LTS: Chia sẻ những câu chuyện hết sức cảm động về tình thầy trò, cô giáo Phan Tuyết cho rằng đây là những tấm gương thầy cô hết lòng với học sinh mà vẫn còn nhiều giáo viên như thế trên đất nước Việt Nam.
Qua đó, cô giáo Phan Tuyết mong muốn mọi người đừng vì một số vụ việc tiêu cực mà mất niềm tin vào ngành giáo dục.
Mới đây, trên trang cá nhân Facebook của mình thầy Ninh Văn Dậu - giáo viên Trường trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, tỉnh Gia Lai đã chia sẻ một bài viết về việc một học sinh nghỉ học đi làm rẫy khiến nhiều người xúc động đến rơi nước mắt.
Thầy đã cố hết sức thuyết phục học sinh của mình trở lại trường với lời nhắn gửi: “Thầy và cả lớp vẫn đợi em. Nếu em vẫn chưa chịu vượt rẫy vượt rừng để trở về với trường với lớp, nhất định thầy sẽ vào rẫy “lấy” em về!” .
Hình ảnh thầy giáo vượt qua con đường rừng gần 20km để vào được cái rẫy tận bên trong lòng hồ Ia Hdreh và ngồi với học trò cả buổi để tâm sự, thuyết phục cậu học trò trở lại lớp học đã trở thành hình ảnh đẹp, một vầng sáng chói trong bức tranh giáo dục sẫm màu.
Bởi thời gian qua đã có nhiều chuyện chưa đẹp xảy ra làm xói mòn niềm tin của mọi người.
Thầy Ninh Văn Dậu vào tận rẫy thuyết phục học trò trở lại lớp. (Ảnh: V.D/ Tuoitre.vn) |
Trong thực tế, những thầy cô giáo luôn hết lòng vì học sinh như thầy Dậu cũng chẳng thiếu.
Ở các vùng quê khó khăn, học sinh thường xuyên bỏ học, nhiều giáo viên đã đến tận nhà năn nỉ, vận động để các em tới lớp.
Học trò thiếu tiền, thầy cô và nhà trường ủng hộ từ sách vở, bút viết quần áo đến mua luôn bảo hiểm cho các em. Nếu là học yếu, thầy cô phân công nhau dạy kèm tận tình để giúp các em lấy lại kiến thức.
Có thể kể ra đây một vài trường hợp, đó là thầy Mẫn giáo viên Trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận. Nhờ tình thương của thầy với học trò mà cô bé lớp 10 đã không phải thất học.
Khi gặp Hằng, cô học trò lớp thầy Mẫn chủ nhiệm, em đã hồ hởi kể rằng: “Nếu không có thầy thuyết phục, động viên và giúp đỡ, em đã nghỉ học lâu rồi”.
Sinh ra trong gia đình không hạnh phúc, ba em bỏ đi khi em vừa lên ba.
Một thời gian sau, mẹ cũng để em cho ngoại nuôi và đi lấy chồng khác.
Hằng nói mình có cha mẹ mà như mồ côi vì hàng chục năm chẳng ai về thăm em một lần.
Em và bà ngoại cứ lay lắt sống qua ngày bằng số tiền làm thuê ít ỏi của bà ngoại tật nguyền.
Năm em được vào cấp 3, tiền học phí ngày một nhiều nên bà không thể lo nổi. Em quyết định nghỉ học đi chạy bàn cho quán cà phê.
Nghỉ học được một tuần, thầy Mẫn đã lên tận nhà thuyết phục ngoại cho em được đi học trở lại bằng cách giúp em mọi khoản tiền đóng góp cho 2 năm học tiếp là lớp 11 và lớp 12.
Khi được hỏi “Thầy giáo lấy khoản nào để tài trợ cho em?”, thầy Mẫn cười thật tươi “Mình vận động các thầy cô giáo trong trường mỗi người một ít gom góp lại”.
Đó là các thầy cô giáo về hưu đặc biệt là cô Ngô Thị Mến ở thị trấn Tân Nghĩa - Hàm Tân - Bình Thuận.
Với đồng lương hưu ít ỏi, chi tiêu cho gia đình còn phải tính toán thật kĩ, đôi khi còn thiếu trước hụt sau nhưng các cô vẫn cùng nhau đóng góp theo kiểu “góp gió thành bão” để cưu mang em Hoài Mộng mồ côi cả cha lẫn mẹ ăn học hết cấp 3.
Giờ thì em đã tốt nghiệp và vào Sài Gòn làm công nhân để tiếp tục con đường tìm kiếm tri thức.
Cô Mến nói: “Nếu em đi học tiếp, các cô giáo nơi đây cũng sẽ chung tay giúp đỡ một phần”.
Ngoài việc giúp đỡ học sinh về vật chất, nhiều giáo viên đang từng ngày miệt mài bên những học sinh yếu, chậm tiến, học sinh khuyết tật và tự kỉ.
Cứ nhìn giờ ra chơi nhưng nhiều thầy cô vẫn nhẫn nại ngồi bên cậu học trò “tối dạ” dạy các em từng âm, vần, từng phép tính đơn giản.
Cứ lầm lũi cần mẫn là thế mà chẳng cần đòi hỏi hoặc trông chờ sự đền đáp nào. Niềm vui lớn nhất của những giáo viên này là sự tiến bộ của các em học sinh.
Đừng vì một vài hiện tượng xấu để ta quy chụp, phán xét rồi đánh đồng tất cả giáo viên đều không đáng tin cậy như nhau.
Trong thực tế, phần lớn thầy cô giáo vẫn luôn sống mẫu mực và hết lòng vì học sinh thân yêu.