G7 tiếp tục tẩy chay, đe dọa trừng phạt thêm, Nga không sợ

09/06/2015 10:53
Nguyễn Hường
(GDVN) - Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskos cho biết, các mối đe dọa trừng phạt cứng rắn Nga mà các lãnh đạo phương Tây bày tỏ tại G7 không có gì mới.

Tờ Guardian ngày 8/6 đưa tin cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dành cho Nga những lời chỉ trích mạnh mẽ chưa từng có tại hội nghị thượng đỉnh G7. 

"Ông ấy tiếp tục phá hỏng nền kinh tế của đất nước mình và để Nga bị cô lập bằng sự theo đuổi mong muốn sai lầm là khôi phục đế chế Liên Xô? Hay ông ấy cũng nhận ra rằng sự vĩ đại của nước Nga không phụ thuộc vào sự vi phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các nước khác?", Tổng thống Mỹ phát biểu (về người đồng nhiệm Vladimir Putin) trong một hội nghị chuyên sâu của hội nghị thượng đỉnh G7.

Các nhà lãnh đạo quốc tế tham gia Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển G7.
Các nhà lãnh đạo quốc tế tham gia Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển G7. 

Ông Obama đã đến Bavaria vào ngày 7/6 với mục tiêu thúc đẩy cách tiếp cận cứng rắn hơn với Nga. Trong bài phát biểu của mình, ông Obama cũng cảnh báo sẵn sàng thắt chặt thêm các biện pháp trừng phạt chống lại Nga nếu Nga tiếp tục cái mà ông mô tả là "hành vi hung hăng" ở Ukraine.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ hy vọng rằng tình hình ở Ukraine sẽ không xấu đi và nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo G7 đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn chống lại Nga nếu tình hình Ukraine leo thang.

Bà Merkel cho biết, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga hiện nay sẽ vẫn được giữ nguyên cho đến khi Nga hợp tác trong việc thực thi thỏa thuận Minsk 2.

Trong cuộc phỏng vấn trước đó với kênh truyền hình Đức ARD, bà Merkel cũng nhấn mạnh rằng tất cả thành viên trong nhóm G7 hiện đều nhất trí với quyết định rằng chưa có ý định đưa Nga quay trở lại nhóm.

Nga đã bị 7 thành viên trong nhóm G8 khai trừ và tẩy chay hội nghị thượng đỉnh ở Sochi hồi năm ngoái nhằm phản đối lập trường của Moscow trong vấn đề Ukraine. 

Các thành viên châu Âu của G7 như Anh, Italy và Pháp cũng tuyên bố họ sẽ tiếp tục hỗ trợ việc mở rộng các biện pháp trừng phạt của EU khi họ gặp nhau vào cuối tháng này.

Tại hội nghị năm nay, các nhà lãnh đạo G7 đã cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ các chương trình cải cách và tăng trưởng kinh tế của Ukraine, nhưng vẫn từ chối thông qua các đề xuất viện trợ quân sự cho quốc gia này. Tuy nhiên trong thực tế, một số quốc gia thành viên đã đồng ý bán vũ khí sát thương cho chính phủ Kiev theo các thỏa thuận song phương.

Phản ứng trước động thái trên của nhóm G7, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskos cùng ngày cho biết, các mối đe dọa trừng phạt cứng rắn Nga mà các lãnh đạo phương Tây bày tỏ tại G7 không có gì mới và Moscow biết chính xác ai là người đang phải chịu hậu quả từ cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, ông Peskov nhấn mạnh rằng dù tuyên bố tẩy chay mạnh mẽ, nhưng các nước G7 vẫn cần đối thoại với Nga và chỉ có đối thoại với Nga mới có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho rằng các nước phương Tây cần phải gây áp lực cho Kiev chứ không phải Nga, trong việc thực thi các điều khoản của thỏa thuận Minsk, bao gồm cả thu hồi vũ khí hạng nặng và cho phép tự chủ hơn trong khu vực lực lượng ly khai đang kiểm soát.

Nguyễn Hường