Thời Ân Hoằng: "Trung Quốc xây đảo để ngăn Mỹ, đuổi Việt Nam, Philippines"

24/07/2015 07:02
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu)
(GDVN) - Ngoài tuyên bố trắng trợn này, Thời Ân Hoằng cho rằng, Tập Cận Bình thăm Mỹ để làm "nhà lãnh đạo thế giới", Mỹ sau năm 2016 sẽ không ôn hòa với Trung Quốc.

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 23 tháng 7 dẫn tờ "Nihon Keizai Shimbun" Nhật Bản ngày 22 tháng 7 đăng bài viết của Shuhei Yamada - người phụ trách vấn đề Trung Quốc của tờ báo này.

Thời Ân Hoằng - cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc
Thời Ân Hoằng - cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc

Bài viết đã phỏng vấn giáo sư Thời Ân Hoằng thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc. Ông Hoằng cho rằng, Trung Quốc sẽ “không nhượng bộ” ở Biển Đông, Trung Quốc và Mỹ đang tiến hành đánh cờ về xây dựng trật tự quốc tế.

Theo bài báo, để mở rộng thương mại và đầu tư, Mỹ tìm cách đạt được thỏa thuận về Hiệp định hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trung Quốc đứng ra chủ trì thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB), thể hiện thái độ phản kháng về tài chính.

Có rất nhiều quan điểm cho rằng, Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức "Đối thoại chiến lược và kinh tế" cấp Bộ trưởng ở Washington Mỹ vào tháng 6, thành quả hạn chế.

Đối với vấn đề này, Thời Ân Hoằng cho rằng, 1 - 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của các vấn đề quan trọng mang tính chiến lược như tấn công mạng và Trung Quốc thúc đẩy lấn biển xây đảo (bất hợp pháp) ở Biển Đông, quan hệ chiến lược Trung-Mỹ căng thẳng tương đối nghiêm trọng.

Trung Quốc đang xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dùng để áp đặt yêu sách xâm lược, bành trướng "đường lưỡi bò" bất hợp pháp, vô lý, lố bịch
Trung Quốc đang xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dùng để áp đặt yêu sách xâm lược, bành trướng "đường lưỡi bò" bất hợp pháp, vô lý, lố bịch

Sự căng thẳng nghiêm trọng này đã vượt phần lớn các giai đoạn trước đây. Mặc dù trong các vấn đề quốc tế như phát triển hạt nhân của Iran và ổn định tình hình Afghanistan, hợp tác hai bên đã đạt được tiến triển, nhưng chưa thể làm dịu sự đối đầu cạnh tranh và nghi ngờ chiến lược ngày càng nghiêm trọng.
Trung Quốc từng hy vọng thông qua đối thoại, đề phòng Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa áp dụng chính sách và thái độ khắc nghiệt đối với Trung Quốc trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Hai bên đã ký kết hơn 100 hiệp định, nhưng, trong các vấn đề mang tính chiến lược như Biển Đông, ý kiến không thể đạt được thống nhất.

Mặc dù so với việc Quân đội Mỹ điều máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon đến Biển Đông vào cuối tháng 5, tình hình căng thẳng đã dịu đi, nhưng, trong ngắn hạn, rất khó tưởng tượng những vấn đề này sẽ đạt được tiến triển quan trọng.

Về mục tiêu chủ yếu thăm Mỹ vào tháng 9 tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thời Ân Hoằng cho rằng, mục đích của Trung Quốc đương nhiên là ngoài xây dựng hình tượng và uy tín của Tập Cận Bình với tư cách là "nhà lãnh đạo thế giới", còn muốn làm cho quan hệ Trung-Mỹ "không nên quá căng thẳng".

Ông Tập Cận Bình (trái) sẽ thăm Mỹ vào tháng 9 tới
Ông Tập Cận Bình (trái) sẽ thăm Mỹ vào tháng 9 tới

Nếu đạt được thỏa thuận về ký kết Hiệp định đầu tư được giới kinh tế trông đợi, có thể chuyến thăm Mỹ đã đạt được thành công.

Tuy nhiên, muốn ký kết Hiệp định đầu tư, nhất định phải tiến hành nhượng bộ đối với Mỹ - nước cho rằng, Trung Quốc ưu đãi doanh nghiệp nhà nước ở thị trường trong nước và có thái độ bất mãn.

Nhìn vào "phong cách chính trị", áp dụng thái độ cứng rắn với bên ngoài của ông Tập Cận Bình, giai đoạn hiện nay hầu như rất khó tiến hành nhượng bộ.

Về xu hướng của Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, Thời Ân Hoằng cho rằng, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa Mỹ đều "sẽ không ôn hòa đối với Trung Quốc". Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là ứng cử viên tiềm năng nhất, nhưng chính phủ và nhân dân Trung Quốc hoàn toàn không thích bà.

So với thái độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong thời gian làm Ngoại trưởng, bất kể là vấn đề Trung Đông hay vấn đề Trung Quốc, bà Hillary Clinton đều tiến hành xử lý rất trực tiếp.

Người Đảng Cộng hòa thường được cho là tương đối theo xu hướng tự do thương mại, có thể có quan hệ với Trung Quốc tốt hơn hiện nay một chút trong vấn đề kinh tế thương mại.

Trung Quốc xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh nguồn mạng sina, TQ)
Trung Quốc xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh nguồn mạng sina, TQ)

Tuy nhiên, nếu Đảng Cộng hòa thắng cử, tốc độ cắt giảm ngân sách quân sự do ông Obama luôn thúc đẩy những năm gần đây sẽ giảm đi. Trong ít nhất 2 năm sau khi nhậm chức Tổng thống, có thể sẽ áp dụng thái độ "khắc nghiệt" đối với Trung Quốc.

Về lý do Trung Quốc bất chấp sự phản đối của Mỹ, thúc đẩy lấn biển xây đảo (bất hợp pháp) ở Biển Đông, Thời Ân Hoằng cho rằng, có 3 lý do (Trung Quốc có hành vi khiêu khích và bất hợp pháp này):

"Một là tạo ra một số điều kiện để cuối cùng từng bước làm cho Mỹ không thể đến gần trinh sát Trung Quốc.

Hai là đuổi Philippines và Việt Nam ra khỏi quần đảo Trường Sa - nơi Trung Quốc có yêu sách chủ quyền (bất hợp pháp và hết sức lố bịch).

Ba là, Trung Quốc muốn thông qua các loại biện pháp để cuối cùng có thể bảo đảm tuyến đường cung ứng năng lực đi qua Biển Đông của Trung Quốc".

Nói đến việc giữa Trung Quốc với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á không ngừng xảy ra va chạm, xung đột, Thời Ân Hoằng cho rằng, do nhấn mạnh đến "hòa bình" hay "trỗi dậy", do sự khác nhau giữa các nhà lãnh đạo.

Máy bay chiến đấu J-11 từng đánh chặn máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ trên Biển Đông
Máy bay chiến đấu J-11 từng đánh chặn máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ trên Biển Đông

Trung Quốc đã (đơn phương) lập ra cái gọi là Vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông, nhưng Nhật Bản và Mỹ đều không thừa nhận. Lãnh đạo Trung Quốc - ông Tập Cận Bình có lẽ cho rằng, đôi khi áp dụng thái độ cứng rắn thì "càng có lợi cho Trung Quốc trỗi dậy".

Về việc Trung Quốc thách thức vị thế lãnh đạo của Mỹ trên thế giới, Thời Ân Hoằng cho rằng, nếu các phương tiện truyền thông nước ngoài đặt ra vấn đề này với Chính phủ Trung Quốc, Trung Quốc sẽ nói "chúng tôi không muốn làm".

Trong khi đó, nhìn vào hành động của Chính phủ Trung Quốc và chiến lược đối ngoại của ông Tập Cận Bình, trong tình hình kiên trì không gây ra xung đột to lớn giữa Trung-Mỹ, Trung Quốc muốn giành được một ưu thế tối thiểu ở phía tây Tây Thái Bình Dương.

Hiện nay, quan hệ Nhật-Trung đang có xu hướng cải thiện, chẳng hạn tổ chức hội đàm cấp cao. Đối với vấn đề này, Thời Ân Hoằng cho rằng, đúng là đang được cải thiện rõ rệt. Nhưng mặt khác, ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều có chiến lược song song.

Cùng với việc ông Tập Cận Bình đưa ra biện pháp cải thiện quan hệ với Nhật Bản, Trung Quốc đang tăng cường nhanh chóng sức mạnh quân sự - điều mà Nhật Bản lo ngại nhất. Trung Quốc thực ra đã cảnh cáo Nhật Bản không được vì dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể mà bị lôi kéo vào tranh chấp Biển Đông.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản tham gia diễn tập liên hợp với Hải quân Philippines trên Biển Đông trong các ngày 23 và 24 tháng 6 năm 2015
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản tham gia diễn tập liên hợp với Hải quân Philippines trên Biển Đông trong các ngày 23 và 24 tháng 6 năm 2015

Ông Shinzo Abe một mặt làm dịu sự đối đầu với Trung Quốc, khôi phục một phần đối thoại với Trung Quốc, mặt khác không ngừng tìm cách dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể.

Vì vậy, trong tương lai gần, quan hệ Trung-Nhật sẽ chỉ được làm dịu đi rõ rệt, nhưng chỉ một phần, trong khi đó, đối đầu vẫn tồn tại. Đối kháng về tâm lý, đối kháng về tư thế chiến lược. Chỉ có điều, cường độ đối kháng chưa chắc sẽ giống như trước đây khiến cho toàn thế giới lo ngại có thể nổ ra xung đột quân sự Trung-Nhật.

Theo bài báo, Thời Ân Hoằng là chuyên gia chiến lược quốc tế Trung Quốc, tốt nghiệp Đại học Nam Kinh, là chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc và là cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc. Năm nay, ông Hoằng 64 tuổi.

Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu)