Đề nghị lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo làm rõ vụ thêm 14 chất khác vào Sữa học đường

17/04/2019 11:38
Hồng Thủy
(GDVN) - Sở Giáo dục Hà Nội ra bài thầu sữa tươi bổ sung 3 vi chất, nhưng chấp nhận cho Vinamilk pha thêm 14 chất khác vào sữa học đường, là tự phá vỡ Hồ sơ mời thầu.

Trong bài viết trước, "Sản phẩm của Vinamilk trái quy định hồ sơ mời thầu Sữa học đường Hà Nội", chúng tôi đã phân tích quy định kĩ thuật đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường trong Hồ sơ mời thầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Sản phẩm thực phẩm bổ sung của Vinamilk cung cấp cho Chương trình Sữa học đường Hà Nội trái với Hồ sơ mời thầu quy định cụ thể tại Văn bản số 3976/SGDĐT-KHTC sửa đổi hồ sơ mời thầu ngày 21/9/2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Sở Giáo dục và Đào tạo tự phủ định Hồ sơ mời thầu của mình

Ngày 16/4/2019 tại cuộc giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, trả lời câu hỏi của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam "vì sao hồ sơ mời thầu yêu cầu sữa tươi bổ sung 3 vi chất, nhưng lại để sản phẩm thực phẩm bổ sung pha 17 vi chất của Vinamilk vào Sữa học đường?", đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết:

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến phát biểu về sữa học đường tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 16/4/2019, bên trái ông Tiến là ông Nguyễn Văn Nhiên và bà Trần Khánh Vân. Ảnh: hanoi.gov.vn.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến phát biểu về sữa học đường tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 16/4/2019, bên trái ông Tiến là ông Nguyễn Văn Nhiên và bà Trần Khánh Vân. Ảnh: hanoi.gov.vn.

Trong quá trình đánh giá hồ sơ mời thầu, ngoài 3 vi chất đã có quy định bắt buộc, trong hồ sơ kỹ thuật của Vinamilk đã đề xuất thêm các khoáng chất và vitamin.

Các khoáng chất, vi chất nhà thầu Vinamilk đề xuất, trong quá trình đánh giá hồ sơ mời thầu, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham chiếu với Thông tư 43 của Bộ Y tế đều đảm bảo trong các vi chất, khoáng chất.

Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chấp thuận các nội dung này trong hồ sơ đề xuất. [1]

Thứ nhất, việc bổ sung thêm 14 chất khác vào sản phẩm cung cấp cho Chương trình Sữa học đường là trái Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế về sản phẩm sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường.

Thứ hai, nếu đúng hồ sơ đề xuất kỹ thuật của Vinamilk đã đề xuất bổ sung 14 vi chất như phát biểu của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại cuộc họp báo ngày 16/4/2019, mà Sở vẫn cho Vinamilk lọt qua vòng hồ sơ đề xuất kỹ thuật, là Sở phủ định chính hồ sơ mời thầu của mình.

Cụ thể, ngày 21/9/2018, Sở có Văn bản số 3976/SGDĐT-KHTC sửa đổi hồ sơ mời thầu, yêu cầu các nhà thầu thay thế nội dung chi tiết 2.2.2 "Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu trong 100 ml" thuộc Mục 2, khoản 2. Yêu cầu về kỹ thuật (trang 82, 83, 84) bằng các yêu cầu sau:

Đề nghị lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo làm rõ vụ thêm 14 chất khác vào Sữa học đường ảnh 2

Đừng lấy sức khỏe trẻ em Hà Nội tham gia Sữa học đường ra đánh cược cho Vinamilk

- Đảm bảo theo Quy chuẩn QCVN 5-1:2010/BYT ban hành ngày 02/6/2010 của Bộ Y tế về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng.

- Đảm bảo các vi chất dinh dưỡng và hàm lượng theo các quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường và bổ sung các vi chất sau:

Vitamin D: 1,0 µg - 1,4 µg

Sắt (Fe): 1,4 mg - 1,9 mg

Canxi (Ca): 114 mg - 150 mg

Như vậy phải chăng chính Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã không tuân thủ yêu cầu kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu do chính mình đặt ra? Vinamilk thích thay đổi yêu cầu kỹ thuật thế nào cũng được Hà Nội chấp nhận?

Thứ ba, Hà Nội đấu thầu sản phẩm sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường, vì sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại đi tham chiếu Thông tư số 43/2014/TT-BYT về quản lý thực phẩm chức năng?

Trong trường hợp này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ có thể tham chiếu Quyết định 5450/QĐ-BYT về sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường và các sản phẩm sữa tươi theo QCVN 5-1:2010/BYT.

Để bảo vệ mục tiêu nhân văn, cao đẹp của Chương trình Sữa học đường cũng như đồng vốn ngân sách quý báu, chúng tôi kính đề nghị lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vào cuộc chỉ đạo làm rõ để Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trả lời dư luận những vấn đề nêu trên.

Thành phần khách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mời dự giao ban báo chí Thành ủy có đúng chức năng?

Trong cuộc họp giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội ngày 16/4/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có mời 2 vị đến thông tin về việc bổ sung 14 vi chất vào sản phẩm thực phẩm bổ sung (thực phẩm chức năng) Vinamilk cung cấp cho Chương trình Sữa học đường Hà Nội.

Bà Trần Khánh Vân và ông Nguyễn Văn Nhiên tham dự giao ban báo chí Thành ủy theo lời mời của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, 2 vị này bảo vệ việc pha thêm 14 vi chất vào sữa học đường, bất chấp quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng như khuyến nghị của chính Viện Dinh dưỡng. Ảnh: Minh An.
Bà Trần Khánh Vân và ông Nguyễn Văn Nhiên tham dự giao ban báo chí Thành ủy theo lời mời của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, 2 vị này bảo vệ việc pha thêm 14 vi chất vào sữa học đường, bất chấp quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng như khuyến nghị của chính Viện Dinh dưỡng. Ảnh: Minh An.

Thứ nhất là Phó chánh thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên, ông Nhiên cho biết mình đến theo lời mời của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và đại diện cho Thanh tra Bộ Y tế.

Theo Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 4445/QĐ-BYT ngày 5/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế, người phát ngôn và cung cấp thông tin chính thức cho báo chí của Bộ Y tế gồm:

Bộ trưởng Bộ Y tế, một Thứ trưởng được Bộ trưởng giao nhiệm vụ cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên, đối với lĩnh vực An toàn thực phẩm là Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm.

Như vậy, một số phát ngôn của ông Nguyễn Văn Nhiên diễn giải không đúng Quyết định số 1340/QĐ-TTg và Quyết định 5450/QĐ-BYT về việc Vinamilk bổ sung 14 vi chất vào sản phẩm Sữa học đường, không đại diện cho quan điểm của Bộ Y tế.

Cổng giao tiếp điện tử của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (hanoi.gov.vn) ngày 16/4/2019 dẫn lời Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên lập luận:

Đề nghị lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo làm rõ vụ thêm 14 chất khác vào Sữa học đường ảnh 4

Học sinh Hà Nội đang uống thực phẩm chức năng mà cứ ngỡ Sữa học đường?

Hiện nay, theo góc độ nghiên cứu và các tài liệu cũng cho thấy, chưa nhận được bất kỳ nghiên cứu nào nói việc bổ sung vi chất trong sữa Vinamilk đang cung cấp trong chương trình Sữa học đường tại Hà Nội là không tốt cho sức khỏe. [2]

Nói đúng hơn là chưa có nghiên cứu nào về việc Vinamilk bổ sung thêm 17 vi chất vào sữa tươi (vốn đã đủ vi chất thiết yếu) cung cấp cho Chương trình Sữa học đường Hà Nội ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em như thế nào.

Chưa có nghiên cứu đối chứng mà cứ bổ sung, sau này nếu sức khỏe các em uống thực phẩm chức năng bổ sung 17 vi chất này có vấn đề gì, ai chịu trách nhiệm?

Ngay cả trường hợp đã có nghiên cứu đối chứng tại Thủ đô thì vẫn phải được cơ quan chức năng, ở đây là Bộ Y tế, cho phép. Không thể có chuyện doanh nghiệp thích pha thêm vi chất gì vào Sữa học đường cũng được.

Trong khi Bộ Y tế chưa ban hành thông tư về sản phẩm sữa tươi cho Sữa học đường có bổ sung vi chất, thì hãy giữ nguyên ly sữa tươi đúng QCVN 5-1:2010/BYT.

Thứ hai là bà Trần Khánh Vân - Phó Trưởng khoa Vi chất thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mời đến bảo vệ quyết định pha thêm 14 loại vi chất ngoài 3 vi chất trong Hồ sơ mời thầu.

Đề nghị lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo làm rõ vụ thêm 14 chất khác vào Sữa học đường ảnh 5

Ai phải chịu trách nhiệm về việc pha thêm 14 chất khác vào Sữa học đường Hà Nội?

Tuy nhiên những điều bà Trần Khánh Vân phát biểu tại cuộc họp giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, cũng như phát biểu của bà trên truyền thông, đều đi ngược lại công văn số 437/DDHĐ&NN ngày 17/9/2018 của Viện Dinh dưỡng về đề xuất các vi chất trong sữa sử dụng cho Chương trình Sữa học đường.

Đấy là chưa kể bà Trần Khánh Vân còn viện dẫn QCVN 5:1-2017/BYT mà Bộ Y tế đã hủy bỏ để chuyển dự thảo sang Bộ Công thương để lý giải cho việc Vinamilk bổ sung vượt 14 vi chất.

Chúng tôi đề nghị Giáo sư Tiến sĩ Thầy thuốc nhân dân Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết quan điểm về những phát ngôn trái với công văn của Viện Dinh dưỡng, trái quy định của Bộ Y tế và Thủ tướng Chính phủ về sản phẩm phục vụ Chương trình Sữa học đường mà bà Trần Khánh Vân đã phát biểu.

Cổ nhân dạy, danh chính ngôn thuận. Danh đã không chính, liệu giải thích của 2 vị này có giá trị gì không, hay chỉ lợi dụng danh nghĩa Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng quốc gia để bảo vệ những gì đã làm không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế?

Vì sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không mời Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế?

Những nguy hiểm nào dẫn đến bổ sung vitamin và khoáng chất quá liều?

Thừa Vitamin cũng có thể gây nguy hiểm cho cơ thể trẻ, chẳng hạn như:

Thừa Vitamin A có thể gây ngộ độc làm tăng áp lực nội sọ dẫn đến trẻ bị nôn nhiều, đau đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển xương có thể làm trẻ chậm lớn, rối loạn thần kinh. Vitamin A cũng có thể gây quái thai, vì vậy không nên dùng cho mẹ ngay trước thời kỳ mang thai và đặc biệt không nên dùng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.

Thừa Vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin.

Do không có hiện tượng tích lũy nên hầu như không gặp thừa Vitamin C,nhưng nếu dùng liều cao theo đường uống có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy. Dùng đường tiêm với liều cao có thể gây tan máu, đặc biệt ở những người thiếu men G6PD.

Thừa Vitamin D có thể làm cho trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, có trường hợp có thể bị thiểu năng, kém trí tuệ. Có trường hợp bổ sung Vitamin D quá nhiều có thể gây suy thận và tử vong rất nhanh.

Thừa Vitamin K thường chỉ gặp khi dùng đường tiêm kéo dài có thể gây tan máu và vàng da.

Thừa canxi dẫn đến gây mệt mỏi, chán ăn, sỏi thận, tăng huyết áp...xương cốt hoá sớm có thể bị thấp chiều cao

Thừa sắt dẫn đến gan nhiễm săt, tim nhiễm sắt dẫn đến suy tim

Thừa kẽm dẫn đến biếng ăn, nôn, rối loạn tiêu hoá…

Trích "Khi nào trẻ cần bổ sung vitamin và khoáng chất bằng thuốc?", Thạc sĩ Lê Thị Hải - Đặc san Dinh dưỡng Sức khỏe & Đời sống số 1 năm 2012, website Viện Dinh dưỡng dẫn lại ngày 27/5/2017. [3]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/So-Giao-duc-Ha-Noi-Pho-chanh-thanh-tra-Bo-Y-te-tra-loi-cau-hoi-cua-Bao-post197524.gd

[2]https://www.hanoi.gov.vn/web/guest/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/7320/2825108/viec-bo-sung-vi-chat-dinh-duong-trong-sua-hoc-uong-la-phu-hop.html;jsessionid=hahW7hMdcowa56nuo9FJH+F6.app2

[3]http://viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-tre-em/khi-nao-tre-can-bo-sung-vitamin-va-khoang-chat-bang-thuoc.html

Hồng Thủy