“Thầy già con hát trẻ” không phải lúc nào cũng đúng

01/02/2018 07:08
Phan Tuyết
(GDVN) - Xét về bình diện chung thì giáo viên lớn tuổi hiện nay (độ tuổi từ trên 50 đến 60) khó mà đáp ứng kịp với xu thế đổi mới của nền giáo dục nước nhà.

LTS: Trong thực tế, những giáo viên lớn tuổi thường có kinh nghiệm giảng dạy rất tốt nhưng không phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết phản ánh thực trạng có không ít các giáo viên tuổi cao, sức khỏe suy giảm, không kịp bắt nhịp với các phương pháp giảng dạy mới.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà ông bà ta lại nói “Thầy già, con hát trẻ”. Bởi giáo viên lớn tuổi thì thường nhiều kinh nghiệm nên dạy rất tốt.

Còn sàn diễn thì diễn viên, ca sĩ trẻ trung mới tươi mới, sôi động và như thế mới hấp dẫn, cuốn hút.

Thế nhưng không phải lúc nào câu nói ấy cũng đúng đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục hiện nay.

Giáo viên sắp về hưu. Hình minh họa trên Tạp chí điện tử Saostar
Giáo viên sắp về hưu. Hình minh họa trên Tạp chí điện tử Saostar

Kinh nghiệm nhiều nhưng giảng dạy thụ động đã lỗi thời

Không ai phủ nhận giáo viên có thâm niên nghề lâu năm thường có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy.

Những kinh nghiệm được chắt lọc, tích lũy trong suốt cả một quá trình dạy học thầy cô sẽ có cách truyền thụ bài giảng hiệu quả giúp học sinh tiếp thu bài tốt hơn, có biện pháp giúp đỡ học sinh yếu mau tiến bộ, có kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi, có kĩ năng sư phạm để giải quyết nhiều tình huống sư phạm phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và môi trường giáo dục hơn…

Và theo tâm lý của nhiều người Việt chúng ta, khi con cái học với những thầy cô lớn tuổi nhiều kinh nghiệm như thế cũng thấy yên tâm hơn.

Công bằng mà nói, khá nhiều thầy cô lớn tuổi vẫn giữ được nhiệt huyết với nghề mà lớp trẻ vẫn phải “chạy dài” không theo kịp.

Nhưng bên cạnh đó, không ít thầy cô vẫn giữ cách truyền thụ kiến thức thụ động, phương pháp giảng dạy nặng về truyền đạt, thuyết trình, giảng giải.

Liệu rằng cách giảng dạy truyền thống này có còn phù hợp với sự đổi mới năng động trong môi trường giáo dục lúc hiện nay hay không?

Nói điều này ra chắc chắn sẽ làm buồn lòng không ít những đồng nghiệp lớn tuổi.

Nhưng tôi cũng xin nói rằng mình không “chụp mũ”, không "vơ đũa cả nắm" vì không phải thầy cô nào lớn tuổi cũng dạy thụ động, càng không phải giáo viên trẻ nào cũng năng động.

“Thầy già con hát trẻ” không phải lúc nào cũng đúng ảnh 2Nâng tuổi hưu, sẽ có nhiều giáo viên "hy sinh" ngay trên bục giảng?

Nhưng xét về bình diện chung thì giáo viên lớn tuổi hiện nay (độ tuổi từ trên 50 đến 60) khó mà đáp ứng kịp với xu thế đổi mới của nền giáo dục nước nhà.

Tôi đã từng biết một số thầy cô ở độ tuổi trên 50.

Trong số đó, có khá nhiều người luôn lấy câu “mình già rồi” làm bảo bối.

Họ từ chối tham gia tất cả các phong trào do nhà trường, do ngành tổ chức, từ thao giảng dự giờ, tham gia các hội thi…

Trong giảng dạy nhiều thầy cô không biết ứng dụng công nghệ thông tin nhưng vẫn không chịu học hỏi.

Việc đổi mới phương pháp dạy học cũng chẳng lấy làm mặn mà luôn trung thành với kiểu dạy đọc chép.

Vào lớp, những giáo viên này chỉ ngồi yên một chỗ cho đến lúc hết giờ. Thầy dạy thụ động trò cũng chẳng thể năng động hơn.  

Đồng nghiệp nhìn vào cũng chẳng buồn ý kiến và điệp khúc “thôi, thầy cô ấy già rồi” lại vang lên để chiếu cố, bỏ qua và thông cảm cho họ.

Môi trường giáo dục đang rất cần sự năng động

Giáo dục đang trong giai đoạn chuyển mình đương nhiên sẽ rất cần những giáo viên năng động, biết tìm tòi, học hỏi để nâng cao tay nghề chuyên môn.

Ngày nay, học đâu chỉ trong sách vở, học kinh nghiệm giảng dạy trên các diễn đàn chuyên ngành, học các tài liệu trên mạng thông tin… chuyện tự học để bổ sung kiến thức, để học hỏi nhiều phương pháp dạy học mới, tiếp cận nhiều điển hình và cách làm hay.

“Thầy già con hát trẻ” không phải lúc nào cũng đúng ảnh 3Tuổi về hưu - Giáo sư ở Cộng hòa Liên bang Đức nghỉ hưu thế nào?

Làm được điều này đương nhiên lớp trẻ sẽ nhạy bén hơn lớp người lớn tuổi.   

Trước đề nghị tăng tuổi hưu cho lao động nữ 60 tuổi và nam là 62 tuổi, chúng tôi lại lấy làm lo lắng cho ngành giáo dục.

Nhiều thầy cô ở độ tuổi này, sức khỏe đã giảm sút nghiêm trọng không thể đảm đương tốt công việc của mình, nhất là trong việc cập nhật nâng cao kiến thức chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục.

Tuổi 55 (nữ) và 60 (nam) là độ tuổi về hưu phù hợp với nghề giáo. Những thầy cô ở độ tuổi này cũng đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề đến sức tàn lực kiệt.

Chẳng phải cách giảng dạy thời xưa vào lớp cho trò ngồi mình giảng. Chẳng phải kiểu học sinh ngoan sợ thầy cô một phép. Chẳng phải học sinh quậy phá thầy cô muốn phạt kiểu gì cũng được.

Phụ huynh cũng nổi đóa bất cứ lúc nào khi không vừa lòng với giáo viên… áp lực của nghề dạy học chưa bao giờ nặng nề đến như thế.

Thầy cô giáo ở độ tuổi 60, 62 có thể nào thích ứng nổi thế không?

Khá nhiều thầy cô gần ngày về hưu đã bị bệnh về thanh quản khi giọng nói đã khàn đi.

Nhiều người mắt mờ, tai lãng vì bao nhiêu năm vất vả khi phải thức khuya, dậy sớm để soạn giáo án, chấm bài, để suy nghĩ tìm biện pháp giáo dục, uốn nắn những học sinh chưa ngoan, phải răn mình nhẫn nhịn trong mọi tình huống để tránh sự kích động của những phụ huynh “không xem ai ra gì”…

Họ cần được nghỉ ngơi đúng độ tuổi quy định như hiện nay, vừa đảm bảo sức khỏe để an hưởng tuổi già, vừa là cơ hội cho lớp trẻ đang thất nghiệp quá nhiều được bước chân vào ngành.

Tạo cơ hội cho lớp trẻ chính là tạo cơ hội cho lớp lớp học sinh được học trong một môi trường có nhiều thầy cô giáo trẻ trung, năng động và tràn đầy nhiệt huyết.

Phan Tuyết