Các mô hình giáo dục đặc biệt ở Mỹ

04/09/2018 06:58
Bài và ảnh: Đinh Thu Hồng
(GDVN) - Thu Hồng nghĩ trước hết mình nên làm những gì có thể như: cung cấp và phổ biến thông tin để giúp tăng nhận thức của mọi người ở Việt Nam về giáo dục đặc biệt.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của cô Thu Hồng - một giáo viên tiểu học bang Georgia, Hoa Kỳ.

Trong bài viết lần này, cô Thu Hồng sẽ có những chia sẻ về các mô hình giáo dục đặc biệt ở Mỹ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thu Hồng viết bài này với ý nghĩ về những đứa trẻ là con những người bạn, đồng nghiệp, hàng xóm của của mình, những người mình vô cùng yêu quý.

Cũng là với ý nghĩ về những học sinh của mình và về những học sinh đặc biệt khắp nơi, cả ở Mỹ và Việt Nam - những cô bé cậu bé thật đặc biệt và là một điều kỳ diệu, giống như bất kỳ đứa trẻ nào trên thế giới.

Bản thân có hàng xóm Mỹ có con trai bị tự kỷ, tiếp xúc hàng ngày, rồi dạy học sinh đặc biệt tại trường, Thu Hồng thấy bố mẹ của những học sinh đặc biệt, ngoài tình yêu thương vô bờ bến đối với con như những bố mẹ của các bạn nhỏ bình thường khác, phải có nghị lực và niềm tin phi thường, để có thể sống cùng con, dạy dỗ con, yêu thương con, đồng hành cùng con.

Các mô hình giáo dục đặc biệt ở Mỹ ảnh 1Để trẻ tự kỉ hòa nhập với cuộc sống: Cần lắm những tấm lòng

Đấy là trong bối cảnh ở Hoa Kỳ có những điều kiện cực kỳ thuận lợi và tối ưu cho các em học sinh đặc biệt, như có xe đưa đón, điều kiện thuốc thang chữa trị, có cô giáo đến nhà kèm thêm riêng... (mọi chi phí do nhà nước trả).

Vậy mà Thu Hồng còn thấy bố mẹ của những bạn học sinh bên này vẫn vất vả thế nào: những đêm bố mẹ ngủ thất thường hay mất ngủ, những bữa đi ăn hay chơi bị gián đoạn, những buổi sáng bắt đầu với nụ cười và kết thúc bằng những giọt nước mắt...

Nói vậy để thấy bố mẹ cũng như bản thân các bạn học sinh giáo dục đặc biệt ở Việt Nam sẽ thiệt thòi và vất vả hơn cỡ nào.

Càng quan sát, làm việc nhiều bên này Thu Hồng càng khao khát cháy bỏng và mong ước một ngày rất gần các bạn nhỏ đặc biệt ở Việt Nam được như bên này.

Giá như Thu Hồng có thể mang tất cả các bạn ý sang đây được!

Do đó, Thu Hồng nghĩ trước hết mình nên làm những gì có thể như: cung cấp và phổ biến thông tin để giúp tăng nhận thức của mọi người ở Việt Nam về giáo dục đặc biệt nói riêng và giáo dục tiểu học nói chung.

Cách nhìn nhận đề cao cá nhân và sự độc đáo, đặc biệt của mỗi người thể hiện rõ trong mọi mặt của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, nhất là trong mảng giáo dục đặc biệt (special education).

Một trong những chiến lược sư phạm quan trọng được quy định rõ trong luật giáo dục Hoa Kỳ là mô hình thu nhận (inclusion model).

Theo đó, những học sinh khuyết tật (hay chính xác hơn là học sinh có nhu cầu đặc biệt theo thuật ngữ bên này) tùy theo mức độ bệnh tật và nhu cầu sẽ được tham gia những hoạt động học tập ở mức độ khác nhau trong một lớp học dành cho học sinh bình thường (general education classes).

Các bạn trẻ khuyết tật tham gia hoạt động trong môi trường giống các bạn trẻ bình thường khác.
Các bạn trẻ khuyết tật tham gia hoạt động trong môi trường giống các bạn trẻ bình thường khác.

Mô hình thu nhận đặc biệt xoay quanh quy tắc "môi trường hạn chế tối thiểu" (Least Restrictive Environment - LRE), được hiểu là trẻ em khuyết tật tiếp xúc và hoạt động trong môi trường càng giống bình thường càng tốt.

Bốn môi trường LRE phổ biến, được phân theo mức độ nặng nhẹ của bệnh và dị tật là:

1. Học lớp bình thường có hỗ trợ: học sinh khuyết tật hay học sinh có nhu cầu đặc biệt học ở lớp bình thường, tham gia tất cả các hoạt động học tập vui chơi như học sinh bình thường.

Ngoài ra, tùy theo nhu cầu của từng bạn mà có những dịch vụ hay sự hỗ trợ phù hợp. Ví dụ như có cô giáo phụ kèm riêng, ngồi sát bên cạnh, hay có thiết bị nghe nhìn phụ trợ...

Thông thường những bạn học trong môi trường này có khuyết tật nhẹ như bị dyslexia hay rối loạn học tập, tự kỷ nhẹ.

Đây là môi trường lý tưởng và ít hạn chế nhất nhưng ít phổ biến do vấn đề kinh phí và nhân lực.

Các bạn trẻ khuyết tật tham gia vui chơi như những bạn trẻ bình thường.
Các bạn trẻ khuyết tật tham gia vui chơi như những bạn trẻ bình thường.

2. Học lớp bình thường một phần trong ngày: như tên gọi, học sinh khuyết tật hay học sinh có nhu cầu đặc biệt chỉ ở lớp bình thường một phần trong ngày. Phần ngày còn lại các bạn sẽ được học với cô giáo chuyên về giáo dục đặc biệt.

Cũng giống như môi trường trên (số 1), môi trường này dành cho những bạn có khuyết tật nhẹ. Đây cũng là môi trường/mô hình thu nhận phổ biến nhất tại các trường học, trong đó có trường và lớp của Thu Hồng.

Trong những năm đi dạy vừa qua, năm nào Thu Hồng cũng có ít nhất 2-3 bạn là học sinh có nhu cầu đặc biệt.

Mình, trong tư cách đứng lớp/chủ nhiệm, thường xuyên làm việc với cô giáo chuyên về giáo dục đặc biệt (special education teacher) và những thầy cô hay nhân viên khác trong trường như nhà tâm lý học, cô y tá... để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu cần thiết cho các bạn.

Nếu ngày học hàng ngày là 7 tiếng thì các bạn khuyết tật ở với lớp mình ít nhất 5 tiếng. 1-2 tiếng còn lại các bạn sẽ sang phòng/lớp học khác để học những môn các bạn đó cần như đọc, viết, toán hay vận động, phát âm...

Năm tiếng trong lớp mình, các bạn tham gia đầy đủ những hoạt động cùng cả lớp, từ học những môn phụ đến giờ ra chơi, từ ăn trưa đến đi tham quan...

Các bạn khuyết tật tham gia học tập cùng những bạn trẻ bình thường khác.
Các bạn khuyết tật tham gia học tập cùng những bạn trẻ bình thường khác.

Cả lớp không biết hay phân biệt những bạn đó là học sinh khuyết tật. Những bạn đó được gọi tên và được biết đến như bất cứ bạn cùng lớp nào. Cứ đến giờ thì các bạn tự đi sang phòng hay lớp dành cho giáo dục đặc biệt.

Nhiều khi mải làm gì đó quên giờ thì các bạn khác trong lớp nhắc. Xong quay về lẳng lặng vào lại lớp, không ai chỉ trỏ hay để ý. Và cả lớp tiếp tục các hoạt động như bình thường.

Năm học này, Thu Hồng (hiện dạy lớp 3) có hai học sinh hệ giáo dục đặc biệt, trong đó có một bạn chưa đọc thạo. Thế nhưng cả lớp không một ai để ý hay làm trò cười về điều đó.

Khi cả lớp phải làm hoạt động nào cần đến khả năng đọc, bạn đó sẽ được những bạn xung quanh giúp đỡ bằng cách đọc cho, hướng dẫn cách làm...

Hoặc khi cả lớp đang làm bài kiểm tra đọc hay viết, mình cho bạn ý vẽ thay vì viết, rồi học từ hay âm bằng flashcards, bộ ghép chữ cái bằng nhựa hoặc ứng dụng trên máy tính...

Các mô hình giáo dục đặc biệt ở Mỹ ảnh 5Làm sao để trẻ khuyết tật có thể hội nhập với cộng đồng?

Trong trường hợp lớp có dự án, bạn nhỏ này tham gia đầy đủ với nhiều tư cách khác nhau như cắt, dán, tô màu, diễn kịch...

Và bất cứ ai tham dự vở kịch hay buổi trình bày dự án của lớp sẽ không phân biệt được ai là học sinh bình thường, ai là khuyết tật, học sinh nào biết đọc và không biết đọc.

3. Chương trình giáo dục đặc biệt: học sinh khuyết tật hay học sinh có nhu cầu đặc biệt được gom lại học với nhau trong một lớp riêng. Môi trường này dành cho những bạn học sinh nặng hơn một chút.

Tùy thuộc kinh phí của từng quận (school district) mà mỗi trường đều có lớp như thế hay vài trường chung một lớp/chương trình.

4. Trường giáo dục đặc biệt: học sinh khuyết tật hay học sinh có nhu cầu đặc biệt tập trung theo nhóm chuyên biệt trong môi trường này. Mô hình này khá giống trường mù Nguyễn Đình Chiểu ở Việt Nam.

Điểm đáng lưu ý nữa là mỗi một trẻ khuyết tật đều có một chương trình học/giáo dục riêng (Individualized Education Program- IEP) dành cho mình.

Chương trình này do một nhóm thầy cô tạo ra dựa trên bản thân nhu cầu của mỗi học sinh, rồi kết quả kiểm tra của bác sĩ, chuyên viên tâm lý, thầy cô và tham khảo ý kiến phụ huynh.

Dạy trẻ khuyết tật, giáo viên phải dạy bằng cả tấm lòng người làm cha, làm mẹ

Tất cả những điều khoản đặt ra trong IEP sẽ phải được tuân thủ hết sức ngặt nghèo, vì luật giáo dục có điều luật quy định rất rõ về giáo dục đặc biệt.

Ví dụ: nếu học sinh cần được luyện phát âm ít nhất 30 phút/tuần hay cần testing accommodation (bố trí khi thi; một số testing accommodation phổ biến là read aloud - đọc cho, extended time - thêm thời gian, hoặc small group - trong nhóm nhỏ), hay cần ngồi gần cô hoặc bảng (preferential seating).... thì từ cô giáo chủ nhiệm đến cô bộ môn, cô chuyên giáo dục đặc biệt, từ phụ huynh đến thầy cô hiệu trưởng đều phải biết rõ và tuân theo.

Nhìn trong hình lúc các bạn nhỏ lớp mình trình bày dự án thì đâu có phân biệt được ai là học sinh bình thường ai là học sinh đặc biệt đâu đúng không?

Bài và ảnh: Đinh Thu Hồng