Nhiều giáo viên bất bình vì thầy Việt Hưng bị kỉ luật

08/05/2019 07:16
Phan Tuyết
(GDVN) - Hãy để thầy cô có quyền răn dạy học trò vì lương tâm nhà giáo ai cũng muốn cho học trò của mình tốt hơn. ​

Ngày 4/5, thầy giáo Nguyễn Việt Hưng, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Dương huyện Đức Hòa  tỉnh Long An vừa nhận hình thức kỉ luật khiển trách toàn ngành.

Trường học nơi kỉ luật thầy giáo bắt học sinh thụt dầu trong giờ thể dục Ảnh: An Nam (Báo vnexpress.net)
Trường học nơi kỉ luật thầy giáo bắt học sinh thụt dầu trong giờ thể dục Ảnh: An Nam (Báo vnexpress.net)

Trước đó chiều 15/3, trong giờ thể dục, do quên đem theo cầu đá, 13 học sinh lớp 5 xin thầy ra ngoài mua nhưng không được chấp nhận.

Các em lần lượt bị thầy phạt "thụt dầu", nắm hai tai đứng lên ngồi xuống mỗi người 20 lần.

Một số phụ huynh đã khiếu nại đến nhà trường. Sau sự việc, thầy Hưng đến gia đình các em xin lỗi. 

Nhà trường đã phê bình rút kinh nghiệm, cắt thi đua với thầy giáo.

Tuy nhiên, một số phụ huynh tiếp tục khiếu nại, nên nhà trường đã tăng mức kỷ luật khiển trách đối với thầy.

Nhà trường chạy theo dư luận?

Ông Lê Văn Đức, Hiệu trưởng nhà trường cho biết “Bản thân là hiệu trưởng, tôi cũng không muốn phải xử lý kỷ luật đối với nhân viên của mình.

Nhưng một khi họ đã vi phạm khiến phụ huynh phải khiếu nại, tố cáo, tôi cũng phải xử lý theo luật”.

Quá mạnh tay với giáo viên chỉ làm thầy cô đề phòng và thu mình lại

Rõ ràng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Dương huyện Đức Hòa  tỉnh Long An xử lý giáo viên đang chạy theo dư luận.

Nếu như phụ huynh không kiện cáo, có lẽ việc thầy phạt học sinh thụt dầu cũng chẳng sao.

Vì đơn giản, chuyện phạt học sinh thụt dầu đặc biệt ngay trong giờ thể dục chẳng có gì là phản cảm.

Kiểu đứng lên ngồi xuống chẳng khác gì một môn thể thao mà nhiều người vẫn thường hay làm.

Điều đáng nói ở đây, khi bị phụ huynh phản ứng nhà trường đã phê bình rút kinh nghiệm, cắt thi đua với thầy giáo nhưng phụ huynh vẫn không đồng ý tiếp tục làm đơn khiếu nại.

Thay vì phải làm việc với phụ huynh chính con cái họ đã vi phạm nội quy học tập (không chuẩn bị bài trước khi đến lớp) trong khi giáo viên đã nhắc nhở nhiều lần.

Vì thế, việc phạt trò của thầy cũng chỉ ở mức nhẹ nhằm răn đe.

Thì nhà trường lại quay qua kỉ luật giáo viên.

Khi phụ huynh không đồng ý với hình thức kỉ luật ấy, nhà trường lại nhanh chóng sửa hình thức kỉ luật thầy giáo từ phê bình, cắt thi đua qua khiển trách cho phụ huynh vừa lòng.

Điều này, sẽ tạo ra một tiền lệ xấu là chạy theo dư luận, chạy theo những đòi hỏi quá đáng của một số phụ huynh.

Và chính điều này, những học sinh vi phạm nội quy học tập ấy sẽ vô cùng mãn nguyện, sung sướng khi có ba mẹ làm tấm bình phong. Chúng sẽ chẳng còn gì phải nể, phải sợ, phải nghe lời thầy cô.

Và những tiết học sau, các em cứ tha hồ vi phạm cũng chẳng còn sợ ai.

Nguy cơ suy nghĩ “mackeno” lan rộng

Trên nhiều diễn đàn thông tin, đa phần giáo viên bất bình với hình thức kỉ luật mà nhà trường dành cho thầy giáo thể dục.

Khi thầy cô bị tước hết công cụ và uy lực, khó tránh học trò bạo lực, hỗn hào

Nhiều lời nhận xét đau lòng được viết ra “Học sinh hư, đánh không được, mắng chửi không được, giờ thầy giáo bắt phạt theo hình thức tập thể dục đứng lên, ngồi xuống cũng không được.

Kiểu này chắc các thầy phải lạy học sinh khi các em mắc khuyết điểm”.

“Và thế là từ nay, thầy cô giáo cứ kệ mẹ trò, thích thì học, không thích thì chơi.

Đến giờ giáo viên vào lớp, giảng bài xong hết giờ bước ra, ai học thì học, ai chơi cũng mặc”.

“Nhớ ngày xưa đi học, bị thầy cô đánh bằng thước vào mông, hai tay nắm tai đứng lên ngồi xuống vì tội không làm bài, học bài mà mình chả oán nữa là.

Về, còn bị mẹ đập cho một trận nữa là hai trận đòn.

Còn bây giờ, thầy cô giáo sợ học sinh chứ học sinh không sợ thầy cô. Vì có phụ huynh để con trên đầu và luôn miệng nói con tôi ngoan hiền”.

“Chiều con kiểu này thì hỏng hết. Đứng lên ngồi xuống khoảng 20 lần thì đã làm sao!

Rồi đây, ai còn dám dạy những trò như thế này nữa? Sau này, nó có đánh bạn hay lột đồ bạn thì thầy cô nào dám phạt?

Theo tôi, nếu sự việc chỉ có vậy mà quyết định kỉ luật thầy giáo là hồ đồ”.

“Con mình sinh ra nuôi dưỡng từ khi lọt lòng khi ai đụng đến mà chẳng thương chẳng xót?

Nhưng thương theo kiểu này liệu có đúng không? thầy phạt kiểu này thì cũng đâu nặng nề lắm mà phải kiện cáo?

Muốn thành con ngoan trò giỏi thì phải có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường chứ”…

Giáo dục rồi sẽ ra sao khi phụ huynh lại quá bênh con còn thầy cô vì sợ đã không dám răn dạy các em nữa?

Giáo dục thành công một đứa trẻ phải có rắn, có buông. Đâu phải lúc nào cũng ngọt ngào hay khi nào cũng phải nghiêm khắc?

Hãy để thầy cô có quyền được răn dạy học trò.

Khi các em ngoan, chăm học thì thầy cô thưởng. Còn hư, lười học và hay vi phạm cũng cần phải có biện pháp rắn để nhắc nhở, răn đe. 

Vì lương tâm, vì trách nhiệm thầy cô giáo nào cũng muốn điều tốt cho các em.

Tài liệu tham khảo:

https://tintuc.vn/thay-giao-bi-khien-trach-vi-phat-13-hoc-sinh-thut-dau-post852196

Phan Tuyết