Trước đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh tổ chức thi chung học kỳ 1 cho đối tượng học sinh khối 12. Đề thi, đáp án, bảo mật đề thi, chấm bài đều do Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo.
Nhận thấy, thi chung “lợi bất cập hại” nên Sở Giáo dục và Đào tạo đã giao việc tổ chức kiểm tra học kỳ cho các trường tự chủ.
Học sinh làm bài thi (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Năm học 2018-2019, các trường phổ thông trung học tại Hà Tĩnh đều tổ chức thi chung học kỳ 1 cho học sinh. Tuy nhiên, do tự chủ nên lịch thi, môn thi, cách tổ chức của mỗi trường khác nhau.
Có trường thi 4 môn, có trường thi 6 môn, 8 môn, lại có trường thi 9 môn; có trường chỉ thi cho học sinh khối 12; lại có trường tổ chức thi cho cả cho học sinh khối 11, khối 10 như Trường phổ thông trung học Nguyễn Du (sẽ thi vào 05, 06, 07/01/2018).
Một Phó hiệu trưởng Trường phổ thông trung học Nguyễn Trung Thiên, Thạch Hà cho biết:
“Mục đích tổ chức thi chung là nhà trường muốn qua kết quả sẽ đánh giá được chất lượng dạy của giáo viên và học của học sinh. Qua đó, củng cố nề nếp, quy chế dạy và học trong trường”.
Tuy nhiên, tổ chức thi học kỳ 1 tại các trường phổ thông trung học đang để lộ nhiều bất cập.
Trường phổ thông trung học Nguyễn Trung Thiên (Ảnh: lấy trên Web Trường Nguyễn Trung Thiên). |
Bất cập thứ 1: Học sinh phổ thông trung học học 13 môn, thi 4, 6 hay 8, 9 môn. Vậy các môn khác không thi sẽ xảy ra tình trạng “bên trọng”, “bên khinh”.
Học sinh phổ thông lâu nay đã học “lệch”, tổ chức thi cử với sự lựa chọn môn thi như trên vô hình chung “đồng lõa” với lệch lạc của học sinh lâu nay.
Bất cập thứ 2: Ngoài bất cập ra đề, làm đáp án, công tác bảo quản đề thi, cơ sở vật chất, công tác tổ chức coi, chấm thi, công bố kết quả thi cũng nhiều bất cập trong phạm vi nội bộ một trường.
Bất cập thứ 3: Đã tổ chức thi chung, toàn trường phải nghỉ học để tập trung cho công tác tổ chức thi.
Do lúng túng trong cách chỉ đạo, nên tại Trường phổ thông trung học Nguyễn Trung Thiên, Thạch Hà, không hiểu vì lý do gì ngày 27, 28, 29/12/2018, nhà trường lên lịch bố trí thi học kỳ, nhưng lại chỉ đạo giáo viên ghi vào sổ báo giảng và sổ đầu bài vẫn học theo thời khóa biểu và thực hiện chương trình bình thường theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”.
Cô Lê Thúy Nga cho rằng: “Mỗi môn đều có phân phối chương trình riêng và trong phân phối chương trình thì mỗi môn sẽ thi học kỳ vào một ngày khác nhau. Và muốn thi tập trung thì đảo tiết là điều bắt buộc…”.
Còn thầy Dương Kim Cung bức xúc phản đối vì cho rằng: “Trường nghỉ học để thi học kỳ, mà cho lên sổ báo giảng và ghi sổ đầu bài “dạy học bình thường” là ghi khống, thiếu trung thực.
Nếu học sinh chất vấn: “Thưa thầy, tại sao ngày thứ 5, 6, 7 trường nghỉ thi mà thầy vẫn ghi là dạy - học?”, thì thầy sẽ trả lời học sinh ra sao về hành vi gian dối này?
Như vậy, tổ chức thi học kỳ để rồi sau thi sổ báo giảng và sổ đầu bài suốt thời gian học kỳ 2 sẽ không được ghi đúng, có phải là cơ hội che đậy cho hành vi gian dối trong trường học không?
Lịch thi học kỳ Trường phổ thông trung học Nguyễn Trung Thiên. |
Thầy Nguyễn Ngọc Hoan - Nguyên Hiệu trưởng Trường phổ thông trung học Nguyễn Thị Minh Khai (Đức Thọ) cũng lên tiếng rằng hậu quả gian dối trong giáo dục là rất nghiêm trọng, nên không thể chỉ đạo ghi sổ đầu bài như vậy.
Bất cập thứ 4: Hiện nay, dư luận đang cho rằng giáo dục quá tải. Năm 2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trương giảm tải áp lực cho giáo viên.
Việc “sáng tạo” tiết kiểm tra học kỳ (trong phân phối chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo) thành kỳ thi chung học kỳ hiện nay ở các trường phổ thông trung học trên địa bàn Hà Tĩnh là cách “vẽ vòng” gây áp lực lên giáo viên và học sinh, không nên có.
Được biết, tháng 4/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh tổ chức thi “tập dượt” cho học sinh khối 12.
Ngay cả cuộc tập dượt này, một số ý kiến cũng đang cân nhắc: Có nên hay không trong thời điểm thực thi chủ trương của Bộ trưởng Nhạ?
Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Công văn 2315 về Khung thời gian năm học 2018-2019. Theo đó, tổng kết học kỳ I tiến hành trước 20/1/2019.
Nắm vững chủ trương, kế hoạch, chủ động triển khai nhiệm vụ năm học, không sáng tạo kiểu “vẽ vòng” rồi “giẫm vòng” biến kiểm tra học kỳ thành thi học kỳ như các trường phổ thông trung học Hà Tĩnh là cách giảm tải áp lực thiết thực nhất cho giáo viên và học sinh.