Khí phách Kim Jong-un: Triều Tiên không phải Iraq hay Libya

17/05/2018 15:06
Hồng Thủy
(GDVN) - Trường hợp Hoa Kỳ vẫn áp đặt một chiều và đẩy mọi rủi ro về phía Bình Nhưỡng như bài học Libya, thì hủy thượng đỉnh Mỹ - Triều là lựa chọn bảo toàn lực lượng.

The Washington Post ngày 16/5 bình luận: Nếu Mỹ nghiêm túc theo đuổi hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thì đừng đề cập đến "mô hình Libya", đây dường như là thông điệp mà Bình Nhưỡng chuyển tới Washington hôm thứ Tư.

Triều Tiên tuyên bố hoãn cuộc đàm phán cấp cao với Hàn Quốc ngay trong ngày thứ Tư, đồng thời đe dọa xem lại có nên tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều đã ấn định vào ngày 12/6 tới đây hay không.

Ngoài lý do cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn "Max Thunder" được xem như nhằm vào Triều Tiên, Bình Nhưỡng đặc biệt thất vọng trước đề xuất của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton.

Bình Nhưỡng cho hay:

"Các quan chức cấp cao của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ, bao gồm John Bolton - Cố vấn An ninh quốc gia, đang cho phép đưa ra xác nhận về cái gọi là mô hình để Libya từ bỏ vũ khí hạt nhân (có thể áp dụng với Triều Tiên).

Thế giới biết quá rõ đất nước chúng tôi không phải Libya hay Iraq đã gặp phải những kết cục khốn đốn."

(Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị treo cổ năm 2006, Tổng thống Libya Moammar Gaddafi bị bắt và hành quyết năm 2011).

Ông John Bolton thời điểm 2004. Khi đó ông được cho là đã giúp Tổng thống George W. Bush xây dựng "mô hình Libya". Ảnh: The New York Times.
Ông John Bolton thời điểm 2004. Khi đó ông được cho là đã giúp Tổng thống George W. Bush xây dựng "mô hình Libya". Ảnh: The New York Times.

Theo The Washington Post, Triều Tiên dường như đã bị kích động bởi đề xuất của John Bolton vào cuối tháng Tư rằng, Libya có thể xem như một mô hình để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ông John Bolton không ngụ ý, ít nhất về mặt công khai, rằng "mô hình Libya" sẽ bao gồm một sự thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng. 

Thay vào đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng niềm tin và xác minh bất kỳ nỗ lực nào để phi hạt nhân hóa.

"Những gì chúng tôi muốn nhìn thấy từ họ là bằng chứng cho thấy đó là sự thật chứ không phải hùng biện. 

Một điều mà Libya đã làm khiến chúng tôi vượt qua sự hoài nghi của mình, là họ đã cho phép các nhà quan sát Mỹ, Anh vào tất cả các khu vực liên quan đến hạt nhân của họ.

Vì vậy, không có câu hỏi nào về độ tin cậy của cơ chế quốc tế. Chúng tôi đã thấy chúng theo những cách chúng tôi chưa từng thấy trước đây." [1]

Tại sao Triều Tiên phản ứng gay gắt vơi "mô hình Libya"?

Theo The New York Times ngày 16/5, năm 2003 Đại tá Moammar Gaddafi đã chứng kiến cuộc tấn công xâm lược Iraq mà Mỹ phát động, lật đổ Tổng thống Saddam Hussein và lo ngại ông ấy sẽ là mục tiêu tiếp theo của Washington.

Tổng thống Libya, Đại tá Moammar Gaddafi tại thủ đô của Belarus ngày 3/11/2018, ảnh: AP.
Tổng thống Libya, Đại tá Moammar Gaddafi tại thủ đô của Belarus ngày 3/11/2018, ảnh: AP.

Trong các cuộc đàm phán dài và bí mật với Anh và Mỹ, Đại tá Moammar Gaddafi đã đồng ý tự nguyện bàn giao các thiết bị mà ông mua của AQ Khan, một nhà lãnh đạo chương trình hạt nhân của Pakistan.

Triều Tiên và Iran cũng là khách hàng của Tiến sĩ AQ Khan, người sau này bị quản thúc tại gia sau khi các hoạt động nói trên bị phơi bày.

Tài liệu (về hạt nhân) của Libya đã rời khỏi đất nước này và phần lớn có mặt tại phòng thí nghiệm vũ khí của Mỹ ở Oak Ridge.

Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu đã bắt đầu hành động quân sự chống lại Libya vào năm 2011 với "lý do" ngăn chặn ông Moammar Gaddafi thảm sát dân thường.

Sự can thiệp quân sự vào Libya này đã giúp lực lượng đối lập chống chính phủ Libya buộc Moammar Gaddafi phải chạy trốn, và vài tháng sau họ đã lôi ông ra từ một con mương và hành quyết Đại tá Moammar Gaddafi.

Từ đó tới nay, Libya luôn chìm trong bạo loạn. Triều Tiên đã rút ra được bài học cho mình: nếu không từ bỏ chương trình hạt nhân, có thể Moammar Gaddafi vẫn sống.

Tuy nhiên, tuyên bố của Triều Tiên hôm thứ Tư cũng cho thấy Bình Nhưỡng nhận thức rất rõ, mình khác với Iraq hay Libya:

"Thế giới biết quá rõ, đất nước chúng tôi không phải là Libya hay Iraq, đã gặp phải kết cục khốn đốn". 

Điều này có nghĩa, Đại tá Moammar Gaddafi chưa làm được điều ông Kim Jong-un làm được, biến nước mình thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Libya không phải là quốc gia có vũ khí hạt nhân. Trong quá trình kiểm tra năm 2003, người Mỹ chỉ phát hiện thấy Libya có các máy ly tâm có thể làm giàu uranium.

Các nhà báo Mỹ đi thăm trung tâm hạt nhân Tajura của Libya tháng 1/2004 sau khi Đại tá Moammar Gaddafi tuyên bố ý định hủy bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Ảnh: The New York Times.
Các nhà báo Mỹ đi thăm trung tâm hạt nhân Tajura của Libya tháng 1/2004 sau khi Đại tá Moammar Gaddafi tuyên bố ý định hủy bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Ảnh: The New York Times.

Trong khi đó, Triều Tiên đã thử nghiệm hạt nhân 6 lần và tình báo Mỹ tin rằng Bình Nhưỡng đang sở hữu từ 20 đến 60 vũ khí hạt nhân và các tên lửa đạn đạo liên lục địa. [2]

Bài học của Đại tá Moammar Gaddafi

Làm thế nào Hoa Kỳ có thể thuyết phục Đại tá Moammam Gaddafi từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của mình vào năm 2003, 2004 ngay ở giai đoạn đầu?

Chính quyền George W Bush đã điều chỉnh các bước đi của Libya bằng kết quả trực tiếp từ chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003 và các hoạt động tình báo, cắt đứt các tuyến vận chuyển cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Libya.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Gaddafi cũng tự chỉ ra rằng, việc lật đổ Tổng thống Saddam Hussein ở Iraq có thể đã ảnh hưởng đến quyết định của ông về việc từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

George W. Bush năm 2004 tuyên bố: "Bằng lời nói và hành động (ám chỉ cuộc tấn công Iraq), chúng tôi đã làm sáng tỏ các lựa chọn dành cho các đối thủ tiềm năng (Libya)."

Khí phách Kim Jong-un: Triều Tiên không phải Iraq hay Libya ảnh 4

Giấc mơ hoang

Nhưng các nhà phân tích cho rằng George W. Bush có thể đã cố gắng sử dụng thành công ở Libya để bảo vệ cho di sản cuộc chiến xâm lược Iraq của mình.

Gaddafi đã nhượng bộ, nhưng theo nhà phân tích Martin Indyk vào đầu năm 2004, chủ yếu là do cuộc khủng hoảng kinh tế tại Libya sau nhiều năm bị trừng phạt và quản lý yếu kém.

Lối thoát duy nhất được Đại tá Gaddafi xác định là tìm kiếm tái lập quan hệ với Hoa Kỳ, theo Indyk.

Trong khi Triều Tiên lâu nay trong hoàn cảnh nào cũng vẫn có Trung Quốc làm chỗ dựa, thì ở Trung Đông, Hoa Kỳ là cường quốc thống trị, vào đầu những năm 2000, Gadaffi có không nhiều lựa chọn.

Nhiều báo cáo cho rằng Gadaffi đã sẵn sàng đàm phán chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của mình ngay từ đầu, đã bị bác bỏ.

Khi đề nghị từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân để đổi lấy sự giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt của Mỹ không tỏ ra hiệu quả, lãnh đạo Libya đã quay sang tìm cách giải quyết mâu thuẫn với Anh về vụ đánh bom chuyến bay Pan Am 103 vào năm 1988;

Đây vốn là một điều kiện tiên quyết của Hoa Kỳ cho bất kỳ cuộc đàm phán nào.

270 chết trong vụ tấn công này, cuối cùng năm 2003 Gaddafi tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ việc, mặc dù ông vẫn khẳng định mình không ra lệnh đánh bom.

Để giải quyết xung đột với Anh, Libya đồng ý trả ít nhất 5 triệu USD cho các gia đình của 270 nạn nhân này.

Động thái này mở đường cho việc kết thúc chương trình phát triển hạt nhân của Libya với sự xác minh của thanh tra quốc tế, vốn là các biện pháp mà ông John Bolton đề cập.

4 năm sau khi từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, Gaddafi xuất hiện tại Paris trong chuyến thăm 5 ngày.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bảo vệ chuyến thăm này trước những chỉ trích của giới phê bình, rằng:

"Nếu chúng ta không chào đón các nước đang bắt đầu con đường đáng được kính trọng, chúng ta có thể nói gì với những ai rời bỏ con đường ấy?"

Ngày 10/12/2007 Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy còn chào đón Đại tá Moammar Gaddafi tại Điện Elysee ở Paris, 4 năm sau ông Sarkozy đã đứng sau vụ can thiệp quân sự vào Libya dẫn đến Gaddafi bị lật đổ và bị hành quyết. Ảnh: The Washington Post.
Ngày 10/12/2007 Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy còn chào đón Đại tá Moammar Gaddafi tại Điện Elysee ở Paris, 4 năm sau ông Sarkozy đã đứng sau vụ can thiệp quân sự vào Libya dẫn đến Gaddafi bị lật đổ và bị hành quyết. Ảnh: The Washington Post.

Tuy nhiên, khi phong trào Mùa xuân Ả Rập bắt đầu năm 2011, Nicolas Sarkozy nằm trong số các nhà lãnh đạo đứng sau quyết định can thiệp quân sự vào Libya;

Sự can thiệp này đã dẫn tới việc các lực lượng nổi dậy mà Mỹ, phương Tây hậu thuẫn lật đổ Gaddafi, một viễn cảnh khó có thể tưởng tượng nếu Libya có vũ khí hạt nhân lúc ấy.

Sau đó Đại tá Gaddafi bị lực lượng nổi dậy bắt được và hành quyết.

Trong khi Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton có thể chỉ đề cập đến các sự kiện năm 2003 khi nói về mô hình Libya, thì Triều Tiên đã nghĩ ngay tới kết cục của Đại tá Gaddafi năm 2011, theo The Washington Post.

Còn theo The New York Times,  một phóng viên hỏi Thư ký Báo chí Nhà Trắng, "mô hình Libya" cụ thể là gì và nếu có, thì cách tiếp cận của Hoa Kỳ và Triều Tiên với "mô hình Libya" có giống nhau không?

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết:

"Tôi chưa từng thấy điều đó trong bất kỳ cuộc thảo luận nào. Vì vậy tôi không biết rằng đó là một mô hình chúng tôi đang sử dụng."

Khí phách Kim Jong-un

Chúng tôi cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chuẩn bị sẵn sàng cho hội nghị thượng đỉnh với Mỹ.

Tuy nhiên ông muốn có một cuộc đàm phán bình đẳng chứ không chấp nhận bị Hoa Kỳ áp đặt một chiều.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/4 ở Vĩ tuyến 38. Ảnh: EER.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/4 ở Vĩ tuyến 38. Ảnh: EER.

Cuối tuần qua, ông John Bolton nói với ABC rằng, việc phi hạt nhân hóa bán đảo có nghĩa là phải loại bỏ mọi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên;

Tháo dỡ chúng và đưa đến Oakridge, Tenessee, Hoa Kỳ, nơi Mỹ phát triển bom nguyên tử trong Thế chiến 2 và giữ lại phòng thí nghiệm nghiên cứu công nghệ hạt nhân và công nghệ cao.

John Bolton nói thêm, Triều Tiên sẽ phải loại bỏ các cơ sở tái chế uranium và plutonium, tiết lộ các kho vũ khí và mở cửa để (Mỹ) kiểm tra. [3]

Yêu cầu đó chẳng khác nào bắt ông Kim Jong-un phải giương cờ trắng, giao nộp hết những gì đang có trong tay rồi mới đàm phán về các viện trợ của Mỹ.

Triều Tiên đã chớp thời cơ dốc toàn lực trong năm 2017 để tăng tốc thử nghiệm công nghệ hạt nhân và tên lửa đạn đạo sau khi nắm được thông điệp từ Donald Trump, sẵn sàng đối thoại với Kim Jong-un khi ông còn đang tranh cử.

Bình Nhưỡng đã hoàn thành mục tiêu này, và bước vào giai đoạn 2 chuẩn bị cho cải cách mở cửa.

Thiết nghĩ, đàm phán trực tiếp với Hoa Kỳ nếu diễn ra công bằng và thuận lợi, thì tiến trình cải cách của Triều Tiên sẽ rất nhanh.

Nhưng trong trường hợp Hoa Kỳ vẫn áp đặt một chiều và đẩy mọi rủi ro về phía Bình Nhưỡng như bài học Libya, thì hủy thượng đỉnh Mỹ - Triều là lựa chọn bảo toàn lực lượng.

Lúc đó, tiến trình cải cách tại Triều Tiên vẫn diễn ra, cho dù có thể chậm hơn, nhưng Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc có thể thúc đẩy hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng và Triều Tiên thì không cần phóng thêm tên lửa hay thử hạt nhân.

Lúc đó, chí ít Hoa Kỳ cũng khó có đủ lý do thuyết phục để ép các nước khác duy trì hoặc mở rộng trừng phạt với Triều Tiên.

Có lẽ đây là những điều ông Kim Jong-un đã và đang tính toán.

Nếu quả thực như vậy, nhà lãnh đạo trẻ này đã cho thấy một bản lĩnh, khí phách và tầm nhìn để ông ngang vai với lãnh đạo các siêu cường.

Bởi suy cho cùng, bán đảo Triều Tiên vẫn là bàn cờ chiến lược giữa Mỹ và phương Tây với Trung Quốc - Nga, nổ ra chiến tranh không phải chuyện dễ, vì càng giàu càng có nhiều thứ để mất.

Xâu chuỗi lại các sự kiện, không phải ngẫu nhiên ông Kim Jong-un dồn dập thử hạt nhân, tên lửa để thổi căng thẳng trên bán đảo lên cao trào rồi đột ngột hạ nhiệt, xoay qua đàm phán.

Cũng không phải ngẫu nhiên ông đánh tiếng đàm phán với Donald Trump trước, bố trí xong xuôi rồi thì cấp tập sang gặp Tập Cận Bình.

Đường đi nước bước của nhà lãnh đạo trẻ này cho thấy rõ sự phán đoán sắc bén và quyết định táo bạo, bất ngờ, hiệu quả.

Hy vọng những nỗ lực và thiện chí sẽ tiếp tục được vun đắp từ hai phía, bởi một bàn tay vỗ không nên tiếng. Được như vậy, thì phi hạt nhân hóa có thể nằm trong tầm tay, hòa bình và thịnh vượng sẽ nhanh chóng đến với bán đảo.

Nguồn:

[1]https://www.washingtonpost.com/news/world/wp/2018/05/16/whats-this-libya-model-north-korea-is-so-angry-about/?noredirect=on&utm_term=.fa86cbf00167

[2]https://www.nytimes.com/2018/05/16/world/asia/north-korea-libya-model.html

[3]https://www.heraldandnews.com/news/nation_world/trump-u-s-hasn-t-been-notified-about-threat-to/article_257dc281-3732-518a-8072-81e681544441.html

Hồng Thủy