Ngày 9/5, tại phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình, đồng thời đề nghị một số vấn đề cụ thể.
Quốc hội dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn
Về nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xin ý kiến về việc bổ sung Báo cáo của Chính phủ (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu) về tình hình và kết quả xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.
Phó Chủ tịch Quốc hội - ông Phùng Quốc Hiển phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn |
Đối với đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (tại văn bản số 299/TANDTC-TCCB ngày 3/5/2019) về bổ sung trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại kỳ họp thứ 7, sau khi xem xét điều kiện chuẩn bị, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào chương trình thì sẽ bố trí xen kẽ với các nội dung khác nên không làm tăng thời gian kỳ họp.
Giữ 2 nội dung trình Quốc hội (không lùi sang kỳ họp thứ 8) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; dự thảo Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể để bảo đảm lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Không bổ sung Báo cáo sơ kết nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV vì theo quy định, tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ, Quốc hội xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và thảo luận Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội. Hơn nữa, hằng năm, Quốc hội đều đã xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội.
Về bố trí chương trình kỳ họp, có ý kiến đề nghị một số vấn đề sau:
Bố trí thảo luận các nội dung (thay vì gửi đại biểu tự nghiên cứu): việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để đại biểu và cử tri theo dõi, giám sát.
Chuyển thời gian thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước từ sáng 21/5 sang sáng 23/5 để đại biểu có thời gian nghiên cứu tài liệu.
Giảm thời gian tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn từ 2,5 ngày xuống còn 2 ngày; tăng thời gian thảo luận đối với một số dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau.
Bố trí 1 buổi thảo luận ở tổ đối với mỗi dự án: Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; 01 ngày ở hội trường đối với mỗi dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Không bố trí nghe trình bày tờ trình, báo cáo dự án luật cho ý kiến lần đầu cùng với buổi thảo luận dự án luật trình Quốc hội thông qua. Đồng thời, bố trí riêng một buổi để nghe trình bày tờ trình, báo cáo của các dự thảo luật cho ý kiến lần đầu để tiện cho việc theo dõi, tra cứu của đại biểu.
Bố trí Quốc hội làm việc thêm 2 ngày thứ bảy (ngày 25/5 và 8/6) để dành thời gian thảo luận một số dự án luật có tác động rộng, còn nhiều ý kiến khác nhau.
Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, căn cứ tình hình thực tế và thời gian tiến hành kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến điều chỉnh thứ tự, thời điểm xem xét một số nội dung cho phù hợp, đồng thời đề nghị:
Giữ lượng thời gian như đã dự kiến về một số nội dung: 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn; 0,5 ngày ở hội trường/01 dự án, dự thảo.
Không bố trí thảo luận riêng mà kết hợp thảo luận cùng các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước các nội dung về: việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Không bố trí riêng một buổi chỉ nghe trình bày tờ trình, báo cáo mà bố trí việc trình bày và thảo luận ở tổ về dự án, dự thảo vào cùng một buổi (trước đây, chương trình kỳ họp đã bố trí một số buổi riêng nghe trình bày tờ trình, báo cáo nhưng đã có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không thực hiện như vậy mà bố trí xen kẽ với nội dung thảo luận cho sôi nổi).
Không bố trí làm việc ngày thứ bảy để dành thời gian cho các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết hoặc dự phòng trong trường hợp có nội dung sau khi đã được thảo luận tại hội trường và xét thấy cần thiết phải tăng thời gian thảo luận để có thêm ý kiến đóng góp.
Căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung trình tại phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ điều chỉnh dự kiến chương trình kỳ họp cho phù hợp để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp trù bị.
Như vậy, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 20 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 14/6/2019.
Luật Phòng chống tác hại rượu bia "nóng" Thường vụ
Phát biểu thảo luận liên quan đến nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, đề nghị về tai nạn giao thông thời quan là khá nghiêm trọng, nhất là dùng ma túy, rượu bia sau đó xảy ra tại nạn giao thông.
Các vụ giết người do dùng ma túy đã, xâm hại trẻ em, sản xuất ma túy đá với số lượng lớn…các nhóm vấn đề này cần tập trung thảo luận và đưa vào Nghị quyết.
Về Luật Phòng chống tác hại rượu bia, bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Ủy ban đã hoàn thành báo cáo về Luật Phòng chống tác hại rượu bia cơ quan thẩm tra có những cái khó.
Vì có rất nhiều ý kiến khác nhau. Giữa một bên là các tổ chức bảo vệ sức khỏe và một bên là hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất rượu bia.
"Về cơ bản, dự thảo cân bằng. Xét về đề xuất các giải pháp mạnh của bên soạn thảo là không còn nữa.
Nếu lùi lại Luật khi mà vấn đề này đang được quan tâm là điều đáng tiếc.
Vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà các nước khi thông qua dự án Luật tương tự cũng gặp khó khăn", bà Thúy Anh nói.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: “Nên xem xét những người uống rượu bia cầm vô lăng bắt đi lao động công ích. Chúng ta phạt 10-15 triệu đồng có khi họ nộp dễ nhưng ví dụ như đi nạo vét sông Tô Lịch có khi lại sợ”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với quan điểm cho rằng, chúng ta cần phải có chế tài mạnh với những người sử dụng rượu bia bị phát hiện cần phải xem xét tước bằng lái, cùng phạt lao động công ích có thể như đi thu gom rác.
"Họ cư trú ở nơi nào thì đi thu gom rác ở nơi đó. Đó là lao động để giáo dục", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo dự kiến, tại kỳ họp này, xem xét thông qua 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết bao gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ (theo quy trình tại 01 kỳ họp); Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. |