Phản hồi thông tin của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng

27/02/2019 07:00
GDVN
(GDVN) - Ngày 12/2/2019, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng đã gửi Đơn đề nghị đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam yêu cầu kiểm tra và xử lý những nội dung phản ánh trên báo.

Ngày 12/2/2019, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng đã gửi Đơn đề nghị đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam yêu cầu kiểm tra và xử lý những nội dung phản ánh trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Căn cứ theo quy định của pháp luật, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải nội dung Đơn đề nghị trên.

Kính gửi: - Ông Tổng biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam,

                 - Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk.

Trước hết Trường Tiểu học Lý Tự Trọng xin cảm ơn Quý báo đầu năm 2019 đã quan tâm phản ánh tới một sự việc mà đã kéo dài nhiều năm tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, Thành phố Buôn Ma Thuột.

Việc giải quyết đơn tố cáo của cô Tâm đã kéo dài nhiều năm là có thật.

Tuy nhiên, trong 3 bài báo mà Quý báo đã phản ánh vừa qua có nhiều nội dung viết về Hiệu trưởng, Hội đồng nhà trường, Công đoàn nhà trường và Kế toán không đúng sự thật, thiếu khách quan, đó chỉ là thông tin từ một chiều, làm bạn đọc hiểu nhầm, gây dư luận không tốt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và danh dự của Cấp ủy Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường, Công đoàn và Hiệu trưởng cũng như tập thể Trường Tiểu học Lý Tự Trọng.

Sau khi các bài báo đăng tải, ngày 12/2/2019, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng đã gửi Đơn đề nghị Tổng Biên tập Báo kiểm tra và xử lý những nội dung phản ánh không đúng sự thật trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (Thuộc Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam tại địa chỉ: giaoduc.net.vn).

Chịu 6 năm oan trái, cô giáo Đắk Lăk cầu cứu Báo Giáo dục Việt Nam

Căn cứ điều 43, Luật báo chí 2016 về phản hội thông tin, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng đề nghị Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng phản hồi ý kiến của Nhà trường với từng nội dung cụ thể như sau:

1- Ngày 31 tháng 01 năm 2019, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng bài: “Chịu 6 năm oan trái, cô giáo Đăk Lăk cầu cứu Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam” (GDVN) và “Ai sẽ bảo vệ người lao động yếu thế khi họ dám đấu tranh với những điều sai trái?” được đặt ra nhiều lần nhưng vẫn chưa có câu trả lời.

(Linh bài báo: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chiu-6-nam-oan-trai-co-giao-Dak-Lak-cau-cuu-Bao-Giao-duc-Viet-Nam-post195227.gd).

Bài báo nói về cô Nguyễn Thị Tân (sinh 1973) hiện đang là giáo viên Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, Thành phố Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đắk Lắk.

Trong bài báo có viết nội dung: “Cô bị trù dập 6 năm tại trường bởi dám đấu tranh tiêu cực; Đã thế, nhiều năm nay, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng đã lấy lý do “khiếu kiện vượt cấp” để không xếp thi đua cho cô giáo Tân hoặc xếp loại yếu. Mặc dù bản thân cô Tân là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố hàng chục năm trời.

6 năm ròng rã khởi kiện là 6 năm cô giáo Tân phải nhận biết bao uất ức, tủi nhục từ sự trù dập của chính hiệu trưởng nhà trường, sự làm ngơ của công đoàn các cấp”.

Với những nội dung liên quan tới thẩm quyền cấp trên chúng tôi không đề cập tới. Riêng những nội dung liên quan đến Hiệu trưởng và Công đoàn nhà trường chúng tôi có ý kiến như sau:

Trong 6 năm công tác tại trường Tiểu học Lý Tự Trọng, cô Nguyễn Thị Tân đều được Hội đồng thi đua nhà trường xếp loại thi đua ở các mức: Tốt; Khá; Trung bình; Yếu tùy theo mức độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Công đoàn cũng như những vi phạm ở từng năm học của cô Tân.

Cụ thể như sau: Loại tốt (năm học 2012-2013), Loại khá (năm học 2015-2016); Loại trung bình (năm học 2013-2014; 2014-2015; 2016-2017); Loại yếu (2017-2018).

Việc xếp loại thi đua của cán bộ, giáo viên, nhân viên của Tiểu học Lý Tự Trọng đều được Hội đồng thi đua nhà trường xem xét rất kĩ lưỡng, các tiêu chí thi đua được thống nhất từ các tổ Chuyên môn, Công đoàn rồi mới triển khai thực hiện, tất cả đều được thực hiện theo đúng các văn bản của cấp có thẩm quyền và có hồ sơ, thủ tục tài liệu, chứng cứ cụ thể.

Vì sao cô giáo Tân viết đơn xin ra khỏi Công đoàn?

Xin được trao đổi thêm với Quý Báo: đối với cô Tân từ năm 2013-2014 đến nay không chỉ có một lý do khiếu kiện vượt cấp mà còn có nhiều vi phạm khác của ngành.

Mặt khác, từ khi cô Tân về trường (từ tháng 9 năm 2012) tới nay (18/2/2019) cô Tân chưa một lần tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố và Trường Tiểu học Lý Tự Trọng là trường nằm ở trung tâm thành phố đã được công nhận trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia năm 20111.

- Ngày 1/02/2019 Báo Giáo dục Việt Nam có tiếp bài viết: “Vì sao cô giáo Tân viết đơn xin ra khỏi tổ chức công đoàn?”.

Trong đó có đoạn: “Xin ra khỏi tổ chức công đoàn vì công đoàn trường Tiểu học Lý Tự Trọng không bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của tôi mà cứ theo cấp trên làm khó”.

Trong bài báo trên còn có đoạn viết: “Theo chúng tôi, việc cô giáo Tân nêu ý kiến là có và cũng đã kéo dài nhiều năm”.

(Link bài báo: http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Vi-sao-co-giao-Tan-viet-don-xin-ra-khoi-Cong-doan-post195371.gd).

Về nội dung này chúng tôi phản hồi như sau: Bài báo phản hồi như vậy là không chính xác. Vì công đoàn cơ sở qua các nhiệm kì đã làm việc và góp ý với cô Tân rất nhiều lần (từ việc cô Tân không tham gia đầy đủ các hoạt động của Công đoàn cơ sở, đến việc cô Tân không thực hiện đúng quy chế chuyên môn, kể cả việc trả lời cho cô Tân về xét thi đua khi cô khiếu nại lên Công đoàn các cấp) nhưng cô Tân vẫn cố tình không dừng lại.

Chúng tôi khẳng định: Công đoàn của nhà trường đã làm đúng theo Điều lệ của Công đoàn Việt Nam và từ khi cô Tân về trường đến nay Công đoàn trường chưa hề nhận được Đơn nào của cô Tân về việc xin ra khỏi tổ chức Công đoàn.

3- Ngày 12/2/2019 ở trang Báo Giáo dục Việt Nam đăng tiếp bài “Cô giáo Tân đã bị tước bỏ quyền lợi, trực tiếp rơi vào vòng nguy hiểm”… trong đó có 4 nội dung báo viết liên quan đến nhà trường gồm 4 nội dung như sau:

“1. Không chi trả hết tiền 20.000đ giấy thi đã thu sai quy chế mà chỉ dùng để “cấn trừ nợ” sang tiền học tăng buổi và nhờ Hội cha mẹ học sinh xin lại để dùng vào tiền quỹ khuyến học nhưng không dùng đúng mục đích.

2. Thu tiền Bảo hiểm y tế của 438 học sinh từ đầu năm học nhưng chỉ đăng nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội 310 học sinh, số tiền thu bảo hiểm y tế của 128 học sinh được hiệu trưởng giữ lại và tập thể giáo viên nhà trường không biết số tiền giữ lại để dùng vào mục đích gì.

3. Tiền dạy tăng buổi giáo viên chỉ được hưởng 70%, giáo viên dạy thừa buổi không được thanh toán thêm giờ, thời điểm tố cáo đã là tháng 9/2015 nhưng vẫn chưa được nhận lương tháng 4,5/2015.

4. Thu quỹ Đội nhưng không chi 1/3 quỹ Đội cho các chi Đội hoạt động theo quy định của Hội đồng Đội.

Để duy trì hoạt động Đội, giáo viên chủ nhiệm đã phải “ xuất tiền túi”.

Cô giáo Tân đã bị tước bỏ quyền lợi, trực tiếp rơi vào vòng nguy hiểm

(Link bài báo: http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Co-giao-Tan-da-bi-tuoc-bo-quyen-loi-truc-tiep-roi-vao-vong-nguy-hiem-post195525.gd).

Về 4 nội dung trên chúng tôi có phản hồi như sau:

Thứ nhất: 4 nội dung này trong bài báo viết không đúng với 4 nội dung mà đơn tố cáo của cô Tân từng gửi cho các cấp, làm cho sự việc rất nghiêm trọng.

Mặt khác, những nội dung mà cô Tân từng nêu trong đơn gửi đến các cấp, từ năm 2015 thanh tra Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Buôn Ma Thuột đã tiến hành kiểm tra, xác minh cụ thể từng nội dung và nhà trường cũng đã có báo cáo giải trình cụ thể với thanh tra Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố.

Với những nội dung tố cáo như trên, trường Tiểu học Lý Tự Trọng cũng đã đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét và giải quyết dứt điểm đơn tố cáo của cô Tân.

Vì những lý do trên, để đảm bảo khách quan, thông tin được đa chiều, trường Tiểu học Lý Tự Trọng đề nghị Ông Tổng Biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đăng ý kiến bài phản hồi của chúng tôi theo đúng quy định của Luật Báo chí năm 2016.

Nội dung đơn đề nghị Trường Tiểu học Lý Tự Trọng gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Nội dung đơn đề nghị Trường Tiểu học Lý Tự Trọng gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
GDVN