Ngôi trường cấp 3 Phong Châu (huyện Lâm Thao) nằm trong khuôn viên nhỏ xinh, rợp bóng cây.
Chất lượng dạy và học của trường nhiều năm qua luôn nằm trong top các trường cấp 3 tốt nhất của tỉnh Phú Thọ.
Cách đây 43 năm, thực hiện Quyết định số 2061/ QĐ-TCCB ngày 9/11/1976 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phú (Phú Thọ ngày nay), trường cấp 3 Phong Châu được tách ra từ trường cấp 3 Long Châu Sa.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cùng học trò trường Thanh Ba nói chuyện thời đại 4.0 |
Năm học đầu tiên nhà trường chỉ có 6 phòng học tạm phục vụ học sinh trong vùng.
Từ một ngôi trường nhỏ bé, đơn sơ, thiếu thốn, qua 43 năm xây dựng trường Trung học Phổ thông Phong Châu đã có một cơ ngơi khang trang, sạch sẽ.
Trường hiện nay có 30 lớp với 1240 học sinh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên hơn 80 người.
Cơ sở vật chất của trường thực sự khang trang với các dãy nhà tầng kiên cố, thiết bị dạy học đầy đủ.
Không chỉ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trường còn luôn tích cực đổi mới trong hoạt động dạy và học.
Đặc biệt là ứng dụng những thành tựu công nghệ của thời đại 4.0 vào trong giảng dạy.
Nhờ đó trong nhiều năm qua tỷ lệ học sinh đỗ Đại học, Cao đẳng luôn đạt trên 70%; lọt trong top 200 ngôi trường có điểm thi Đại học cao nhất cả nước.
Trường Trung học Phổ thông Phong châu cũng vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước: Huân chương Lao động hạng Ba năm 2006; Huân chương lao động Hạng Nhì năm 2011; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2005; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010...
Thầy và trò trường Trung học Phổ thông Phong Châu tích cực áp dụng những thành tựu của thời đại 4.0 (Ảnh: Vũ Ninh) |
Những năm qua, phong trào dạy và học của thầy trò trường Phong Châu đạt nhiều thành tích và kết quả cao nhờ vận dụng những tiến bộ của Khoa học, kỹ thuật.
Năm nay trường có một giải Nhất tỉnh môn Tiếng Anh, một giải Ba câu lạc bộ tiếng Anh cấp tỉnh, một giải Nhất môn Vật Lý 12 cấp tỉnh.
So với những học sinh ở các trung tâm, thành phố lớn thì các em học sinh ở nơi đây có phần thiệt thòi hơn.
Tuy nhiên vượt qua khó khăn và khắc phục khó khăn bằng những tiến bộ của công nghệ thông tin, thành tích học tập của học sinh cấp 3 Phong Châu rất đáng được ghi nhận.
Em Đỗ Thị Thùy Dung, học sinh lớp 11A1, giải Nhất tỉnh môn Tiếng Anh vẫn luôn ấp ủ giấc mơ được đi du học.
Để trở thành công dân toàn cầu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 |
Dung cho biết thành tích môn tiếng Anh của em tốt là nhờ sự dìu dắt của thầy cô và ý chí học tập của bản thân. Dung tâm sự:
"Học sinh ở trường em có một cái khó khăn đó là không có cơ hội như các bạn học sinh ở thành phố, không được nói chuyện nhiều với người nước ngoài.
Khi luyện nói em phải tự lên mạng để xem phim hoặc nghe nhạc để nói.
Về mặt thuận lợi bố mẹ và các thầy cô cũng ủng hộ mua sách vở, giúp đỡ em trong học tập".
Chia sẻ về phương pháp học tập Dung cho biết: Em luôn tận dụng các ưu điểm của công nghệ thông tin để giúp đỡ công việc ôn luyện tiếng Anh:
"Bên cạnh sự chăm chỉ và nỗ lực em nghĩ rằng có thể tận dụng được các yếu tố về công nghệ thông tin để giúp đỡ mình trong việc học tập.
Ví dụ như em thường lên mạng tự học trong thời gian ở nhà qua các video trên youtube, nghe nhạc hoặc xem phim nước ngoài.
Em có kế hoạch mỗi tối luyện đề hoặc nghe một bài từ đó tích lũy kiến thức cho mình.
Ở nhà phương pháp học tiếng Anh của em đó là thời gian đầu dành ra 30 phút để lên mạng, học nghe sau đó sẽ dành khoảng 1-1,5 giờ đồng hồ để làm đề".
Cô Nga, giáo viên dạy tiếng Anh tại trường Phong Châu cho rằng: Việc áp dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin trong thời đại 4.0 là rất quan trọng.
"Việc học tiếng Anh tại trường được các thầy cô và đặc biệt là cô hiệu trưởng rất ủng hộ.
Nhiều năm nay, trường Phong Châu là một trong số những trường luôn đổi mới cách dạy. Đặc biệt là hướng đến những trải nghiệm thực tế cho các em.
Năm ngoái chúng tôi có mời những người nước ngoài. Họ có thể là giáo viên hoặc những tình nguyện viên về trường.
Sau đó chúng tôi chúng tôi có tổ chức những hoạt động ngoại khóa với MC là học sinh của trường.
Học sinh được tham gia những buổi ngoại khóa đó sẽ có cơ hội trò chuyện với người nước ngoài.
Điều mà các em hiếm khi có được như các bạn học sinh tại thành phố".
Bên cạnh tổ chức những hoạt động ngoại khóa như trên, nhiều giáo viên cũng tận dụng những ưu điểm của thời đại 4.0 để giúp cho việc giảng dạy.
Cô Nga cho biết tỉnh Phú Thọ là một trong những tỉnh tiên phong trong việc giảng dạy trực tuyến.
Xuất phát của phương pháp này lại đến từ huyện Hương Sơn - một trong những xã khó khăn của tỉnh Phú Thọ.
Để đổi mới cách dạy và giúp các em học sinh có thể vươn ra thế giới bên ngoài, các thầy cô đã kết nối với hệ thống giáo viên toàn cầu qua mạng internet Skype.
Học sinh sẽ được học trực tuyến do các giáo viên nước ngoài giảng dạy. Ở chiều ngược lại các thầy cô cũng có thể giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em các nước khác.
Ví dụ có trường hợp của cô Phượng, giáo viên trường Trung học Phổ thông Hương Cần đã từng dạy trực tuyến cho các trẻ em ở khu ổ chuột Ấn Độ.
Nói về hiệu quả và ứng dụng của công nghệ thông tin trong thời đại 4.0, cô Nga cho biết:
"Việc kết hợp hình thức dạy trực tuyến mang đến nhiều hiệu quả cho các học sinh không có điều kiện để tiếp xúc và giao tiếp với người nước ngoài.
Chúng tôi được nhà trường tạo điều kiện tối đa phục vụ việc giảng dạy.
Ngoài ra các giáo viên cũng thường xuyên trao đổi và giúp đỡ lẫn nhau đổi mới phương pháp dạy học".
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ với học sinh trường cấp 3 Phong Châu (Ảnh: Vũ Ninh) |
Nói về những thành tích trong công tác dạy và học của trường Trung học Phổ thông Phong Châu trong những năm qua, cô Lê Thị Kim Hồng, hiệu trưởng nhà trường cho biết:
"Thành công trong công tác dạy và học tại trường cấp 3 Phong Châu đến từ sự cố gắng của cả thầy và trò.
Chúng tôi luôn đầu tư và ủng hộ những hình thức giảng dạy mới, hiện đại.
Đồng thời nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như các câu lạc bộ tiếng Anh, tổ chức những buổi hội thảo...để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các em".