SCMP: Hải chiến Trường Sa và bài học về tình huống bất ngờ ở Biển Đông

17/03/2013 08:38
Hồng Thủy (Nguồn: SCMP)
(GDVN) - Tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ không dừng lại, nó sẽ tìm cách "kiểm soát" phần còn lại của quần đảo Trường Sa khi sức mạnh hải quân của nó phát triển như một sự phản ánh tuyên bố về cái gọi là "chủ quyền" của Bắc Kinh ở Biển Đông với đường lưỡi bò phi pháp.
Đá Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt và chiếm đóng trái phép
Đá Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt và chiếm đóng trái phép
Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) ngày 17/3 có bài phân tích, kỷ niệm 25 năm hải chiến Trường Sa khi Trung Quốc phái quân đánh chiếm Đá Gạc Ma nằm trong quần đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam - PV), một trận chiến cho thấy tham vọng của Bắc Kinh đang ngày một bành trướng.
25 hải chiến Trường Sa, theo SCMP, không chỉ đơn thuần là một bài học lịch sử, nó còn gợi lên sự lo ngại trong khu vực về các tình huống bất ngờ có thể xảy ra trên Biển Đông. Năm 1988, tàu khu trục Trung Quốc bất ngờ tấn công Đá Gạc Ma, bắn chìm tàu Hải quân Việt Nam, 64 chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Hậu quả lớn hơn của trận chiến này là việc Trung Quốc đã chiếm đóng và xây dựng nhà nổi công sự kiên cố trái phép trên 6 bãi đá ở quần đảo Trường Sa, trong khi 14 năm trước đó hải quân Trung Quốc đã bất ngờ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và xây dựng "một căn cứ quân sự ghê gớm" ở đây, SCMP cho hay. Một số nhà phân tích cho rằng tham vọng bành trướng của Trung  Quốc trên Biển Đông sẽ không dừng lại, nó sẽ tìm cách "kiểm soát" phần còn lại của quần đảo Trường Sa khi sức mạnh hải quân của nó phát triển như một sự phản ánh tuyên bố về cái gọi là "chủ quyền" của Bắc Kinh ở Biển Đông với đường lưỡi bò phi pháp. Điều này khiến các nhà hoạch định quân sự của các bên tranh chấp không khỏi lo ngại, một nỗi lo thường trực bởi giá trị chiến lược của quần đảo: Án ngữ tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu của thế giới, nằm trên một vùng dồi dào giàu mỏ, khí đốt và nguồn cá. Một cách "riêng tư", không ít tướng lĩnh, giới chức và học giả Trung Quốc đã nói thẳng ra những khả năng xảy ra va chạm giữa Trung Quốc với Việt Nam, quốc gia đang kiểm soát số đảo, bãi đá nhiều nhất ở Trường Sa, theo SCMP, nhiều người đã nhắc đến nó như một sự điên cuồng, mê loạn. Cái cớ cho sự "hoang tưởng" này của một bộ phận tướng lĩnh, giới chức và học giả Trung Quốc là họ vin vào "khả năng tưởng tượng" rằng Việt Nam sẽ sử dụng các căn cứ quân sự tại Trường Sa để "kiềm chế Trung Quốc". Một chiến lược gia của quân đội Trung Quốc giấu tên nói với SCMP: "Người Việt Nam phải biết rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ  cho phép họ kiềm chế Trung Quốc thông qua những căn cứ quân sự ấy". Tuy nhiên, Gary Li, một nhà phân tích cấp cao thuộc trung tâm IHS Fairplay ở London, Anh cho biết, tình hình Biển Đông hiện nay khác rất nhiều so với năm 1988, các chiến lược gia Bắc Kinh ý thức được rằng sử dụng vũ lực đánh chiếm các đảo, bãi đá ở quần đảo Trường Sa hiện nay không còn là một chiến lược đúng đắn. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ củng cố mạnh mẽ cơ sở hạ tầng cũng như sức mạnh quân sự trên quần đảo Hoàng Sa mà nó đã chiếm của Việt Nam năm 1974 trong khi tiếp tục khẳng định cái gọi là "chủ quyền" (phi lý, phi pháp - PV) trên quần đảo Trường Sa thông qua một sự hiện diện mạnh mẽ trên biển với hạm đội Nam Hải và các lực lượng tàu thuyền bán quân sự (Hải giám, Ngư chính - PV).

Hồng Thủy (Nguồn: SCMP)