Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14, vấn đề tham nhũng đất đai được nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra là một trong những vấn nạn tham nhũng nhức nhối nhất hiện nay.
Lý giải về vấn nạn tham nhũng này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Việc buông lỏng quản lý đất đai công sản là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Ngoài ra có nguyên nhân là do buông lỏng quản lý cán bộ”.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh quochoi.vn). |
Theo ông Lê Như Tiến: “Việc giao gần như toàn quyền cho người đứng đầu ở địa phương, cơ quan tổ chức, đơn vị trong quản lý đất đai nên họ có toàn quyền lợi dụng để xẻ đất đem bán.
Chính cơ chế quản lý như vậy đã biến đất cơ quan, đất nhà nước thành đất riêng của nhà mình”.
Một nguyên nhân nữa theo ông Lê Như Tiến là việc buông lỏng thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Các cơ quan nhà nước đều có cơ quan thanh tra, các cơ quan Đảng thì có cơ quan kiểm tra Đảng các cấp.
Ngoài ra Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cũng có chức năng giám sát.
Tuy nhiên, có nhiều cơ quan để giám sát, thanh tra nhưng thực tế không phát huy được như mong muốn.
Nếu có lỗi, cảm thấy hổ thẹn và không còn xứng đáng, ông Cang nên từ chức |
“Tôi cảm giác có vấn đề ở đây khi người đứng đầu các cơ quan hành chính, địa phương tự tung tự tác trong quản lý đất đai” – ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Minh chứng cho những nhận định của mình, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Ở Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và gần đây như Thủ Thiêm – Thành phố Hồ Chí Minh ngang nhiên bán đất.
Tôi thấy xót xa cho nhà nước và nhân dân mất đất. Cơ quan thì mất cán bộ do bị kỷ luật. Đà Nẵng một Bí thư Đảng, hai nguyên Chủ tịch thành phố bị kỷ luật.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Thường trực và nhiều cán bộ bị xem xét đề nghị kỷ luật.
Rõ ràng, nguyên nhân chính là kiểm soát quyền lực không tốt”.
Ông Lê Như Tiến nêu ý kiến: “Khi giao quyền cho người đứng đầu các cơ quan, ban ngành, tổ chức, đơn vị thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực.
Còn nếu buông lỏng kiểm soát quyền lực thì sẽ bị người đứng đầu thao túng quyền lực và dẫn tới bị tha hóa. Bởi, người có quyền thường lộng quyền, lạm quyền, chuyên quyền.
Vì thế, kiểm soát quyền lực vừa là nguyên nhân cũng là bài học đắt giá khi một loạt vụ vi phạm đất đai vừa qua được làm sáng tỏ.
Thậm chí, vì kiểm soát quyền lực yếu kém nên có nơi bản đồ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng rồi không biết đi đâu. Tại sao đến mức như vậy?
Có một hiện tượng, thu hồi đất thì đền bù giá rất rẻ nhưng đem bán thì giá đắt.
Cần xét động cơ, mục đích vi phạm của ông Cang vì cá nhân hay nhóm lợi ích? |
Có nơi là 18 triệu đồng/m2 trong khi doanh nghiệp bán ra thị trường là 350 triệu đồng/m2. Vậy tiền chênh lệnh đến gần 20 lần như vậy sẽ chảy vào đâu?
Từ thực trạng trên ta cần phải rút ra bài học tăng cường kiểm soát quyền lực. Trên thực tế, có nhiều cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm tra nhưng hiệu quả nhiều nơi đã bị vô hiệu hoàn toàn”.
Để hạn chế được tình trạng này, theo ông Lê Như Tiến: "Cần thiết phải công khai minh bạch các dự án để người dân biết, đặc biệt là đấu giá theo luật.
Việc không công khai đấu giá theo Luật Đấu thầu nên nhiều công trình được thực hiện theo chỉ định thầu và dẫn tới hiện tượng đi đêm.
Do đó, chừng nào chưa công khai minh bạch mà với cơ chế xin cho thì còn tình trạng thất thoát đất đai”.