Ấn Độ có kế hoạch chi 3 tỷ USD mua 3 tàu hộ vệ tàng hình Nga

18/04/2013 06:35
Việt Dũng
(GDVN) - Hải quân Ấn Độ rất hài lòng với 5 tàu hộ vệ Type 11356M đã bàn giao và có kế hoạch ký kết hợp đồng mua lô thứ ba vào tháng 6/2013.
Tàu hộ vệ tên lửa INS Teg (Type 11356M) Nga chế tạo cho Ấn Độ, cho chạy thử trên biển.
Tàu hộ vệ tên lửa INS Teg (Type 11356M) Nga chế tạo cho Ấn Độ, cho chạy thử trên biển.

Trang mạng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga ngày 16/4 cho biết, Ấn Độ có kế hoạch trước khi kết thúc năm 2013 sẽ ký hợp đồng với Nga tiếp tục mua 3 tàu hộ vệ Type 11356M. Theo dự đoán của các chuyên gia, tổng kim ngạch giao dịch này sẽ lên tới 3 tỷ USD.

Có nguồn tin tiết lộ, phía Ấn Độ đã “nói miệng” với phía Nga bày tỏ nguyện vọng mua lô tàu hộ vệ Type 11356M thứ ba với số lượng là 3 chiếc.

Hợp đồng mua chính thức dự kiến sẽ ký kết sau khi phía Nga bàn giao tàu hộ vệ Type 11356M cuối cùng của lô thứ hai mang tên INS Trikand cho Hải quân Ấn Độ vào tháng 6/2013.

Nguồn tin này chỉ ra, Hải quân Ấn Độ rất hài lòng với tính năng của 5 tàu hộ vệ Type 11356M đã được bàn giao trước đó. Ngoài ra, trên tàu hộ vệ mua mới sẽ trang bị tên lửa chống hạm siêu âm Brahmos do hai nước Nga-Ấn hợp tác nghiên cứu chế tạo.

Vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Ấn Độ đã ký hợp đồng mua lô đầu tiên 3 tàu hộ vệ Type 11356M của Nga, 2 tàu đầu tiên là INS Talwar và INS Trishul đã trang bị cho Hải quân Ấn Độ vào tháng 11/2000, chiếc thứ ba INS Tabar bàn giao tháng 5/2001.

Vào năm 2006, Ấn Độ lại chi 1,5 tỷ USD đặt mua lô tàu hộ vệ cùng loại thứ hai với số lượng 3 chiếc, trong đó, hai chiếc gồm INS Teg và INS Tarkash đã lần lượt trang bị cho Hải quân Ấn Độ vào tháng 4 và tháng 11/2012.

Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Type 11356M Nga chế tạo cho Hải quân Ấn Độ
Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Type 11356M Nga chế tạo cho Hải quân Ấn Độ

Tàu hộ vệ Type 11356M là một loại tàu chiến mặt nước đa năng do Cục thiết kế Phương Bắc Nga nghiên cứu chế tạo, lượng giãn nước đầy là 4.035 tấn, hành trình tối đa 4.850 hải lý, chủ yếu dùng để tác chiến biển xa và biển gần, có khả năng chống hạm, săn ngầm và phòng không khá mạnh.

Về trang bị vũ khí, lô 3 tàu đầu tiên và lô 3 tàu thứ hai mà Hải quân Ấn Độ mua có sự khác biệt về hệ thống tên lửa chống hạm. Trong đó, 3 tàu lô đầu  tiên đều trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Club-N do Nga chế tạo có tầm phóng tối đa 220 km; còn lô thứ hai, theo yêu cầu của Hải quân Ấn Độ, đã chuyển sang trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Brahmos.

Ngoài đơn đặt hàng tàu hộ vệ của Hải quân Ấn Độ, nguồn tin từ hệ thống công nghiệp quân sự Nga tiết lộ, doanh nghiệp đóng tàu Nga hiện sẽ còn hỗ trợ Ấn Độ chế tạo tàu khu trục Type 15B loại mới nhất. Được biết, nhà máy đóng tàu Baltic Sea của Nga sẽ chế tạo 4 hệ thống trục tàu cho tàu khu trục Type 15B của Ấn Độ trước năm 2017. Đồng thời, các chuyên gia của Cục thiết kế Phương Bắc Nga hiện còn đang tham gia công tác nghiên cứu chế tạo tàu khu trục Type 15B.

Theo kế hoạch của Hải quân Ấn Độ, họ sẽ chế tạo 4 tàu khu trục đa năng tàng hình Type 15B ở Mumbai trong giai đoạn 2018-2024. Căn cứ vào thông tin công bố trước đây của Hải quân Ấn Độ, trên loại tàu khu trục mới này sẽ trang bị tên lửa hành trình tầm xa có thể lắp đầu đạn hạt nhân.

Hiện nay, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Israel, Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đang nghiên cứu chế tạo loại vũ khí tấn công tầm xa có tầm phóng tới 1.000 km.

Tàu hộ vệ INS Talwar Type 11356M của Hải quân Ấn Độ
Tàu hộ vệ INS Talwar Type 11356M của Hải quân Ấn Độ

Những năm gần đây, Hải quân Ấn Độ nhiều lần cho biết, tốc độ lão hóa của tàu chiến hiện có vượt xa tốc độ trang bị tàu chiến mới, vì vậy phải gia tăng mức độ mua sắm trang bị mới. Cùng với việc không ngừng nhập khẩu trang bị tiên tiến của nước ngoài, Ấn Độ cũng đang thúc đẩy một loạt chương trình chế tạo tàu chiến nội địa.

Từ năm 2003, Ấn Độ bắt đầu chế tạo 4 tàu khu trục tàng hình Type 15A, lô tàu chiến mới này sẽ trang bị tên lửa chống hạm Brahmos và tên lửa phòng không áp dụng phương thức phóng thẳng đứng.

Theo kế hoạch ban đầu, lô tàu khu trục này phải hoàn thành trong giai đoạn 2012-2014, nhưng, do chi phí chế tạo tăng gấp đôi so với ban đầu, cộng với vấn đề cung cấp nguyên vật liệu và hệ thống đồng bộ, thời gian bàn giao 4 tàu chiến mới này sẽ còn kéo dài.

Tàu hộ vệ tên lửa INS Tabar (Type 11356M) của Hải quân Ấn ,do Nga chế tạo
Tàu hộ vệ tên lửa INS Tabar (Type 11356M) của Hải quân Ấn ,do Nga chế tạo
Việt Dũng