Giáo dục trẻ chỉ mình ngành giáo dục thôi chưa đủ

14/04/2019 06:22
THANH AN
(GDVN) - Giáo dục học sinh cần chung tay, cần có trách nhiệm chung của mọi người. Một mình ngành giáo dục và các thầy cô giáo là chưa đủ.

Khi các vụ việc ẩu đả của học trò xảy ra, điều mà dư luận thường nghĩ đến đầu tiên là trách nhiệm của ngành giáo dục và thầy cô giáo ở các nhà trường.

Nhiều người còn gọi tên Bộ trưởng Giáo dục ra chửi. Vẫn biết, thầy cô giáo, nhà trường và cá nhân Bộ trưởng có một phần trách nhiệm nhưng có phải là tất cả không?

Vậy, vai trò của gia đình và các tổ chức đoàn thể đang ở đâu?

Cái khó của nhà trường và thầy cô giáo.

Là những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, chúng tôi không phủ nhận trách nhiệm của mình, không thoái thác vai trò, thiên chức của người thầy.

Chúng tôi cũng đau lòng khi thấy học trò đánh nhau xuất hiện trong trường, trên mạng xã hội. Nhưng, thử hỏi một mình thầy cô giáo có làm được không, có hạn chế được học sinh đánh nhau không?

Bạo lực học đường sẽ giảm khi có sự chung tay của mọi người (Ảnh minh họa: baotintuc.vn)
Bạo lực học đường sẽ giảm khi có sự chung tay của mọi người (Ảnh minh họa: baotintuc.vn)

Đa phần các vụ việc bạo lực nghiêm trọng của học trò thường xảy ra ở ngoài nhà trường. Chỉ có một số ít diễn ra ở nhà trường vào những thời điểm chưa vào học hoặc giờ chơi.

Vụ việc gần đây nhất mà báo chí đang nói nhiều ở Hưng Yên cũng xảy ra vào thời điểm đã hết giờ học…Những sự việc như vậy thầy cô rất khó có thể biết được để can ngăn.

Nói vậy, không có nghĩa là thoái thác trách nhiệm của người thầy nhưng đây chính là cái khó của nhà trường.

Thời gian qua, có một số hiện tượng giáo viên bạo lực học trò, đó là điều đáng trách vô cùng. Những hành động và việc làm đó đáng bị lên án và chính họ đã bị kỷ luật, bị trả giá cho hành động của mình.

Cả nước có hơn 1 triệu giáo viên, đa phần họ đã và đang phát huy được phẩm chất và năng lực của mình. Họ vẫn làm tốt vai trò người thầy, trách nhiệm của một viên chức giáo dục.

Có biết bao nhiêu thầy cô ngoài giờ hành chính phải đến nhà học sinh vận động học sinh trở lại trường, biết bao thầy cô góp những đồng lương ít ỏi của mình để hỗ trợ cho trò mà báo chí vẫn thường xuyên phản ánh đó sao?

Vì vậy, họ cần được tôn trọng thì mới góp phần vào giáo dục, định hướng cho trẻ có những hướng đi, hành động đúng. Không nên, chỉ vì một vài trường hợp cá biệt mà dư luận đánh đồng hình ảnh người thầy.

Giáo dục trẻ chỉ mình ngành giáo dục thôi chưa đủ ảnh 2Khi thầy cô bị tước hết công cụ và uy lực, khó tránh học trò bạo lực, hỗn hào

Cái cần của giáo viên hiện nay không phải là hình thức giáo dục bằng đòn roi hay xúc phạm học trò mà đó là hệ thống pháp luật không đẩy giáo viên vào những bức tường.

Nhất là sự cảm thông, đồng lòng phối hợp của gia đình trong giáo dục con trẻ.

Nhưng, hệ thống pháp luật của chúng ta dành cho giáo dục và thầy cô giáo ra sao? Phụ huynh đã thực sự phối hợp với thầy cô và tôn trọng thầy cô hay chưa?

Thầy cô muốn giáo dục học trò nên người nhưng chỉ một sự cố nhỏ là đòi đuổi việc, đòi đánh đập và xúc phạm giáo viên thì rất khó để thầy cô có thể uốn nắn khi thấy học trò hư hỏng, hỗn láo.

Họ sợ đủ điều, sợ bị đuổi khỏi ngành, sợ bị kỷ luật, sợ vì cái nhìn khắt khe của dư luận, của gia đình học sinh.

Gia đình và các đoàn thể ở đâu?

Hiện nay, việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em có rất nhiều cơ quan đoàn thể và vô vàn những văn bản pháp quy nhưng xem chừng vẫn còn nhiều điều đáng nói.

Các đoàn thể địa phương chỉ lên tiếng khi có sự việc bạo hành xảy ra, các văn bản thì chủ yếu vẫn nằm trên giấy và ở đâu đó…thật xa.

Ngay cả những văn bản của Bộ, của Sở ban hành cũng ít khi đến được với giáo viên nếu giáo viên đó không thường xuyên đọc báo.

Vì đa phần đều gửi qua email và chuyển từ trên xuống, đến trường học rồi nằm lại ở hộp thư nhà trường.

Các đoàn thể đều là kiêm nhiệm và họ cũng chẳng mấy khi màng tới học trò ra sao nên có mấy khi họ vào trường phối hợp tuyên truyền, giáo dục học trò gì đâu.

Giáo dục trẻ chỉ mình ngành giáo dục thôi chưa đủ ảnh 3Em bị đánh hội đồng và cái giá của sự im lặng

Như vậy, đoàn thể ở địa phương đã không phát huy được vai trò.

Điều rất lạ là khi xảy ra những vụ ẩu đả của học trò thì ít người nói đến vai trò gia đình, trong khi gia đình vẫn là nền tảng chính để hình thành nhân cách cho con em mình.

Nhưng, thử hỏi có phải tất cả cha mẹ quản lý sát sao được con em mình. Đã bao giờ gia đình quản lý được giờ giấc học tập, vui chơi của con mình chưa?

Đã bao giờ cha mẹ có thể kiểm soát được con mình chơi gì trên điện thoại chưa? Đã bao giờ cha mẹ đọc được những tin nhắn, những bình phẩm con mình trên Facebook và Zalo chưa?

Hay, một số phụ huynh chỉ đáp ứng được yêu cầu tiền bạc và đứng lên bảo vệ con mình một cách quá thái khi có một sự cố nào xảy ra?

Đừng đẩy trách nhiệm hết cho thầy cô giáo và nhà trường. Vai trò gia đình  vẫn là cốt lõi nhất trong việc giáo dục, định hướng về nhân cách, đạo đức cho các em nhỏ.

Cha mẹ quan tâm, yêu thương, luôn bên cạnh con những lúc buồn vui sẽ có những đứa con biết lễ phép, biết vâng lời và biết nhận thức đúng sai khi đối mặt với những sự việc xảy ra bên mình.

 Giải pháp nào cho việc giáo dục học sinh?

Thứ nhất: Đối với khối trường từ cấp trung học cơ sở trở lên cần được lắp hệ thống camera giám sát, ít nhất là các dãy hành lang của các lớp học.

Trong thời gian đầu buổi học, giờ chơi và cuối buổi học thì nhà trường cần phân công có sự hiện hữu của giáo viên đoàn- đội hoặc giám thị nhà trường.

Trong các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp hãy bớt tạo áp lực mà có những câu chuyện nhỏ về những tấm gương, về đạo đức để học sinh soi rọi lại mình

Giáo dục trẻ chỉ mình ngành giáo dục thôi chưa đủ ảnh 4Học sinh “nhờn thuốc” và thầy cô bất lực trong giáo dục

Thứ hai: Cần kéo giãn sĩ số lớp học hiện nay ra bởi nhiều lớp học có sĩ số đến trên 60 học trò/ lớp thì làm sao mà giáo viên có thể gần gũi và sâu sát với học trò?

Sĩ số ấy, thời gian ấy mà vừa giảng dạy cho hết nội dung bài học vừa uốn nắn đạo đức là điều rất khó.

Thứ ba: Gia đình cần dành nhiều hơn thời gian cho con em mình và tạo sự thân thiện, gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau nhiều hơn. Buổi tối, cha mẹ bớt tổ chức và tham gia nhậu nhẹt, bớt lướt điện thoại để có thể gần gũi con hơn.

Đặc biệt, có thể thường xuyên vào lịch sử điện thoại, máy tính và tìm hiểu xem những hoạt động của con mình trên điện thoại và máy tính như thế nào để uốn nắn.

Đồng thời, cha mẹ cũng cần chủ động hỏi thăm, tìm hiểu động lực, thái độ học tập của con em mình qua các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy con mình.

Việc này rất dễ bởi giờ đây thì gần như ai cũng có điện thoại, có Facebook…

Thứ tư: Các đoàn thể địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, với các gia đình trong việc tuyên truyền, quản lý, nhắc nhở các em làm những điều hay, việc tốt.

Đoàn- đội ở địa phương cũng cần tổ chức một số trò chơi trên địa bàn để các em cùng tham gia, vui chơi lành mạnh.

Thứ năm: Bộ Thông tin truyền thông cũng chủ động ngăn chặn những clip độc hại trên mạng Internet.

Tránh tình trạng để các em thần tượng một kẻ giang hồ như Khá “bảnh” vừa qua khi có hàng triệu học sinh, sinh viên đã thích thú, thần tượng nhân vật này.

Giáo dục học sinh cần chung tay, cần có trách nhiệm chung của mọi người. Một mình ngành giáo dục và các thầy cô giáo là chưa đủ.

Đừng để ngành giáo dục, thầy cô giáo lẻ loi giáo dục học trò để rồi khi có sự cố xảy ra lại hướng vào ngành giáo dục!

THANH AN