làm giáo viên bình thường.
Lý do, trong quá trình kiêm nhiệm tôi luôn bảo vệ quyền lợi cho người lao động và dám lên tiếng phản ảnh những tiêu cực trong nhà trường. Liên đoàn lao động quận cũng không bảo vệ được cho tôi”.
Bạn đọc Cao Xuân Tuyên cũng cùng chung nhận định “Vai trò của công đoàn trong nhà trường chủ yếu là đi thăm người ốm là chính.
Còn việc bảo vệ quyền lợi người lao động thì không thể vì ngay khi bản thân Chủ tịch công đoàn còn đang lo chỗ đứng của mình và dưới quyền... thì bảo vệ được ai?”
Thực tế ở trường học thì sao?
Những ý kiến trên được ghi nhận sau bài viết về việc cô giáo Tân ở Đắk Lăk bị Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột điều chuyển sai nguyên tắc, bị chính hiệu trưởng nhà trường nơi cô giảng dạy trù dập (trong 6 năm liền) bằng việc không xếp loại (hoặc xếp loại trung bình) trong thi đua chỉ vì dám đấu tranh.
Thế nhưng, Công đoàn Trường Tiểu học Lý Tự Trọng không bảo vệ cô mà còn gây khó dễ trong công tác chuyên môn khiến cuộc sống của cô vốn khốn khổ lại càng thêm điêu đứng.
Đây không phải là trường hợp duy nhất giáo viên bức xúc viết đơn xin ra khỏi tổ chức công đoàn.
Trước đó, thầy Đặng Minh Thống – giáo viên bộ môn Tin học của Trường Trung học phổ thông Vĩnh Lộc (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh) cũng viết đơn xin ra khỏi công đoàn.
Thầy Thống cho rằng, việc tham gia công đoàn tại nhà trường chưa mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động.
Thầy Thống kể, nhiều lần lên tiếng yêu cầu nhà trường phải công khai minh bạch, báo cáo tài chính nhưng bị trù dập và công đoàn trường không đứng ra để bảo vệ.
Ngoài một số ý kiến tiêu biểu trích dẫn ở trên, còn hàng trăm ý kiến khác cũng cùng chung một nhận xét về vai trò lu mờ, sự bất lực của tổ chức công đoàn trong nhà trường.
Nguyên do của sự bất lực ấy?
Không ít ý kiến nhận xét rằng “Bản thân Chủ tịch công đoàn còn đang lo chỗ đứng của mình và dưới quyền Ban giám hiệu (chính là Bí thư và Phó bí thư) thì bảo vệ được ai?
Đã có không ít trường hợp chính Chủ tịch công đoàn nhà trường cũng bị trù dập đến te tua, bản thân mình cũng không bảo vệ được thì những công đoàn viên khác mong mỏi gì?
Lý do nào xảy ra tình trạng buồn như thế?
Về nguyên tắc, hiệu trưởng không chỉ đạo được công đoàn nhưng Bí thư lại chỉ đạo được. Bí thư Chi bộ nhà trường phải đến 99% là hiệu trưởng.
Bởi thế, khi bầu Chủ tịch công đoàn, các Bí thư Chi bộ đã nhắm người “dễ bảo, dễ sai và phe mình”. Thế nên công đoàn luôn bảo vệ hiệu trưởng là đương nhiên.
Phần nữa, dù là Chủ tịch công đoàn thì cũng chỉ được giảm trừ 3-4 tiết/tuần, mọi vấn đề khác cũng như một giáo viên bình thường.
Họ vẫn phải nịnh Ban giám hiệu để không bị làm khó trong công tác giảng dạy.
Đâu chỉ có thế, được lòng Ban giám hiệu còn được phân khối dạy vừa ý, lớp ngon (cả nghĩa đen và nghĩa bóng).
Chủ tịch công đoàn đang phải lo cho chính bản thân mình thì sao lại dám làm phật lòng ai?
Để công đoàn đứng về phía người lao động
Có được điều này khi và chỉ khi giáo viên nhà trường được quyền quyết định bầu ai làm công đoàn mà không bị cấp trên định hướng.
Công đoàn bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên được không? |
Bản thân người làm Chủ tịch công đoàn phải giỏi chuyên môn để không phải lo cho bản thân mình.
Đồng thời phải là người ngay thẳng, ghét thói a dua, xu nịnh, dám đấu tranh với những điều sai trái và chấp nhận sự hy sinh quyền lợi của mình.
Nếu thế, Chủ tịch công đoàn cần được giảm trừ ít nhất ½ tổng số tiết dạy, được biên chế vào tổ văn phòng như Ban giám hiệu và không phải thực hiện những nhiệm vụ của người giáo viên như phải dạy hội giảng, dự giờ, dạy kiểm tra chuyên đề, tay nghề, dạy dự thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi hàng năm…
Có thế, họ sẽ không bị những “nỗi sợ” đánh giá, xếp loại cột vào đầu.
Lúc đó, Chủ tịch mới đủ can đảm và dũng khí đứng về phía công đoàn viên và bảo vệ họ mà không sợ bản thân mình cũng bị trù dập.