Phá hoại không phải là yêu nước

14/06/2018 07:44
Xuân Dương
(GDVN) - Khi một số người kém hiểu biết pháp luật tỏ vẻ yêu nước thì thiệt hại lại dồn lên vai những người yêu nước một cách tỉnh táo.

Xin không bàn về những hình ảnh trên các trang báo trong nước và quốc tế về tài sản công và trụ sở cơ quan công quyền Bình Thuận bị đốt, bị phá hay hình ảnh trang bị của cảnh sát dã chiến chất thành đống giữa sân.

Trong đoàn người tham gia tụ tập trước các cơ quan công quyền Bình Thuận, những người quá khích phần đông là thanh niên nói lên điều gì?

Thứ nhất, nhà trường, gia đình và xã hội chưa làm tròn vai trò giáo dục của mình;

Thứ hai, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh địa phương chưa trở thành tổ chức tin cậy của lớp trẻ;

Thứ ba, chưa có sự chuẩn bị đúng mức cho việc trấn áp những người lợi dụng việc biểu đạt ý kiến để phá hoại tài sản công, gây rối trật tự công cộng, đặc biệt là việc bảo vệ các cơ sở liên quan trực tiếp đến an toàn của người dân như trụ sở công an phòng cháy chữa cháy,...

Nhiều ô tô trong trụ sở Phòng cháy chữa cháy ở Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận bị đốt cháy trơ khung. Ảnh: tienphong.vn
Nhiều ô tô trong trụ sở Phòng cháy chữa cháy ở Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận bị đốt cháy trơ khung. Ảnh: tienphong.vn

Không ít tiếng nói trên mạng xã hội biện minh cho hành động phá hoại nhà cửa, xe cộ tại cơ quan nhà nước như một “biểu hiện của sự bức xúc bị dồn nén lâu ngày”.

Cũng không ít ý kiến kêu gọi người dân cần bình tĩnh tránh bị “thế lực xấu” lợi dụng.

Câu hỏi đặt ra là những đối tượng (đa số là thanh niên) đốt phá tài sản công có biết đó chính là tiền thuế của dân, là công sức lao động mà cha ông đóng góp để mua, để xây không?

Những người phung phí mồ hôi, thậm chí là cả nước mắt của cha ông mình có phải chỉ là nông nổi, hùa theo bạn bè hay còn lý do nào khác cần được làm rõ?.

Để bảo vệ con em chúng ta, cần khoan hồng với người nhẹ dạ song tuyệt đối không thể khoan hồng những kẻ kích động đốt phá tài sản công, biến con cháu chúng ta thành tội phạm.

Phá hoại không phải là yêu nước ảnh 2Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân

Sự kiện diễn ra những ngày qua tại một số địa phương cho thấy pháp luật của chúng ta dường như chưa theo kịp đòi hỏi của cuộc sống.

Cần phải có khuôn khổ pháp lý để người dân biểu đạt ý kiến - tức là quyền biểu tình - điều đã được ghi trong Hiến pháp suốt từ năm 1946 đến nay.

Nếu Luật Biểu tình được ban bố, nếu trong đó có quy định hình thức, thời gian, địa điểm biểu tình thì ta có cơ sở để khẳng định những kẻ chuẩn bị chất cháy, gạch, đá,… trà trộn trong dòng người biểu tình là vi phạm hay không vi phạm pháp luật một cách rõ ràng nhất.

Nếu địa điểm biểu tình được quy định thì sẽ không có chuyện những người biểu tình xông vào đốt phá phương tiện cứu hỏa ngay tại trụ sở cơ quan,…

Chủ trương xây dựng một Chính phủ minh bạch, kiến tạo trước hết là minh bạch với dân, sau đó là với quốc tế.

Một trong những tiêu chí minh bạch với dân là cho dân biết quyền của mình được luật pháp cho phép và bảo vệ thế nào?

Nguyên tắc mà bất kỳ quốc gia văn minh nào cũng phải tôn trọng là “Dân được phép làm những gì pháp luật không cấm, người thực thi công vụ chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”.

Phá hoại không phải là yêu nước ảnh 3Họ đã cùng nhau “phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật”

Trấn áp những kẻ đang thực hiện hành vi đốt phá trụ sở, tài sản nhà nước (không gây thương tích nặng) có được pháp luật cho phép?

Chẳng lẽ cứ để họ phá xong rồi mới tìm để trị?

Có phải cách thức mà chúng ta đang vận hành vừa quá tả, lại cũng quá hữu?

Ông Huỳnh Thanh Cảnh - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận phát biểu:

Chúng tôi thấy rằng sự việc có yếu tố từ một số đối tượng đã lợi dụng để kích động.

Người dân vào đập phá, hủy hoại một số cơ quan, các địa điểm là việc không nên bởi tài sản đó cũng là tài sản của bà con đóng góp từ thuế”. [1]

Cụm từ “không nên” mà ông Cảnh dùng ở đây hình như không đúng bản chất.

Phá hoại tài sản công hay tài sản của người dân đều là hành động phạm pháp không được phép diễn ra trong bất kỳ trường hợp nào.

Nên hay không nên là lời khuyên không mang tính ràng buộc, người nghe có thể đồng ý hoặc không đồng ý mà người khuyên không thể làm gì.

Phá hoại không phải là yêu nước ảnh 4Đại cục của con dân đất Việt là gì?

Nhớ lại vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, một lãnh đạo công an địa phương cho rằng:

Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng mà trấn áp được đối tượng.

Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay… Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách”. [2]

Vậy việc lực lượng vũ trang chịu trách nhiệm bảo vệ tài sản nhà nước buộc phải rời bỏ vị trí mà họ có trách nhiệm bảo vệ nói lên điều gì?

Thông tin trên các báo cho thấy, đa số những kẻ quá khích tham gia đốt phá tài sản công là thanh niên, những người này chắc chắn không phải là những người “bị bức xúc dồn nén lâu ngày”, họ tham gia chỉ là do bị kích động, bị lôi kéo.

Rồi đây sẽ có những người phải ra tòa, phải bị phạt tù vì hành vi nông nổi của mình, đó chắc chắn sẽ là một người mang tiền án, một vết đen trong hồ sơ.

Đó chính là nỗi đau mà những người làm cha, làm mẹ không hề mong muốn.

Vấn đề mà người viết quan ngại không chỉ ở sự quá khích của một số đối tượng, ở khối tài sản trị giá nhiều tỷ đồng bị đốt phá mà còn là sự thâm hiểm của những kẻ mang dã tâm biến con cháu chúng ta thành tội phạm.

Nếu phải trừng trị, những kẻ này xứng đáng đưa vào khung hình phạt nặng nhất.

Người Việt vốn có lòng yêu nước, vốn luôn luôn cảnh giác trước âm mưu di dân, thôn tính của ngoại bang trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Phá hoại không phải là yêu nước ảnh 5Việt Nam đỉnh rồi, có cần hỏi ý dân nữa không?

Nhưng yêu nước không đồng nghĩa với phá hoại tài sản nhà nước.

Khi một số người kém hiểu biết pháp luật tỏ vẻ yêu nước thì thiệt hại lại dồn lên vai những người yêu nước một cách tỉnh táo.

Về câu chuyện đặc khu, có vị bộ trưởng cho đề nghị: "Cho phép giữ nguyên như dự thảo, vì đây là một chính sách vượt trội". [3]

Có vị đại biểu Quốc hội nêu ý kiến: “không ủng hộ luật sẽ là sai lầm.

Việc cho thuê đất 99 năm là đảm bảo tính vượt trội và đột phá, nếu không thì các nhà đầu tư sẽ nhìn vào và so sánh với nước khác vì có nước đã làm rồi”. [4]

Tuy nhiên cũng có ý kiến được Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật như sau:

Có người nói rằng những đại biểu dân cử hôm nay làm gì có quyền để quyết chuyện “đại sự” cho 2-3 thế hệ sau, trong 99 năm ấy, ai vẫn còn sống để tính chuyện đúng - sai, để chịu trách nhiệm?”. [4]

Việc Quốc hội lùi thời hạn biểu quyết luật, việc Thủ tướng khẳng định sẽ chỉnh sửa thời hạn cho thuê đất 99 năm tại đặc khu có cho thấy phát biểu thiếu chuẩn xác, chưa tròn trách nhiệm của một số người được dân bầu chọn?

Và phải chăng phát ngôn của một vài vị lãnh đạo cấp bộ và đại biểu Quốc hội đã góp phần tạo nên sự không đồng thuận trong dân chúng?  

Nếu quả vậy thì ngoài việc trừng phạt những kẻ phá hoại tài sản nhà nước có nên xem xét vai trò của những người phát ngôn không chuẩn?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/pho-bi-thu-binh-thuan-chung-toi-khong-chu-truong-dung-bao-luc-20180613075124388.htm

[2]https://www.tienphong.vn/xa-hoi/10-phat-ngon-sieu-an-tuong-cua-quan-chuc-viet-nam-607509.tpo

[3]http://www.baodanang.vn/channel/5399/201806/thu-tuong-xem-xet-dieu-chinh-thoi-han-cho-thue-dat-99-nam-2670350/index.htm

[4]https://vov.vn/kinh-te/cho-thue-dat-dac-khu-99-nam-dai-bieu-de-nghi-bieu-quyet-rieng-770906.vov

Xuân Dương