Chỉ còn ít tháng nữa, các trường tiểu học tại Hà Nội sẽ bắt đầu tuyển học sinh vào lớp 1. Ngay từ thời điểm này, không ít phụ huynh đang có con chuẩn bị vào lớp 1 băn khoăn có nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1 không?
Tiến sĩ Vũ Thu Hương đã nêu ra 5 câu hỏi và làm rõ để phụ huynh nào đang ở hoàn cảnh này biết được họ cần làm gì tốt nhất cho con vào thời điểm này.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương. Ảnh: Tiến sĩ Vũ Thu Hương cung cấp. |
1/ Vì sao phụ huynh lại đưa con đi học chữ trước?
Thực sự, bên cạnh tâm lý thích khoe con (tâm lý sính bệnh thành tích) của không ít các vị phụ huynh, các cha mẹ còn có tâm lý quá lo lắng cho con.
Các bậc cha mẹ sợ rằng con sẽ thua kém bạn bè, sẽ chán nản và thiếu tự tin. Vì thế, biết rõ ràng là nếu con có học trước thì vào con sẽ vẫn học lại từ đầu, các cha mẹ vẫn đầu tư cho con đi học.
Cũng có cha mẹ nghe người thân chia sẻ những khó khăn khi con vào lớp 1 rồi sợ hãi mà làm theo lời khuyên của người xung quanh.
Ngoài ra, có phụ huynh đã từng có con lớn đi học nhưng không học trước, bị cô giáo than phiền, kêu ca, đã hoảng sợ mà cho con thứ đi học chữ trước khi vào lớp 1 để tránh kịch bản cũ lặp lại.
2/ Việc này thực sự có ý nghĩa đối với trẻ hay không?
Tôi xin phép được nói thằng là không. Con trẻ có tận 5 năm để làm quen dần với việc học hành. 5 năm tiểu học đó, nếu đọc kĩ Luật Giáo dục, chúng ta sẽ thấy, mục tiêu giáo dục chủ yếu là cho các cháu làm quen.
Như vậy, việc học trước khi vào lớp 1 không những là thừa mà còn có nhiều hệ lụy khác như làm cho các bé sợ học, ghét học, chán nản và phá phách. Đó là còn chưa tính đến những hệ lụy khác mà trẻ sẽ gặp phải về sức khỏe khi phải học quá sớm.
3/ Nhiều bố mẹ cũng đã kiên quyết không cho con đi học nhưng khi vào năm học, các bạn biết đọc, biết viết rồi còn con mình thì không. Cô giáo kết luận chậm. Còn con thì không thích đi học... Làm thế nào trong tình huống này?
Thực ra, bài học sẽ xoay đi xoay lại nhiều lần và các cháu sẽ học dần dần chứ không thể biết ngay lập tức.
Còn câu hỏi: Ứng xử thế nào trong tình huống này thì tôi trả lời là: Kiên nhẫn. Con gái tôi khi đi học cũng bị cô giáo chê bai hết việc này đến việc khác.
Tôi nhớ rằng họp phụ huynh đầu năm học lớp 1, tôi nghe cô giáo chê con tôi mọi điểm, cháu chỉ được khen duy nhất có ăn ngoan và ngủ ngoan.
Nhưng cho đến giờ, cả chục năm rồi, tôi thấy cháu không hề có vấn đề gì về chuyện học hành, cháu luôn vững vàng, học tập nghiêm chỉnh, nhận thức rõ ràng việc học là quyền lợi và nghĩa vụ tối cao của mình.
4/Có nhiều phụ huynh lo rằng nếu không dạy trước, con đi học khi các bạn đã biết hết, con sẽ tự ti và chán ghét học?
Thật ra, trẻ hoàn toàn không nhận thức được thế nào là điểm cao và điểm thấp, thế nào là giỏi và dốt vì lớp 1 các cháu mới bắt đầu học lớn hơn và nhỏ hơn.Vì thế, mọi việc tự ti hay tự tin là do cha mẹ cả.
Ví dụ, một em bé mang điểm kém về đưa cho mẹ xem, người mẹ đó thấy vậy quát ầm lên hoặc đánh mắng em bé. Khi đó em bé sẽ ngay lập tức nhận ra mình vừa bị điểm xấu và bé sẽ cảm thấy rất xấu hổ.
Nếu mẹ em bé lại bảo: ừ không sao, mai cố gắng thì con sẽ giỏi hơn, thì em bé đó sẽ thấy bình thường và lại vui vẻ đến lớp vào ngày mai.
Như vậy, trẻ em tự tin hay tự ti đều do thái độ hành xử của cha mẹ chứ không phải là việc cháu được điểm mấy ở lớp. Các cháu mới bắt đầu đi học nên chưa hiểu được mấy, các cha mẹ rất cần biết điều này.
5/ Nếu là tôi, tôi sẽ làm gì khi có con chuẩn bị vào lớp 1?
Việc đầu tiên tôi sẽ làm là dạy con về những điều phải làm dù muốn hay không, những điều bị cấm không được phép làm. Nếu đã biết những điều này, trẻ sẽ dễ dàng tuân thủ kỉ luật và nỗ lực vượt qua khó khăn.
Hơn nữa, điều con sẽ gặp phải là sự khó khăn khi thay đổi môi trường học tập, những khác biệt giữa tiểu học và mầm non.
Cha mẹ cần thiết phải cho con làm quen với việc này, cho con qua trường tiểu học, giới thiệu cho con mọi thứ, cùng con đi sắm đồ dùng học tập, trò chuyện cùng con về cấp tiểu học.
Ngoài ra, cha mẹ cũng rất cần chuẩn bị trước kiến thức và tâm lý để chiến đấu cùng con cấp tiểu học.
Trong đó, việc quan trọng nhất mà cha mẹ phải lo lắng dạy con suốt 5 năm học hành đầu đời là: Dạy con biết học là nhiệm vụ của mình; Dạy con biết học là quyền lợi to lớn của con; Dạy con học tập trung; Dạy con biết tự giác học bài; Dạy con biết tự chăm lo cho bản thân khi không có cha mẹ ở bên cạnh; Dạy con biết tự ứng xử, ứng phó trong các tình huống và đặc biệt là các tình huống nguy hiểm…
Nhiệm vụ có rất nhiều nhưng nói chung, các cha mẹ phải tách bạch rõ ràng: Học là việc của con và con đủ sức theo đuổi mọi việc. Đừng nghĩ con quá bé bỏng mà làm hộ con mọi việc, như vậy sẽ chỉ làm hại con mà thôi.