LTS: Câu chuyện về em Bùi Thị Hà - nữ thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đang được dư luận hết sức quan tâm.
Hiện Hà đã từ chối lời mời của một số trường tư ở Hà Nội và vẫn đang chờ đợi một công việc ở quê nhà như mong ước.
Trước các ý kiến khen chê, thầy giáo Khánh Văn gửi những dòng tâm sự sẻ chia với nữ thủ khoa.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.
Mấy ngày nay, bỗng nhiên em đã trở thành đề tài tranh luận cho nhiều người. Trên các tờ báo, họ nói về em nhiều lắm.
Có người cảm thông, sẻ chia với em nhưng người chê trách em cũng nhiều. Vì thế, chắc tâm can em cũng đang rối bời nhiều lắm.
Nhưng thôi, em cũng đừng buồn phiền em nhé, những thị phi của thiên hạ âu cũng là lẽ thường tình.
Đọc những thông tin về em, về hoàn cảnh gia đình em nữa, tôi hiểu vì sao em luôn tha thiết với quê hương mình nên muốn được về công tác ngay tại quê nhà.
Ừ, thì ước mong của em có gì sai trái đâu.
Ai lại chẳng muốn được gần cha mẹ để đỡ đần khi những người sinh trưởng ra mình mỗi ngày mỗi già.
Nhất là em, chỉ còn một người mẹ cả đời đã cố gắng và hi sinh vì con cái.
Ba chị em của em đều học hành đến nơi đến chốn đó là điều ai cũng ngưỡng vọng.
Ước mơ của nữ thủ khoa là sau khi ra trường được dạy học tại một trường nơi quê hương Hà Giang (Bùi Thị Hà ngoài cùng bên phải). Ảnh: NVCC |
Thế nhưng, với một người đã sống ở đất thủ đô suốt 4 năm trời ở cái thời đại công nghệ thông tin này sao em còn lãng mạn nhiều đến thế.
Những câu chuyện cổ tích em học ở nhà trường có lẽ chỉ mãi mãi là cổ tích thôi em.
Sẽ không có phép màu hay một ông tiên, ông phật nào có thể hiện lên để giúp em những lúc này.
Vì thế, chuyện em viết thư cho Bí thư tỉnh ủy chắc có lẽ cũng chỉ là một chi tiết tăng thêm tính bi kịch cho cái nghề mà em đã và đang theo đuổi mà thôi.
Em biết không? Nước mình hiện nay có hơn 400 trường đại học và cao đẳng. Trong đó, có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo ngành sư phạm.
Vì thế, mỗi ngôi trường cũng sẽ có một người thủ khoa như em mà.
Nữ thủ khoa đi chăn lợn từng rơi nước mắt gửi thư tới Bí thư Triệu Tài Vinh |
Cái danh hiệu và thành quả 4 năm học tập của em thật đáng trân quí nhưng em cũng nên nhớ rằng nước ta hiện nay có hàng trăm nghìn sinh viên sư phạm đang thất nghiệp.
Và, có lẽ, Hà Giang của em cũng không nằm ngoài sự khó khăn như thế.
Nếu em chịu khó đọc báo, tìm tòi thì chỉ từ đầu năm đến nay cũng đã có rất nhiều địa phương đã thanh lí hợp đồng đối với giáo viên đang dạy.
Nói thế, để em biết rằng xin vào các trường công lập bây giờ không hề đơn giản. Nhất là với em… đi xin việc bây giờ thì nghèo cũng là cái tội em à.
Em biết không, lí thuyết và cuộc đời khác nhau nhiều lắm đó, em là thủ khoa thì cũng chỉ là chuyện của kết quả của 4 năm học tập mà thôi.
Tôi không dám đi sâu vào vấn đề, sợ chạm vào nỗi đau của em. Nhất là những người đang trong hoàn cảnh như em.
Thế nhưng, có điều này em cũng phải cần biết.
Đó là, cô bé Phạm Thị Hằng (ở Tuyên Quang), cùng trường, cùng khoa với với em, học sau em một khóa và cũng là nữ thủ khoa xuất sắc đầu ra năm 2017 hiện đang giảng dạy tại một trường dân lập ở Bắc Ninh rồi đó.
Nếu em không chấp nhận đi xa, cứ ngồi ở nhà chờ đợi công việc thì không biết em phải chờ đợi đến bao giờ?
Nếu có đợt tuyển viên chức thì bây giờ ở đâu cũng đều phải thi cả.
Tấm bằng xuất sắc của em chỉ thêm một chút lợi thế thôi. Nhưng, thi thì có nhiều vòng thi lắm.
Thủ khoa 'nuôi lợn' vẫn đợi Hà Giang, không được sẽ về Hà Nội dạy |
Em phải phỏng vấn, em phải thi soạn giáo án, thi thực hành…
Kiến thức “học” mà không được “hành” nhiều năm thì nếu tham gia thi chắc gì em có lợi thế hơn những sinh viên họ mới ra trường hay những giáo viên đang dạy hợp đồng để chen chân vào các trường công lập?
Cách đây hàng chục năm về trước, tôi cũng đã từng trở về quê hương giống như em sau khi tốt nghiệp.
Tôi cũng có hoàn cảnh na ná như em bây giờ, cũng nghèo khó và cũng chỉ còn mẹ già. Nhưng, rồi phải chấp nhận đi xa.
Vì thế, tôi tin rằng mẹ em cũng sẽ không trách em đi làm xa quê đâu. Biết đâu, em đi xa mẹ em sẽ hạnh phúc và khỏe hơn nhiều, bởi chị gái em ra trường cũng chưa tìm được công việc.
Mỗi người có một lựa chọn cho riêng mình. Vậy nên, điều quyết định là ở em thôi.
Em còn trẻ, có thành tích học tập cao. Nhưng, nó sẽ trọn vẹn hơn khi em có công việc mà mình yêu thích.
Hãy gạt bỏ những lời hứa chờ đợi đi em. Thêm một năm “chăn lợn” là thêm một năm kiến thức mai một dần, tinh thần em phải nghĩ suy nhiều nữa.
Em cũng chẳng cần phải đợi để vào các trường công lập, hay nhất thiết phải ở quê làm gì. Ở đâu cũng là đất nước mình, là quê hương cũng mình cả.
Em cứ đến một vùng đất mới, tình yêu nghề, tình yêu công việc sẽ “hóa quê hương” thôi em à.
Bởi nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã từng viết: “Khi yêu rồi đâu cũng đẹp như thơ”, chỉ khi nào em làm việc em mới cảm thấy mình hạnh phúc. Hi vọng em sẽ có những quyết định sáng suốt cho tương lai của mình.