"Từ 34 nghìn tỷ mà giờ còn hơn 400 tỷ thì tôi cũng sợ"

28/09/2014 07:49
Ngọc Quang
(GDVN) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thốt lên như vậy khi thảo luận về Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giáo dục và Chính phủ trong việc nỗ lực để trình ra được một bản đề án mới, đồng thời đặt ra câu hỏi bày tỏ sự lo lắng: “Tôi chưa hiểu nói thế này rồi nhưng mà làm thế nào?”.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải tạo được sự đồng bộ trong hệ thống, phải tính toán toàn diện mối liên hệ giữa nhà trường và thầy cô giáo, giữa thầy cô giáo với học trò và với xã hội.

“Các cụ nói là đa thư loạn mục, lắm thầy rầy ma. Tôi đồng ý là phải sáng tạo, đổi mới, nhưng mà phải nghiên cứu viết vào nghị quyết thế nào cho đúng. Nghị quyết viết là “đổi mới căn bản toàn diện” thì ở đây các đồng chí lại viết là “chuyển biến căn bản mạnh mẽ”. Tôi lo ở chỗ trình độ thầy khác nhau, học trò khác nhau, vậy bây giờ thống nhất chương trình kiểu gì đây? Chương trình là do Bộ Giáo dục, nhưng bây giờ tổ chức soạn sách giáo khoa thì thế nào, có đảm bảo dân chủ không? Trách nhiệm của Bộ Giáo dục là làm chương trình, nhưng Bộ ban hành chương trình thế nào không thấy nói? Bộ làm thế nào thì không thấy nói? Tổ chức làm chương trình thế nào, hay là mấy vụ thiết kế ra rồi các đồng chí ký, gọi là chương trình?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục làm rõ thiết kế chương trình sách giáo khoa và các tiêu chí thẩm định sách giáo khoa, nói rõ trong Nghị quyết. Ảnh: Ngọc Quang.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục làm rõ thiết kế chương trình sách giáo khoa và các tiêu chí thẩm định sách giáo khoa, nói rõ trong Nghị quyết. Ảnh: Ngọc Quang. 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chương trình với sách giáo khoa phải đảm bảo rất chặt chẽ sự gắn kết để đảm bảo chất lượng giáo dục: “Các đồng chí viết là phân hóa bằng tự chọn môn học và chuyên đề học tập. Thế thì tích hợp bằng gì? Viết rất khó hiểu, ý này tối lắm. Nghị quyết này các đồng chí viết như là lời bình thôi thì đơn giản quá, không cẩn thận là thành ra cái sản phẩm giáo dục tự do. Phải làm rõ sách được thẩm định như thế nào? Như thế mới là Nghị quyết, để sau này thực hiện được”.

Cho ý kiến về kinh phí thực hiện đề án, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu  phải có sự tính toán hợp lý và hàng năm Chính phủ trình ra Quốc hội phê chuẩn.

“Nếu làm dưới con số đề ra thì tốt, nhưng vượt quá thì sao? Từ 34 nghìn tỷ xuống còn có mấy trăm tỷ tôi nghe tôi cũng sợ quá”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Trong khi đó ông KSor Phước - Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc thì bộc bạch: "Những người không chuyên sâu về giáo dục như tôi thì yêu cầu rõ về thực tiễn, chứ viết thế này thì Nghị quyết rất chung chung, đọc thì không thấy gì sai cả, nhưng chung chung. Ra Quốc hội nói thế này thì quá đơn giản, cho nên theo tôi là phải nói cụ thể".

Ông KSor Phước nêu hai thí dụ buồn từ trong đời sống và cho rằng đó là sản phẩm của nền giáo dục, cho nên cần phải xem lại: "Chuyện thứ nhất tôi nhớ trước đây, học sinh cấp hai là khoanh tay chào người lớn, nhưng bây giờ thì chỉ có cấp một chào thôi, chứ cấp hai không chào. Vậy là càng học cao thì càng không tôn trọng người lớn, văn hóa như vậy là rất tệ. Chuyện thứ hai là vào những năm 80 văn hóa giao thông ở phía Nam rất tốt, còn ở phía Bắc thì rất tệ, càng ngày càng kém. Nhưng bây giờ văn hóa giao thông ở phía Nam cũng bắt đầu kém".

Vị Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc đồng thời nhấn mạnh, nguy hiểm của giáo dục hiện nay là không chú trọng truyền thống của dân tộc: “Rất nhiều con cháu của cán bộ ta đi du học rồi không về nước nữa, đó mới chỉ là con cháu của cán bộ đấy chứ chưa kể tới nhân dân. Vì vậy, tôi đề nghị vấn đề giáo dục văn hóa, giáo dục lịch sử phải đặc biệt chú ý”.

Dự kiến chi 778,8 tỷ đồng mới triển khai được sách giáo khoa mới

Trình bày về "Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông" tại Thường vụ Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, xây dựng chương trình, ngoài biên soạn một bộ sách giáo khoa và thẩm định chương trình, sách giáo khoa hết 462 tỷ đồng thì việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới còn dự kiến phải chi thêm 316,8 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ: Biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương (14,9 tỷ đồng); Cung cấp tài liệu tập huấn và tài liệu giáo dục của địa phương cho giáo viên (169,5 tỷ đồng); Ghi hình bài tập huấn và bài giảng theo chương trình mới (121,3 tỷ đồng); Ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh hoạ để tổ chức tập huấn qua Internet (30% tổng số giờ theo chương trình mới) 36,4 tỷ đồng; Ghi hình bài giảng trên Internet để giáo viên, học sinh tham khảo (70% tổng số giờ theo chương trình mới) 84,9 tỷ đồng; Cung cấp đĩa ghi hình bài tập huấn và bài giảng minh hoạ cho giáo viên vùng khó khăn (khoảng 30% tổng số giáo viên toàn quốc) 5,1 tỷ đồng; Tổ chức, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc tập huấn giáo viên 6 tỷ đồng.

Theo đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kinh phí ngân sách Trung ương là 504,4 tỷ đồng và kinh phí ngân sách địa phương 274,4 tỷ đồng.

Cũng cần phải nói rõ rằng, nguồn kinh phí 778,8 tỷ đồng dự kiến trên chưa bao gồm nguồn tài chính từ các cá nhân và tổ chức khác để thực hiện các nội dung: Biên soạn các sách giáo khoa khác (ngoài bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn); Bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cơ sở giáo dục phổ thông về sách giáo khoa do cá nhân, tổ chức biên soạn và được phát hành.

Ngọc Quang