Ngày 11/4, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã kết hợp với Phòng Giáo dục và đào tạp Thành phố Hải Dương, Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự (Phường Quang, Thành phố Hải Dương, Hải Dương) tổ chức buổi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.
Hơn 1300 học sinh của trường đã có buổi hoạt động ngoại khóa đầy bổ ích với diễn giả là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng.
Đặc biệt, buổi hội thảo được tổ chức khi trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.
Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự là một trong những trường Trung học cơ sở đầu tiên của Thị xã Hải Dương trước kia sau ngày giải phóng.
Hơn 1300 học sinh trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự đã tham dự buổi hội thảo "Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0". (Ảnh: LC) |
Qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự luôn luôn phát huy truyền thống “dạy học bằng cả trái tim” và “học tập bằng cả khát vọng”.
Trong buổi hội thảo, những chủ nhân tương lai của đất nước đã được gặp gỡ và giao lưu với một trong những nhà khoa học đầu ngành của đất nước như Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khuyên: Các em hãy học để trở thành người tự do |
Chuyện kể về cuộc đời làm khoa học của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ngay từ những ngày chỉ mới học lớp 6, trải qua 4 trường sư phạm và tấm gương tự học ngoại ngữ của Giáo sư đã để lại cho các em trường Ngô Gia Tự những ấn tượng mạnh mẽ.
Trong buổi hội thảo, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã giúp các em hiểu được cơ hội và thách thức của thế hệ tương lai của đất nước trong thời kỳ cách mạng khởi nghiệp cách mạng công nghiệp 4.0.
Những tấm gương vượt khó và khát vọng sống có ích của Trần Hồng Giang đã tạo nên sự xúc động lớn trong các bạn học sinh trường Ngô Gia Tự.
Chỉ với một cây “đũa thần”, Trần Hồng Giang đã gõ vào thế giới bằng cách của riêng mình đã khiến các em rất cảm phục.
Những bài học đầy ý nghĩa của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã khiến các em học sinh rất xúc động. (Ảnh: LC) |
Là một người bị liệt toàn thân từ nhỏ, chưa từng một ngày đến trường nhưng Trần Hồng Giang đã tự học và đạt được những điều mơ ước của riêng mình.
Trước những nghịch cảnh của bản thân, Trần Hồng Giang chưa bao giờ có một lời than thân, trách phận, không kể lể về hoàn cảnh của mình để gợi sự xót thương của người khác.
Hay tấm gương của cô bé hết sức đặc biệt Lê Thị Thắm dù không tay nhưng viết chữ rất đẹp và đang từng ngày thực hiện ước mơ trở thành cô giáo…
Cách mạng công nghiệp 4.0 “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” |
Những tấm gương về nghị lực sống đã giúp các em học sinh trường Ngô Gia Tự hiểu rõ bản thân mình hơn, quyết tâm đạt được ước mơ bằng sự cố gắng học tập của bản thân.
Không chỉ những bài học về nghị lực sống, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng còn kể cho các em những điều hay của cuộc sống như:
Ba điều không lấy lại được (thời gian, lời nói, cơ hội); ba điều không được đánh mất (sự thanh thản, niềm hy vọng, tính trung thực); ba điều có giá trị nhất (tình yêu, lòng tin, bạn bè); ba điều không bền vững (giấc mơ, sự thành công, tài sản); ba điều làm nên giá trị con người (chân thành, siêng năng, thành đạt); ba điều làm hư hỏng con người (rượu chè cờ bạc, lòng tự cao, sự giận dữ).
Những món quà của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng sẽ giúp các thầy và trò trường Ngô Gia Tự làm tốt hơn trong công tác dạy và học. (Ảnh: LC) |
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng kể cho các em nghe về thói kiêu ngạo về thói kiêu ngạo của một tiến sĩ khi đi qua đò.
Anh ta hỏi cụ lái đò ba câu là: Cụ có biết gì về Triết học, về Thiên văn, về Kiến trúc. Cụ đều trả lời không biết. Anh ta cười ngạo nghễ: Thế thì khác gì cụ mất đi 3/4 cuộc sống rồi!
Bỗng gió bão nổi lên, con thuyền chao đảo. Cụ già vội hỏi anh: Ông có biết bơi không? Nếu không biết thì dễ mất 4/4 cuộc sống đấy!
Sau tràng cười nghiêng ngả của các em học sinh các em học sinh trường Ngô Gia Tự được học một bài học giản đơn nhưng các em còn nhớ mãi.
Đặc biệt, bài học về lòng hiếu thảo với cha mẹ, thầy cô, hòa nhã với bạn bè đã được các em đặc biệt lưu tâm và chú ý lắng nghe.
Sau những bài học giản đơn đó, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng gợi ý các em phấn đấu để trở thành những công dân toàn cầu với tư thế làm chủ kỹ thuật mới.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh với tập thể cán bộ giáo viên trường Ngô Gia Tự. (Ảnh:LC) |
Bên cạnh những món quà ý nghĩa về lời nói, những cuốn sách trong cuộc đời làm khoa học của thầy cũng đã gợi ý ra nhiều ý tưởng mới cho cô và trò trường Ngô Gia Tự trong công cuộc xây dựng trường lớp xanh, sạch đẹp và văn minh.
Cuối buổi hội thảo, cô giáo Đào Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự đã cảm ơn Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo đầy ý nghĩa cho thầy và trò trường Ngô Gia Tự.
Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trong cả nước. Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường. Email: toasoan@giaoduc.net.vn. Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả. |